Theo Sở Y tế Hà Nội, hai vụ trao nhầm con cách đây 42 năm, 29 năm là trường hợp hy hữu, việc tìm manh mối rất khó khăn.
Ngày 15/3, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo gửi Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội báo cáo về 2 trường hợp trao nhầm con tại nhà hộ sinh Ba Đình và Đống Đa. Theo đó, đây là trường hợp hy hữu xảy ra đã lâu (42 năm, 29 năm), việc tìm thông tin manh mối rất khó khăn. Nhà hộ sinh Ba Đình không còn hồ sơ (hết hạn lưu trữ theo luật định). Nhà hộ sinh Đống Đa còn lưu sổ đẻ nhưng việc tìm thông tin về những bà mẹ sinh con trong cùng khoảng thời gian rất khó do thay đổi nơi sinh sống, nếu có tìm thấy cũng phải được họ hợp tác. Cán bộ y tế làm việc tại Nhà hộ sinh thời gian trước đã mất hoặc không nhớ được thông tin gợi ý cho việc tìm kiếm.
Dù vậy, Sở Y tế vẫn yêu cầu hai trung tâm y tế tiếp tục rà soát một lần nữa hồ sơ lưu trữ, động viên cán bộ y tế thời kỳ đó cố gắng nhớ lại thông tin liên quan về những trường hợp sinh đẻ cùng thời gian. Sở cũng yêu cầu các trung tâm y tế báo cáo sự việc xin ý kiến chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, Đống Đa và đề nghị công an hai quận này tra cứu thông tin từ hồ sơ lưu về hộ tịch giúp hai gia đình trong quá trình tìm kiếm.
Trường hợp trao nhầm con cách đây 29 năm tại nhà hộ sinh Đống Đa. Ảnh: Phan Dương. |
Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Bạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thời kỳ ấy chuyện nhầm lẫn con sơ sinh ở viện là có thể xảy ra. Vào nghề từ cuối những năm 1975, ông cho biết những năm 70-80 tại các bệnh viện lớn, nhà hộ sinh Hà Nội, trẻ sơ sinh mới được viết tên hoặc đánh số vào đùi nhằm hạn chế sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, tùy theo chất lượng mực hoặc người viết cẩu thả thì mực có thể bị nhòe hoặc mờ đi. Vì thế, để khắc phục, sau này các cơ sở sinh sản chuyển sang đánh số. Mỗi cặp mẹ con sẽ có một bộ số giống nhau. Mẹ được đeo vào tay, con đeo vào cổ; khi có số đeo khó nhầm.
Ngày 13/5, chị Lê Thanh Hiền đến nhà hộ sinh Đống Đa đề nghị giúp tìm hiểu thông tin về mẹ của chị là bà Phan Tuyết Hoa, sinh tại nhà hộ sinh Đống Đa vào ngày 12/12/1987. Chị Hiền làm xét nghiệm AND thì được khẳng định không phải con đẻ của bà Phạm Tuyết Hoa. Theo kết quả tra cứu từ sổ đẻ lưu khi ấy, sản phụ Hoa 25 tuổi ở tập thể Yên Lãng đến nhà hộ sinh Đống Đa sinh con vào lúc 1h25 ngày 12/12/1987; đến 4h35 cùng ngày sinh một bé gái nặng 2,9 kg. Theo ghi chép, ngày 8-12/12/1987 có 24 sản phụ đẻ tại đây.
Trung tâm Y tế Quận Đống Đa đã hướng dẫn chị Hiền ký hợp đồng với văn phòng luật sư để cung cấp danh sách 24 sản phụ đẻ trong thời gian trên. Đồng thời, Trung tâm cũng liên hệ với những cán bộ y tế công tác tại nhà hộ sinh thời đó. Tuy nhiên vì đã 26 năm trôi qua nên hầu hết mọi người liên quan không nhớ được thông tin gì.
Trường hợp bị nhầm con 42 năm là của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, ở Quán Thánh, Ba Đình). Theo bà Hạnh, ngày 10/10/1974 bà sinh con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình (tại ngõ Phan Huy Ích). Sau khi sinh 2 mẹ con bà được đánh cùng số 33. Ngày hôm sau sau lên phòng chăm sóc trẻ cho con bú thì bà được giao cháu bé đánh số 32. Bà cho rằng nhầm con và cùng nhân viên y tế kiểm tra lại tất cả trẻ sơ sinh đang được chăm sóc tại nhà hộ sinh nhưng không có trẻ nào số 33. Từ đó đến nay bà Hạnh nuôi dưỡng đứa trẻ mang số 32 nhưng linh cảm mách bảo đứa trẻ bà nuôi không phải là con đẻ của mình. Vì thế, tháng 9/2015 bà Hạnh đã đến trung tâm phân tích ADN và nhận kết luận đứa trẻ không phải là con đẻ của bà.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Quận Ba Đình rà soát hồ sơ lưu trữ, liên hệ và tìm kiếm thông tin từ những cán bộ y tế làm việc tại nhà hộ sinh Ba Đình giai đoạn 1974-1975. Tuy nhiên, không có kết quả do thời gian quá lâu, nhà hộ sinh Ba Đình đã chuyển sang địa điểm mới, hồ sơ đã hết hạn lưu trữ và những cán bộ y tế công tác tại nhà hộ sinh thời điểm đó không có bất cứ thông tin nào liên quan.
Phương Trang
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.