Thứ Tư, 16/03/2016 | 01:22

Y tế tư nhân Việt Nam đang phát triển nhanh, góp phần giảm quá tải hệ thống y tế công song chưa được đối xử bình đẳng nhiều mặt. 

Trao đổi ở hội nghị Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam diễn ra tại TP HCM ngày 12/4, bác sĩ Phạm Thành Vận, Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam cho biết thực trạng hiện nay là nhà nước đầu tư quá nhiều vào bệnh viện công và chưa có sự công bằng với bệnh viện tư nhân. 

“Các bệnh viện, phòng khám tư nhân phải đối mặt với những khó dễ, rườm rà về mặt giấy tờ hành chính, tốn thời gian chờ đợi khá nhiều để giải quyết các vấn đề cần thiết”, ông Vận phân tích. 

Nhiều rào cản trong phát triển y tế tư nhân

Khối y tế tư nhân với mạng lưới rộng khắp đang góp phần giảm quá tải hệ thống y tế nhà nước. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Thống kê của của Bộ Y tế năm 2014, cả nước có 1.200 bệnh viện công và 171 bệnh viện tư nhân, 30.000 phòng khám tư nhân. 249.832 người  được cấp chứng chỉ hành nghề với 64.422 bác sĩ. Tuy nhiên theo bác sĩ Vận, hiện vẫn chưa đánh giá bao nhiêu đơn vị hoạt động tốt sau khi được cấp phép. Không ít bệnh viện, phòng khám phải hoạt động cầm chừng với muôn vàn khó khăn. Các chương trình xã hội hóa vẫn chưa thực sự giúp ích cho người hành nghề y tư nhân.

Là giám đốc của một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội, bác sĩ Vận chia sẻ về việc vừa phải lo tài chính, vừa công tác chuyên môn, có tuần phải tiếp đến 7 đoàn thanh tra. Thanh tra là rất cần thiết nhưng cần có quy định cụ thể, đúng nội dung. Bản thân thanh tra viên cũng cần có năng lực chuyên môn, hiểu biết về y tế để có sự thẩm định đúng đắn. “Đã có nhiều tình huống thành viên đoàn thanh tra không hiểu rõ về chuyên môn y tế, khiến bệnh viện gặp khó khăn trong việc giải thích, trình bày”, ông Vận nói.

Ông Vũ Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam nêu ra vấn đề trong khi bệnh viện nhà nước được cấp đất, có được vị trí thuận lợi thì tư nhân phải từ bỏ tiền ra thuê đất, mua đất nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Các cá nhân phải tự bỏ tiền túi, dốc hết tài sản ra để đầu tư phòng khám, bệnh viện nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức của xã hội. 

Bác sĩ Vận kiến nghị cần có quy định bổ sung cấp chứng chỉ cho các chuyên khoa hiếm như chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa, xét nghiệm sinh học phân tử để tạo điều kiện thuận lợi các bác sĩ làm việc. Ngoài ra, cần xem xét lại quy định bắt buộc phải có lý lịch tư pháp khi yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề. Việc làm lý lịch tư pháp hiện nay phải tốn vài tháng đến cả năm, trong khi đó các bác sĩ đã có đầy đủ bằng cấp, lý lịch cá nhân thì yêu cầu này không phải là quá bức thiết.

Đại diện các đơn vị y tế tư nhân bày tỏ mong muốn nhà nước bổ sung các quy định, quyền hợp pháp cho bác sĩ và người hành nghề y nói chung, có hành lang pháp lý bảo vệ nhân viên y tế một cách đúng đắn, khách quan, đặc biệt là trước các sự cố tai biến y khoa. Cần có sự gắn kết hơn nữa giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân trong mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân. Khối y tế tư nhân cần được tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc mời các chuyên gia nước ngoài đến hoạt động, hợp tác giảng dạy. 

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook