Các nhà khoa học xã hội đã nhận thấy nó bắt đầu trở thành một “đại dịch thời hiện đại”.
“Narcissism” được dịch nghĩa là ái kỷ, tự yêu bản thân thái quá hay rối loạn nhân mãn. Đó là thuật ngữ dùng để chỉ một dạng rối loạn tâm thần. Theo đó, người mắc bệnh ái kỷ thường có những đặc điểm nhân cách đặc trưng như luôn xem mình là người quan trọng nhất, là số một, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần được người khác tôn vinh và ngưỡng mộ…
Chủ đề tranh luận về ái kỷ đang ngày càng nóng lên trong vài thập kỷ gần đây. Các nhà khoa học xã hội đã nhận thấy nó bắt đầu trở thành “đại dịch thời hiện đại”. Vậy nó đã bắt đầu và đang diễn ra như thế nào? Liệu chính bạn có phải một người ái kỷ?
Sự khởi đầu
Thuật ngữ “narcissism” bắt nguồn từ một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. “Narcissus” kể về một chàng thợ săn điển trai. Một ngày nọ, anh soi mình dưới dòng nước và đột nhiên yêu say đắm chính hình ảnh phản chiếu đó.
Chàng thợ săn bị ám ảnh, cuốn hút bởi hình bóng của mình đến nỗi không thể rời khỏi dòng nước. Cuối cùng anh chết vì kiệt sức. Những khóm hoa thủy tiên mọc lên từ nơi anh nằm.
Thần thoại Hy Lạp kể về một chàng thợ săn yêu chính hình bóng của mình trong nước
Những khái niệm đầu tiên về ái kỷ được nhà phân tâm học Sigmund Freud đặt nền móng trong các công trình nghiên cứu của ông ở thế kỷ 20. Lần đầu tiên xuất hiện trong một bài luận có tên “On Narcissism”, năm 1914, khái niệm ái kỷ đã khởi nguồn cho rất nhiều nghiên cứu khác về nó sau này.
Khi nào ái kỷ trở thành một vấn đề?
Trên thực tế, ái kỷ có một dải tác động từ lành mạnh cho đến tình trạng bệnh lý. Tự yêu bản thân mình ở mức độ nào đó là một hoạt động bình thường ở con người. Nó có thể mang đến những lợi ích sức khỏe và gia tăng sự tự tin. Qua đó, những điều này giúp chúng ta vượt qua nhiều trở ngại và kiếm tìm được những sự hỗ trợ cần thiết từ các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, ái kỷ trở thành một vấn đề khi một cá nhân nào đó nghĩ quá nhiều đến bản thân mình. Họ khao khát sự ngưỡng mộ quá mức trong mắt những người khác, nhưng đồng thời lại coi thường cảm xúc của họ. Nếu những người ái kỷ không được thỏa mãn, họ có thể rơi vào trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích.
Những người ái kỷ thường vẽ chân dung mình lên như một người vĩ đại, tự tin với thế giới. Nhưng điều này chỉ để che đậy những cảm xúc sâu sắc bên trong tâm hồn họ. Nơi đó có một lòng tự ái mong manh, dễ tổn thương bởi những chỉ trích nhỏ nhất.
Chính vì đặc điểm này, những người ái kỷ xây dựng nên những mối quan hệ nông cạn, chỉ để phục vụ nhu cầu được chú ý, ngưỡng mộ của họ. Khi những đặc tính ái kỷ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, họ sắp phải đối mặt với một tình trạng gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ.
Người trẻ và đặc biệt là đàn ông thường dễ bị ảnh hưởng nhất.
Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ được mô tả bằng các biểu hiện yêu bản thân mình một cách thái quá. American Psychiatric Association miêu tả chúng bao gồm: “tự cảm thấy mình vĩ đại, mong cầu sự ngưỡng mộ, thiếu sự đồng cảm, bắt đầu ở tuổi trưởng thành và trong mọi hoàn cảnh”.
Người trẻ và đặc biệt là đàn ông thường dễ bị ảnh hưởng nhất. Các nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là chưa rõ ràng. Một số bằng chứng cho thấy ngược đãi hay bị bỏ rơi trong thời thơ ấu có thể là hình thành sự rối loạn này.
Điều gì đã khiến tình trạng này gia tăng?
Các nghiên cứu lần lượt chỉ ra khoảng 2 đến 16% số người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ. Điều này tùy thuộc vào môi trường lấy mẫu của họ. Tuy nhiên, con số được tính toán cho toàn bộ xã hội là khoảng 1%. Một số người cho rằng tự yêu bản thân mình thái quá là một điều cực kỳ hiếm. Nhưng con số 1% dân số là không hề nhỏ.
Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu nhận ra xu hướng gia tăng của căn bệnh ái kỷ và gán cho chúng cái tên “đại dịch thời hiện đại”. Sự gia tăng gắn liền với thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp, khi vài thập niên gần đây, các phong trào đề cao cá nhân hơn tập thể phát triển mạnh. Đó rất có thể là một nguyên nhân chính.
“Phong trào tự trọng” ra đời và cổ vũ mọi người đó chính là chìa khóa của thành công. Các nhà hoạt động giáo dục ảnh hưởng lên các bậc cha mẹ và cả những đứa trẻ. Tất cả mọi người được dạy rằng phải biết tự độc đáo hóa bản thân để tự tin và thành công hơn. Cha mẹ cố gắng “trao” lòng tự trọng cho con cái bằng cách nuông chiều chúng, thay vì để cho chúng tìm được nó thông qua những thử thách khó khăn.
Phong trào đề cao cá nhân rất có thể là một nguyên nhân chính
Bên cạnh đó là sự nổi lên của chủ nghĩa cá nhân, suy giảm chuẩn mực xã hội đi kèm cả với quá trình hiện đại hóa. Gia đình và cộng đồng dần mất đi những sự hỗ trợ vốn có cho mỗi cá nhân, như chúng đã làm trong quá khứ.
Các câu hỏi chuyển từ “Điều gì tốt nhất cho gia đình và xã hội?” sang “Điều gì tốt nhất cho tôi?”. Sự hiện đại hóa của xã hội đề cao những giá trị như danh vọng, sự giàu có, nổi tiếng. Tất cả những điều kể trên, kết hợp với những sự cố phát sinh từ quan hệ xã hội của một cá nhân, tạo ra một sự trống rỗng bên trong con người, cạo sạch ý nghĩa sự tồn tại của xã hội xung quanh họ.
Cuối cùng, hãy nói về xu hướng mới nhất trong thời đại này: mạng xã hội. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đặc biệt là những trang mạng như Facebook đang thay đổi cách chúng ta giành thời gian để giao tiếp. Ngay lúc này, có gần 936 triệu người dùng Facebook hàng ngày trên khắp thế giới. Một vài nghiên cứu nhỏ đang cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa nghiện Facebook và hành vi ái kỷ ở con người.
Chúng ta có thể làm gì bây giờ?
Nói về cách điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ, nó được chia làm hai loại dược lý và tâm lý. Nhưng tạm bỏ qua sự phức tạp trong cơ chế mà chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về chúng, thiền cũng được chứng minh là có tác dụng. Nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện về chính chứng rối loạn nhân cách ái kỷ mới có thể tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả.
Điều quan trọng nhất của cuộc sống đến từ những mối quan hệ bền chặt và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau
Vì vậy, bây giờ chúng ta chỉ có thể tìm ra một kim chỉ nam cho hướng đi của chính mình. Làm thế nào để có một cuộc sống hanh phúc và có mục đích? Một nghiên cứu lớn nhất về điều này được thực hiện bởi Đại học Harvard. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi cuộc sống của một nhóm lớn người dân trong suốt 75 năm.
Họ phát hiện ra rằng danh tiếng và tiền bạc không phải là bí mật của hạnh phúc. Thay vào đó, điều quan trọng nhất của cuộc sống đến từ những mối quan hệ bền chặt và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Về cơ bản, nó trái ngược với chứng ái kỷ. Xã hội đang cần một cuộc hành trình đi từ non nớt đến trưởng thành, từ sự ái kỷ đến sự kết nối.
Vì vậy, có lẽ sau khi đọc bài viết này, bạn nên thử tắt máy tính và các thiết bị cầm tay để hẹn gặp một vài người. Có lẽ, sẽ tốt hơn sau khi bạn làm điều đó và suy nghĩ về những giá trị đích thực của cuộc đời mình.
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.