Đại dương sâu thẳm luôn là ẩn đố đối với nhân loại. Các nhà khoa học cũng liên tục đưa ra các phát hiện mới về những sinh vật kỳ lạ dưới đáy biển.
Khi nói đến ‘sát thủ đại dương’ nhiều người trong chúng ta sẽ liên tưởng đến loài cá mập. Tuy nhiên nếu so sánh với độc tố mà loài… ốc này tiết ra thì cá mập vẫn phải ‘ngậm ngùi’ đứng sau.
Ốc nón (Cone snail) là một loài ốc săn mồi thuộc họ ốc Conidae. Chúng ngụy trang cho mình với vẻ ngoài lầm lỳ, vô hại với những chiếc vỏ đẹp đẽ đủ màu sắc. Khi màn đêm buông xuống, chúng di chuyển chậm chạp trên đáy biển giống như bao con ốc vô hại khác nhưng chúng có cách riêng của mình để săn mồi.
Ốc nón có vẻ ngoài sặc sỡ và vô hại.
Chúng săn cá bằng cách sử dụng hàm răng giống như chiếc lao móc đặc biệt sắc nhọn và một tuyến độc. Chúng rình mồi bằng cách náu thân dưới cát và chỉ giơ ống hút lên. Khi con mồi tới gần, chúng sẽ tóm chặt mục tiêu rồi tiêm chất độc vào cơ thể mồi. Chất độc nhanh chóng khiến con mồi tê liệt và ốc nón có thể nuốt chửng nó một cách dễ dàng.
Chất độc nhanh chóng làm tê liệt con mồi và ốc nón có thể ‘xử lý’ con cá một cách dễ dàng.
Ốc nón được xem là một trong những loài vật có nọc độc đáng sợ nhất thế giới. Chiếc lao giấu sâu trong miệng chúng có chứa ít nhất 100 loại độc tố, nhiều hơn bất cứ loại động vật nào. Thậm chí, một giọt nọc độc của loài ốc này có thể giết chết 20 người.
Đối với con người, thứ ‘vũ khí’ này có thể xuyên thủng qua găng và đồ lặn để đến da thịt nạn nhân. Sau khi bị chích, nạn nhân có thể cảm thấy ê buốt phần da thịt bị đâm nhưng không có biểu hiện gì nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, những triệu chứng như tê liệt hoặc triệu chứng suy hô hấp sẽ xuất hiện vài ngày sau đó và lấy đi tính mạng của nạn nhân. Dù loài vật này vô cùng nguy hiểm nhưng đến thời điểm hiện tại, số trường hợp tử vong do ốc nón gây ra khá hiếm.
Mời bạn cùng xem cận cảnh cách săn mồi của ốc nón!
Mai Hạ tổng hợp
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.