Thứ Ba, 15/03/2016 | 18:26

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều kim loại nặng trong bình giữ nhiệt Trung Quốc có thể gây hỏng niêm mạc, ảnh hưởng đến tim mạch, tuyến giáp, thậm chí gây ung thư phổi, da.

Bình giữ nhiệt Trung Quốc bị cảnh báo chứa chất gây ung thư

Các loại bình giữ nhiệt xuất xứ Trung Quốc đang được bán rộng rãi trên thị trường. Ảnh: Jiangsu.

Trang Jiangsu cảnh báo người có thói quen sử dụng bình giữ nhiệt xuất xứ Trung Quốc để chứa nước trà, nước ép trái cây hãy thận trọng. Mới đây, Cục Kiểm định Chất lượng tỉnh Giang Tô khuyến cáo việc sử dụng bình giữ nhiệt có lót cách nhiệt thép không gỉ để đựng trà và nước ép có tính axit sẽ đẩy nhanh sự phân hủy các polyphenol, giải phóng kim loại nặng từ lớp cách nhiệt ra nước uống.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy bình giữ nhiệt bán ở các siêu thị nhỏ và chợ bán buôn sỉ không đạt chuẩn. Cục Kiểm định Chất lượng tỉnh Giang Tô lấy mẫu kiểm tra nhiều loại bình giữ nhiệt bằng thép không gỉ có 2 lớp thép bên trong và ngoài, ở giữa lớp lót và vỏ được hút chân không để giữ nhiệt. Kết quả kiểm tra 145 mẫu bình có 24 mẫu không đạt chuẩn về mặt giữ nhiệt chủ yếu do kích cỡ nhỏ, dung tích thấp, đặc tính cách nhiệt không cao, bớt xén nguyên liệu. Trên thị trường, đa số bình giá từ 200 Nhân dân tệ (khoảng 600.000 đồng) trở lên đều đạt chuẩn, còn các loại giá dưới 150.000 đồng có 76% không đạt chuẩn về mặt giữ nhiệt.

Làm thế nào để lựa chọn một chiếc bình giữ nhiệt an toàn? Cục kiểm định Giang Tô cho biết các loại bình giữ nhiệt có vật liệu lót làm từ thép 304 đạt chuẩn an toàn cao nhất. Bình sử dụng lớp lót trộn thép – niken – mangan kém xa bình dùng lớp lót bằng thép không gỉ 304 cả về mức nguy cơ giải phóng kim loại nặng khi bị axit ăn mòn và vệ sinh an toàn.

Khảo sát thị trường cho thấy hầu hết sản phẩm kém chất lượng có giá thành rẻ nên nhiều người mua. Cục Kiểm định nhìn nhận người tiêu dùng không thể bằng mắt thường phân biệt đâu là bình lót thép không gỉ, đâu là bình lót trộn thép – niken – mangan. Do vậy, để đảm bảo an toàn nên chọn loại bao bì sản phẩm ghi làm bằng thép không gỉ 304.

Theo cơ quan chức năng, bình giữ nhiệt tốt nhất chỉ dùng để đựng nước, nếu muốn đựng các thực phẩm khác, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thực phẩm đó. Khi vệ sinh bình, chú ý bề mặt lớp lót cách nhiệt, không dùng búi sắt chà xát bề mặt trong bình đ tránh trầy xước. Với các vết bẩn cứng đầu có thể dùng chất tẩy rửa trung tính hoặc giấm pha loãng, thời gian ngâm rửa không nên quá lâu, tránh làm hỏng lớp tráng. Nắp đậy cà các vùng tiếp xúc cũng nên được làm sạch thường xuyên.

Những sai lầm khi sử dụng bình giữ nhiệt:

Nhiều người dùng bình giữ nhiệt để đựng nước trà, nước ép trái cây, đồ uống có ga và các đồ uống có tính axit khác. Crom, niken, mangan là những nguyên tố cơ bản có trong thép không gỉ, nếu nó thôi ra nước uống với hàm lượng lớn sẽ gây rủi ro cho sức khỏe người dùng. Bình thường khi sử dụng bình giữ nhiệt, một số kim loại nặng sẽ từ từ giải phóng vào trong nước với tốc độ chậm thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong môi trường thực phẩm có tính axit, tốc độ giải phóng kim loại nặng gia tăng rất nhanh. “Tiếp xúc lâu với crom sẽ làm hỏng da và mũi niêm mạc, gây bệnh phổi và ung thư da. Nicken có thể ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, chức năng tuyến giáp hoặc ung thư”, chuyên gia kiểm nghiệm Zhu Ge Hai nói.

Để uống trà nóng, nhiều người có thói quen sử dụng bình giữ nhiệt. Kết quả kiểm nghiệm rủi ro cho thấy bình có thể gây thất thoát một lượng polyphenol trong trà. Lý do chủ yếu là các polyphenol có khả năng bị oxy hóa dễ dàng ở nhiệt độ cao, do đó không nên sử dụng bình giữ nhiệt để chứa trà xanh.

Trên thị trường hiện nay có bán cả loại bình giữ nhiệt miệng rộng và miệng nhỏ, nhiều người ưa chuộng bình miệng nhỏ vì nước khó bị đổ. Chuyên gia kiểm nghiệm khuyến cáo loại bình này tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Thử nghiệm trên 16 mẫu bình giữ nhiệt đựng nước sôi và đặt ở nhiệt độ phòng trong 6 tiếng. Kết quả là bình miệng nhỏ vẫn giữ được nhiệt độ trên 70 độ C, trong khi bình miệng rộng còn 60 độ C. Nếu dùng bình miệng rộng, khi uống có thể cảm nhận trực tiếp cảnh báo độ nóng của nước, còn bình miệng nhỏ khi uống thường đòi hỏi nghiêng góc hơn 60 độ, khó để kiểm soát nhiệt độ và tốc độ của nước nên dễ gây bỏng miệng.

Thi Trân

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook