Thứ Tư, 16/03/2016 | 01:34

Trong khi khối y tế công lập quá tải thì các bệnh viện tư nhân mới chỉ sử dụng 40-50% công suất giường bệnh. 

Phát biểu tại hội nghị về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế tư nhân tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết 15 năm từ khi có cơ chế xã hội hóa y tế, y tế tư nhân đã có nhiều nước phát triển rõ rệt. Hiện cả nước có hơn 170 bệnh viện tư và 30.000 phòng khám, cơ sở y tế tư nhân.

Theo ông Khương, y tế tư nhân góp phần giúp giảm tải bệnh viện công và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy cả bệnh viện công lẫn tư phát triển chuyên môn, kỹ thuật. Bệnh viện tư đi đầu trong chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân. Nếu không có bệnh viện tư thì chưa chắc bệnh viện công đã sớm thay đổi nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. 

Tuy nhiên khối y tế này hiện vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng xã hội. Trong hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư chỉ chiếm khoảng 15% số giường bệnh chung. Người dân vào khám chữa bệnh nội và ngoại trú chỉ chiếm 6-7%. Trong khi bệnh viện công quá tải thì bệnh viện tư sử dụng chỉ độ 50-60% công suất. Nhiều bệnh viện phải sống thoi thóp hoặc hoạt động cầm chừng. 

Bệnh viện tư thoi thóp trong khi bệnh viện công quá tải

Bệnh viện tư nhân được đầu tư hiện đại, chất lượng tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận bệnh nhân. Ảnh minh họa: H.M

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, việc thu hút người bệnh đến y tế tư nhân còn hạn chế một phần đến từ những rào cản bảo hiểm y tế. Cả nước có hơn 64 triệu thẻ bảo hiểm y tế nhưng số lượng thẻ cho phép đăng ký tại bệnh viện tư nhân chỉ có 3 triệu. Nhiều bệnh viện tư nhân được đầu tư hiện đại, chất lượng cao nhưng lại được phân số lượng thẻ bảo hiểm y tế ban đầu rất ít. Một số bệnh nhân không chọn bệnh viện tư nhân để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vì phải đóng thêm chênh lệch. 

Theo ông Đệ, vẫn còn sự bất bình đẳng trong khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến bảo hiểm giữa bệnh viện công và tư. Rất ít bệnh viện công chuyển tuyến bệnh nhân sang bệnh viện tư để điều trị mặc dù chất lượng chữa trị tốt, ngay cả khi người nhà bệnh nhân có yêu cầu.

“Hiện Bộ Y tế vẫn chưa có tiêu chí xếp hạng bệnh viện, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật với bệnh viện tuyến tư nhân. Điều này ảnh hưởng đến quá trình thanh toán bảo hiểm y tế”, ông Đệ nhấn mạnh. Bệnh viện công được phân hạng nhưng bệnh viện tư thì không, hoặc có được phân hạng thì đa số chỉ là hạng 2-3. Đồng nghĩa với việc bảo hiểm y tế hầu như không chi trả phí khám chữa bệnh, hoặc nếu chi trả thì phần lớn ở mức tương đương bệnh viện tuyến huyện.

Cơ chế chính sách đã tạo nhiều cơ chế khuyến khích y tế tư nhân, tuy nhiên đại diện các bệnh viện tư cho biết vẫn còn rất nhiều điều chưa bình đẳng giữa hai khối ngành y tế. Chẳng hạn bảo hiểm không chi trả khám vượt tuyến từ 2015 khiến khối y tế tư nhân gặp nhiều khó khăn. Số lượt bệnh nhân đến khám, điều trị tư nhân giảm so với năm 2014. Năm 2016, bệnh viện tư nhân hạng 2 không được thông tuyến, còn bệnh viện công hạng 2 thì được. Điều này khiến bệnh viện nhà nước đã quá tải càng dồn dập bệnh nhân còn bệnh viện tư phải loay hoay tìm cách để tự thu hút bệnh nhân. 

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook