Thứ Hai, 28/03/2016 | 15:30
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, khi nói đến “thực phẩm bẩn”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đã có sự phối hợp giữa các Bộ, có sự hành động quyết liệt. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng- Bí thư Thành ủy TP HCM lại cho rằng, các Bộ nói làm tốt nhưng dân vẫn phải ăn bẩn thì không thể chấp nhận được. Vậy, vấn đề nằm ở chỗ nào khi mà vấn nạn thực phẩm bẩn đã, vẫn và đang khiến xã hội lo lắng.

Hàng trăm con heo ở một sơ sở chăn nuôi tỉnh Bình Dương bị bơm nước và thuốc an thần. Ảnh: N.Triều.

Không đồng tình khi hai Bộ trưởng NNPTNT và Y tế nói đã phối hợp tốt trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Bí thư TP HCM lên tiếng: “Phối hợp tốt nhưng mọi người cứ phải ăn bẩn thì không thể chấp nhận được”.

Nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thì có thể một số người không nắm rõ thông tin đã nhận định rằng dường như các Bộ không phối hợp với nhau, đổ lỗi cho nhau. “Chúng tôi phối hợp hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng, chặn đứng nguồn cung cấp từ bên ngoài”- theo ông Phát. “Song kiếm hợp bích”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn  Thị Kim Tiến cho rằng, Bộ Y tế và  Bộ NNPTNT đã phối hợp không cho nhập chất cấm. Khi kiểm tra phát hiện sai phạm đã chuyển cơ quan điều tra.

Ở đây chưa nói chuyện ông Thăng đúng hay ông Phát, bà Tiến đúng, nhưng thực tế thì thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, khiến người người lo ngại. Nói rằng, “thượng đế”- người mua hàng-  phải thông minh, tự nhận biết đâu là thực phẩm bẩn, đâu là sạch e rằng quá khó, không khác gì đánh đố. Cùng mấy mẹt thịt heo, đố ai biết đâu là sạch đâu là bẩn. Ngay cả hàng bán trong siêu thị còn “năm ăn năm thua” nữa là ở chợ cóc, chợ đuổi. Chốt lại của vấn đề, phối hợp hay không phối hợp, quyết liệt hay không quyết liệt thì cũng phải dẫn đến kết quả là người dân phải được sử dụng thực phẩm sạch, để nới rộng ra con đường từ dạ dày đến nghĩa địa.

Nhân đây, cũng cần nói lại chuyện chất tạo nạc trong chăn nuôi heo. Đó là chất Salbutamol- chất cấm trong chăn nuôi. Trước ý kiến của đại diện Thanh tra Bộ NNPTNT cho rằng, chỉ có 10kg/9 tấn Salbutamol nhập về là sử dụng đúng mục đích; ngày 24/3 mới rồi Bộ Y tế đã có văn bản cho rằng, số nhập Salbutamol năm 2015 là 5.215 kg và năm 2014 là 3.876 kg. Trong 2 năm liền, Bộ Y tế đã nhập tổng cộng số lượng Salbutamol là 9.090kg chứ không phải trong 1 năm 2015 nhập con số như Thanh tra Bộ NNPTNT công bố. Đồng thời, Bộ Y tế phủ định con số chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định là “hoàn toàn không có cơ sở”.

Thôi thì biết vậy, nhưng con số thực dùng đúng mục đích  chất tạo nạc nguy hiểm này là bao nhiêu thì lại không có. Và cũng cần lưu ý rằng, giá 1kg chất Salbutamol ở công ty dược vào khoảng 2 triệu đồng, nhưng khi được bán sang tay giá đã được đẩy lên 6-7 triệu đồng/kg. Món lời cao như thế chẳng trách nào người ta không ngần ngại khi đầu độc đồng bào của mình.

Với Chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng nhấn mạnh, người Việt không thể đầu độc người Việt. Trước, chúng ta từng hết sức lo ngại về việc dư lượng chất độc hại trong thực phẩm được tuồn từ bên ngoài vào, nhưng nay chất độc hại đó lại ở trong chính chúng ta. Đó là điều hết sức nguy hại và đau lòng. Chung quy cũng chỉ từ sự hám lợi và thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Người sản xuất, kinh doanh nhắm mắt chạy theo lợi nhuận, không biết sợ vì lách sự kiểm soát quá dễ. Nếu như khi bị phát hiện họ sẽ bị xử lý hành chính, xử lý hình sự, nhưng thử hỏi những cơ quan hưởng ngân sách, những con người ăn lương, đươc giao quyền và trách nhiệm xử lý khi để xảy ra tình trạng này sẽ bị xử thế nào? Hóa ra câu trả lời vẫn rất u u minh minh.

Vì thế mới để xảy ra chuyện và cái xấu, cái ác vẫn cứ kéo dài.

Trở lại phát biểu của ông Đinh La Thăng, quả là sự phối hợp trước nay vẫn quá lỏng lẻo. Ai cũng nghĩ việc này thuộc “anh” chứ không phải của tôi. Hai bên (hoặc nhiều bên) đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì đương nhiên người dân ở giữa lãnh sẹo. Cơ chế thế này, phân công thế kia, phối hợp thế nọ nhưng rốt lại điều đó hiển hiện trong cuộc sống ra sao- đó mới là gốc rễ vấn đề. Khi mới nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TP.HCM, làm việc với quận Củ Chi (TP HCM), ngày 18/2, ông Đinh La Thăng đã nói mọi giải pháp phải xoay quanh người dân, vì nhân dân phục vụ. Ở đây, miếng ăn hàng ngày của mỗi một con người không phải chỉ để tồn tại, mà cao hơn là được quyền sống khỏe mạnh, không bệnh tật và sâu xa hơn là sự tồn vong, phát triển giống nòi.

Kết lại bài viết này, xin dẫn lời ông Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ: “Anh chị nói rằng các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì? Nói thế không được. Nói thế thì tức là bảo dân cứ tạm thời ăn bẩn đi, chúng tôi còn phải có lộ trình à? Cần phải có biện pháp rất nhanh”.

Tương tự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải khắc phục tình trạng cứ động đến cái gì thì đổ lỗi cho nhau, hoặc nói là không phối hợp, hoặc do vấn đề liên ngành là không đúng.

Nam Việt

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook