Phụ huynh của em học sinh này là chị Lê Huệ (Hà Nội) đã chia sẻ bài văn kiểm tra giữa kỳ của con mình bị 0 điểm lên mạng xã hội, gây sự chú ý của rất nhiều người.
Trong đó, đề bài yêu cầu: Viết một đoạn văn cảm nhận về mùa yêu thích.
Mở đầu bài, con chị viết như sau: “Một buổi sáng thức giấc, bạn chợt thấy những con gió se lạnh len lỏi qua từng góc phố, từng hàng cây, mơn man trên da mặt, xua đi cái nóng oi ả của mùa hè. Đó là bước chuyển mình dịu dàng, tinh tế của mùa thu – mùa tôi yêu thích nhất. Là một trong bốn mùa của năm, xen giữa mùa hạ nóng nực và mùa đông lạnh lẽo, mùa thu như một bước đệm nhịp nhàng, một sự giao thoa tuyệt vời điểm tô thêm cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Và đẹp hơn cả là mùa thu Hà Nội – nơi tôi sinh ra và lớn lên.
“Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng”
Với đoạn mở đầu này, cô giáo chấm bên cạnh 0 điểm và không có ghi chú gì thêm.
Chị Huệ thắc mắc kèm với bức ảnh bài văn: “Lúc nào mẹ cũng dạy con cách học văn là phải khác các bạn! Cách hành văn, cảm văn thì lại càng cần phải khác hơn. Không biết có phải chính các yêu cầu của mẹ mà bài văn kiểm tra giữa kỳ của con chưa được cô đánh giá cao và còn bị 0 điểm cho phần mở đoạn vì không đúng với yêu cầu?”
Ngay khi chị Huệ đăng lên Facebook cá nhân của mình, câu chuyện trên đã nhận được nhiều lượt chia sẻ và bình luận của rất nhiều cư dân mạng.
Nhiều người cho rằng có lẽ bài văn trên được chép từ văn mẫu. Một số cho rằng có lẽ do em viết quá hay, sáng tạo không đúng với khuôn mẫu nên bị điểm 0.
Bạn XM: “Đoạn văn thật nhẹ nhàng và sâu lắng. Học sinh viết được như vậy thì quả là giỏi”.
Bạn DN: “Lời văn rất hay, mượt mà và cảm xúc… Có lẽ em học sinh này yêu Hà Nội nên mới viết được những lời văn sâu lắng như vậy”.
Bạn P.N: “Cái này mình bị rồi. Thời còn đi học mình cũng bị như thế này. Do mình chép ở trong văn mẫu ra. Cô giáo cho 0 điểm. Chắc bài này cũng thế nhỉ”
Bạn TK: “Có khi nào học theo văn mẫu không nhỉ?”
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng lý do em chép văn mẫu bị 0 điểm chưa thật sự thuyết phục.
Bạn Minh Trí bình luận: “Cứ bảo em chép, thế bằng chứng đâu? Hay do suy luận logic của những ai bảo em nó chép. Cứ cho là em nó viết giống như đoạn văn em nó đã đọc. Lấy ví dụ học kiểm tra bài cũ. Chẳng phải là học bài cũ những chữ đã có trong sách rồi kiểm tra lại, xem trí nhớ của học sinh. Như vậy phải khen em nó có trí nhớ tuyệt vời. Còn vấn đề em nó có chép tài liệu trong giờ kiểm tra hay không là chuyện khác, và em nó nhớ lại những gì đã đọc đã học trong sách, có gì là sai? Và nếu em nó còn nhỏ, có trí nhớ như vậy phải khen, còn khi thấy em nó viết giống (sách tham khảo, hay tài liệu) thì nên hỏi em nó vì sao chép? Nhắc nhở có lời khuyên – cái này là tùy khả năng của giáo viên, thay vì phán xét điểm 0…”
Nick T.D: “Tiếc quá. Thật sự mình đọc đoạn văn đc 0 điểm mà thấy vô cùng cảm xúc và bạn ấy thật tinh tế”.
Trong trường hợp trên, việc giáo viên ghi chú thêm lý do cho 0 điểm bài văn trên có lẽ sẽ giúp học sinh và phụ huynh khỏi xảy ra nhiều thắc mắc.
Nhiều người phản ánh, các phụ huynh ở nhà thường hay giúp con em mình làm văn, tuy nhiên người lớn khó có thể cảm nhận và viết một cách trong trẻo, non nớt như giọng văn con trẻ, trong khi đó giọng văn “già” là cô giáo dễ phát hiện.
Từ Ân
Video:Câu chuyện cảm động của cô bé được đoàn cảnh sát hộ tống đi học
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.