Dù phát hiện mới này có thể gây lo lắng, khả năng tái kích hoạt của chúng rất thấp.
Từ vài năm trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được cả một “đàn virus ma” được “xua đuổi” bởi tổ tiên chúng ta và đến bây giờ vẫn đang nằm ngủ trong hệ gen của con người. Và gần đây các nhà khoa học đã khám phá ra được thêm những đoạn virus gen “lạc thời gian” bằng phương pháp kiểm tra gen mới.
Sau khi khảo sát 2.500 bộ gen người, một nhóm đã phát hiện ra dấu vết của tập hợp 36 con virus, trong đó 19 con virus, hơn một nửa, hoàn toàn mới và chưa từng được quan sát thấy trước đây. Đặc biệt 1 con virus duy nhất trong số này có khả năng tái kích hoạt chức năng của mình.
Những đoạn gen hiếm hơn thuộc tập hợp 36 “virus gen” chỉ được tìm thấy trong DNA của một vài người, nhưng ngược lại một số gen virus thuộc dạng phổ biến hơn được xác định trên 75% trong tổng số người được kiểm tra.
Lý do những con virus này tồn tại bên trong bộ gen của con người là vì để sống sót, chúng đã tìm ra cách sử dụng chính DNA của chủ thể để nhân bản mình lên. Khi dải DNA tách đôi ra trong quá trình phân bào, gen của chính những con virus này cũng sẽ được nhân lên theo. Một khi sự phân chia tế bào hoàn thiện, con virus sẽ tự kích hoạt mình lên và biến tế bào mới thành “xưởng chế tạo” virus mới.
Nhưng qua vài thế hệ sống trong bộ gen cơ thể chủ, nếu cơ thể này sống sót qua được mối đe dọa của loài virus ấy, quá trình tiến hóa tuy không loại trừ hoàn toàn được những con virus “ngoan cố” này vẫn sẽ ngăn ngừa được tác hại của chúng về sau bằng cách “tắt” chúng đi. Và cứ như thế những con virus sẽ nằm trong chuỗi gen của con người từ thế hệ này đến thế hệ tiếp theo cho đến khi những biến thể trong gen dần dần thay đổi thiết kế ban đầu của virus đến mức không thể nhận dạng được nữa.
Những virus tương đối mới trong lịch sử tiến hóa của con người vẫn tiềm ẩn khả năng tái phát, và con virus mới phát hiện với tên gọi Xq21.33 thuộc thành phần ấy. Được biết 44 người trong tổng số người được kiểm tra có chứa con virus này trong hệ gen của mình và đây mới chỉ là lần thứ 2 các nhà khoa học phát hiện được những con virus thuộc dạng này.
Một tin đáng mừng là dù có khả năng tái phát, khả năng chúng thành công trong việc ấy cũng rất thấp vì bản năng cơ thể con người có xu hướng “đè nén” chức năng của những đoạn gen không mong muốn này.
Nhưng dù những con virus này không có khả năng gây bệnh cao, sự tồn tại của những đoạn mã gen lạ vẫn có thể có một tầm ảnh hưởng không mong muốn nào đó. Chẳng hạn, một vài chức năng của virus có thể được kích hoạt nếu một nhân tố bệnh khác tác động vào đoạn gen một cách tình cờ hoặc đơn giản những thành phần gen này làm nảy sinh ra những sai lệch trong chức năng thông thường của tế bào.
Các nhà khoa học hiện nay đang nghiên cứu về mối liên hệ của những con virus này với ung thư. Tuy vậy họ đang gặp phải khó khăn vì công nghệ hiện giờ vẫn chưa cho phép họ tìm ra hết những đoạn gen “độc” này.
Tham khảo ScienceAlert
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.