Thứ Ba, 05/04/2016 | 19:30

Chị Thúy được phát hiện nhiễm virus Zika khi đang mang thai ở tuần thứ 8, hiện vẫn đi làm bình thường tại một cao ốc có hơn 1.200 nhân viên ở quận 1, TP HCM.

Thai phụ nhiễm virus Zika ở TP HCM vẫn đi làm bình thường

Tòa nhà nơi chị Thúy làm việc. Ảnh: Trần Ngoan.

Mẹ của chị Thúy kể gần đây con gái thường xuyên ốm nghén, phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi hơn lần mang thai đầu tiên. Lo sợ bị Rubella ảnh hưởng đến đứa trẻ trong bụng, thai phụ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 vào cuối tháng 3.

Căn cứ vào các triệu chứng, bác sĩ nghi ngờ trường hợp này có liên quan đến virus Zika nên gửi mẫu máu đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 1/4 tại Viện Pasteur TP HCM cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Zika. Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện cũng tương tự.

Hiện chị Thúy đã hết sốt, được bác sĩ cho xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi. Thai phụ đi làm trở lại tại một công ty trên đường Lê Duẩn, quận 1. “Ban đầu nghe bác sĩ báo Thúy bị nhiễm virus Zika là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, tôi rất lo. Sau đó con khỏe và đi làm trở lại, tôi mừng lắm. Bác sĩ dặn dò gia đình heo dõi thường xuyên xem thai nhi có bị ảnh hưởng gì không, nhất là dị tật đầu nhỏ”, bà Xoa chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, ban quản lý tòa nhà Petrovietnam Tower, nơi chị Thúy làm việc cho biết sáng nay mới nhận được thông tin nhân viên này bị nhiễm virus Zika. Tại tòa nhà hiện có 1.200 nhân viên của 21 công ty làm việc nên ban quản lý lo ngại về nguy cơ lây truyền bệnh. Tuy nhiên virus Zika không lây qua các đường thông thường như hô hấp, tiếp xúc mà chủ yếu do muỗi nên ban quản lý tòa nhà đã tăng cường các biện pháp phòng chống muỗi và loăng quăng bằng cách phun hóa chất trong khuôn viên cũng như các khu vực chứa nước xung quanh.

Thai phụ nhiễm virus Zika ở TP HCM vẫn đi làm bình thường

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các cán bộ y tế địa phương tăng cường giám sát và chủ động ứng phó khi xảy ra dịch bệnh Zika. Ảnh: Trần Ngoan.

Sáng nay Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát công tác chống dịch Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi xung quanh nơi ở của gia đình chị Thúy. Bộ trưởng đã chỉ đạo lãnh đạo ngành y tế địa phương theo dõi sát trường hợp này đồng thời tiến hành phun xịt hóa chất diệt muỗi để ngăn lây truyền bệnh trong cộng đồng. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các sở, phòng y tế địa phương, phối hợp với gia đình hướng dẫn và giúp thai phụ theo dõi, giám sát trong thai kỳ, phòng vấn đề liên quan đến chứng đầu nhỏ ở bé. Thai phụ được tư vấn và theo dõi theo phác đồ Bộ Y tế đã ban hành.

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika đã ghi nhận tại nước ta với 2 trường hợp mắc ở TP HCM và Khánh Hòa, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đáp ứng dịch lên mức 2 đồng thời đã đề nghị các địa phương công bố dịch theo quy mô xã, phường theo đúng quy định. Các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM đang phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân Thúy chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika.

Bộ trưởng nhận định sắp tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika do có sự giao lưu đi lại giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương trong cả nước, đồng thời Việt Nam có lưu hành muỗi vằn là véc tơ truyền bệnh và chưa có miễn dịch trong cộng đồng. Đặc điểm của bệnh thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm virus Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho thai phụ, người dự định có thai và bà bầu nhiễm virus Zika.

Cuối năm 2015 đến nay, dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp tại 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp quốc tế do có sự quan ngại về mối liên quan giữa nhiễm virus với các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Hiện nay WHO chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch.

Tại sao không cách ly người bệnh Zika

Bác sĩ Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 2 cho biết hiện nay các nhà nghiên cứu trên thế giới chưa có khuyến cáo về việc cách ly bệnh nhân nhiễm virus Zika. Bệnh có khả năng lây truyền cao nhất là ở giai đoạn cấp tính 7 đến 10 ngày, sau đó sẽ ít lây hơn. Riêng trường hợp chị Thúy tính từ lúc khởi phát bệnh vào ngày 27/3 đến nay là 10 ngày, tức đã qua giai đoạn cấp tính và đang ở giai đoạn hồi phục nên khả năng lây truyền rất ít.

Trước lo ngại của nhiều người về việc bệnh nhân không được cách ly có nguy cơ tiếp tục bị muỗi đốt và truyền sang cho người lành, bác sĩ Phước khuyên cộng đồng không nên quá hoang mang hay kỳ thị người nhiễm virus Zika bởi thực tế bệnh không quá nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở mức độ lo ngại phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ cho đứa trẻ, song đến nay vẫn chưa có khẳng định chắc chắn.

Bác sĩ Phước cho biết ngành y tế địa phương đang triển khai các biện pháp giám sát cộng đồng đối với những thành viên trong gia đình bệnh nhân và dân cư sống xung quanh nhà chị Thúy trong bán kính 200 m. Việc có cách ly bệnh nhân hay không phải chờ khuyến cáo và chỉ đạo của Bộ Y tế.

“Người bình thường nhiễm virus Zika sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ riêng phụ nữ mang thai cần tầm soát siêu âm thai tốt để phát hiện tật đầu nhỏ cho đứa bé. Trước mắt ngành y tế dự phòng phun hóa chất diệt muỗi và làm công tác truyền thông trọng điểm, phát tờ rơi để bà con hiểu và phòng chống bệnh hiệu quả”, bác sĩ Phước khuyến cáo. Bệnh lây chủ yếu qua muỗi truyền, do vậy phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, phun hóa chất diệt muỗi, tổng vệ sinh diệt loăng quăng…

Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho rằng bệnh nhân Thúy ngay từ giai đoạn đầu được theo dõi và điều trị theo toa thuốc của bác sĩ nên tình trạng bệnh có thể đã qua cơn cấp tính, cơ thể khống chế được hoạt động của virus Zikas nên phù hợp điều trị ngoại trú. Khi virus đã được khống chế thì tỷ lệ lây nhiễm cũng khó xảy ra.

>> Xem thêm < <

Dấu hiệu nhận biết cơ thể mắc bệnh Zika
Những điều cần biết về virus Zika gây bệnh đầu nhỏ
Bệnh đầu nhỏ do virus Zika là gì

Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi theo yêu cầu của gia đình

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook