Thứ Sáu, 01/04/2016 | 11:58

Khối sán dải lợn khu trú trong não tạo thành nang rất lớn khiến bệnh nhân nhức đầu dữ dội, tê yếu nửa người.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhân ngụ Kon Tum nhập viện cách đây 3 tháng trong tình trạng nhức đầu dữ dội. Kết quả chụp MRI xác định một khối choán chỗ trong não. Bệnh nhân có cơ địa đặc biệt, tổng trạng là suy giảm miễn dịch bẩm sinh, kết hợp tình trạng nhiễm trùng khiến việc chuẩn bị cho cuộc mổ rất gian nan.

“Bệnh nhân 16 tuổi nhưng cân nặng chỉ 20 kg, tương đương đứa trẻ 5 tuổi. Có nhiều lúc tưởng chừng phải buông tay vì tổng trạng không thể đáp ứng cho cuộc mổ lớn”, bác sĩ Hiếu chia sẻ. Sau khi hội chẩn toàn viện nhiều lần, cậu bé được chú trọng nâng cao tổng trạng, truyền yếu tố miễn dịch trước phẫu thuật.

Sán dải lợn làm tổ trong não thiếu niên 16 tuổi

Sau hơn một tuần phẫu thuật, cậu bé hiện đã giảm đau đầu, vết mổ khô, có thể ngồi dậy. Ảnh: Lê Phương.

Sau quá trình chuẩn bị, ngày 24/3 ca mổ kéo dài 5 giờ diễn ra thuận lợi. Kết quả kiểm tra sau phẫu thuật xác định khối choán chỗ trong não chính là sán dải lợn. Đây là tình trạng cực kỳ hiếm gặp. Bệnh nhân có thể trong quá trình ăn uống, ấu trùng của sán chui vào đường tiêu hóa rồi vỡ ra theo vào máu, cư trú tại não thành khối nang rất lớn.

Bác sĩ Phan Minh Trí, Khoa Ngoại Tổng hợp cho biết khối choán chỗ trong não không điển hình cho khối u lẫn thương tổn của ký sinh trùng khiến việc xác định ban đầu gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật là do tăng áp lực nội sọ làm bé đau đầu, yếu nửa người. Sau mổ xác định sán dải lợn, bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu, trị tình trạng nhiễm trùng sán ở ruột và tiếp tục truyền miễn dịch định kỳ hàng tháng.

Các bác sĩ khuyến cáo, ấu trúng sán lợn có thể đến từ nguồn nước hoặc thịt lợn không được nấu chín kỹ, khi vào cơ thể sẽ tiếp tục phát tán đi vào máu và khu trú nhiều nơi. Cần thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc.

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook