Thứ Năm, 31/03/2016 | 13:01

“Giờ thì hắn ở trong tù, nhưng ăn uống và sống bình thường, còn tôi đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt”, Renu Sharma (Ấn Độ) cay đắng nói về kẻ đã tạt axit mình.

Điều cuối cùng mà Renu Sharma nhìn thấy là người thuê nhà Yashpal 37 tuổi đứng gần đó với một chiếc cốc trên tay, Indian Express đưa tin. Chỉ sau tích tắc, cô hét lên đau đớn khi da trên mặt, cổ, ngực, tay tan chảy. 

Nỗi đau cả đời của nạn nhân bị tạt axit

Một nạn nhân bị tạt axit ở Ấn Độ. Ảnh: Indian Express.

Những nạn nhân bị tạt axit như Renu không hề hiếm. Họ nhìn vào gương mà không còn nhận ra khuôn mặt mình. Họ đánh mất bản thân, sống trong cảnh bị kỳ thị. Vết sẹo tồn tại cả đời cả về thể chất lẫn tinh thần là nỗi kinh hoàng mà những vụ tấn công axit đem đến.

Theo Tổ chức Nạn nhân Axit Pakistan, những hệ quả thể chất mà người bị tấn công bằng axit phải chịu đựng bao gồm:
– Hộp sọ bị phá hủy hoặc biến dạng, mất tóc.
– Tai bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn, có nguy cơ bị điếc.
– Mí mắt bị đốt cháy hoặc biến dạng, mắt trở nên rất khô hoặc dễ mù lòa.
– Mũi teo tóp, biến dạng; lỗ mũi có thể bị che lấp hoàn toàn do sụn bị tàn phá.
– Miệng biến dạng, nhỏ lại, không chuyển động được bình thường.
– Môi bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn, để lộ răng. Ăn uống và nói chuyện trở nên khó khăn.
– Sẹo chạy dài từ cằm xuống cổ khiến cằm biến dạng và hạn chế vận động cổ.
– Hít phải hơi axit sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp.
– Người bị tạt axit còn dễ bị nhiễm trùng huyết, suy thận, mất sắc tố da hay thậm chí là tử vong. 

Bên cạnh đó, các nạn nhân không thể tránh khỏi rối loạn tâm lý. Một nghiên cứu cho thấy người bị tạt axit thường rơi vào lo âu, trầm cảm. Họ trở nên tự ti và sợ hãi nếu để lộ cơ thể trước mặt ai khác. Chưa kể, các vụ tấn công khiến nạn nhân phụ thuộc vào gia đình. Trong trường hợp không kiếm được việc làm, mọi thứ càng khó khăn hơn, dẫn đến việc họ bị chính người thân bỏ rơi. Ở Uganda, tỷ lệ phụ nữ bị chồng ly hôn sau khi bị tạt axit là 25%. Cuối cùng, các nạn nhân trở thành mục tiêu của sự kỳ thị, trêu ghẹo.

Điều trị cho người bị tạt axit đến giờ vẫn còn hạn chế ở những quốc gia đang phát triển nơi vấn nạn này xảy ra thường xuyên. Ví dụ, Uganda và Campuchia chỉ có duy nhất một trung tâm điều trị bỏng. Việc thiếu hỗ trợ, bồi thường từ chính phủ khiến nhiều người sống sót không đủ tiền phẫu thuật.

Ngoài ra, không ít nạn nhân bị tấn công axit không báo cáo với cơ quan chức năng do thiếu tin tưởng hoặc sợ bị trả thù. Giống như Azara, thiếu nữ người Anh bị chính anh trai tạt axit khi dọa thông báo với chính quyền về việc anh ta lạm dụng cô suốt thời thơ ấu. “Tôi gào thét và la khóc, cố gắng cởi quần áo ra nhưng trong cơn sợ hãi có lẽ đã kéo cả da của mình”, cô gái 24 tuổi nhớ lại. Sau 2 năm, vết sẹo của Azara vẫn còn đó. Cô từ chối tố cáo, giấu giếm tất cả mọi người trừ chị gái và hai người bạn thân thiết. “Tôi muốn hắn phải trả giá, nhưng điều đó sẽ hủy hoại cả gia đình”, Azara trải lòng. “Giờ tôi chỉ là một thứ hàng hóa hỏng. Tôi căm ghét những gì hắn làm với mình. Điều đó đã thiêu rụi giấc mơ được kết hôn của tôi”.

Vụ tạt axit khiến Renu Sharma ngày đó mới 19 tuổi hỏng mắt hoàn toàn, phải trải qua 15 ca phẫu thuật cùng những hóa đơn chữa trị đắt đỏ đến mức phải thế chấp nhà, còn Yashpal nhận án tù chung thân vào năm 2007.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook