Thứ Sáu, 05/08/2016 | 09:43

Hội thảo “Tầm quan trọng của chất lượng trong chăm sóc sức khỏe và vai trò Dược sĩ” tổ chức tháng 7 vừa qua thu hút hơn 500 dược sĩ từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành lân cận tham gia.

Thực trạng người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị được Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Anh Thư (Bệnh viện Chợ Rẫy) đề cập tại hội thảo “Tầm quan trọng của chất lượng trong chăm sóc sức khỏe và vai trò dược sĩ”. Hội thảo do Hội Dược sĩ Bệnh viện TP HCM và Hội Dược sĩ Bệnh viện Hà Nội, phối hợp với Pfizer tổ chức vào tháng 7 vừa qua, thu hút hơn 500 dược sĩ tham dự.

Phó giáo sư Lê Anh Thư cho biết: “Tuân thủ điều trị quyết định hiệu quả chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bỏ bê vì không lường trước hậu quả của bệnh, không hiểu phải dùng thuốc, không thấy lợi ích điều trị, lo ngại tác dụng phụ hay dùng quá nhiều thuốc, bi quan về tác dụng trị liệu… Hậu quả, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 125.000 ca tử vong do không dùng thuốc đúng, 69% các trường hợp nhập viện do tuân thủ điều trị kém”.

Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế, bác sĩ và dược sĩ cần tăng cường tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân… Khi người bệnh hiểu và tin cậy bác sĩ, dược sĩ, nắm đầy đủ thông tin về liệu trình chữa bệnh mới gia tăng ý thức tuân thủ điều trị. “Thầy giỏi, thuốc hay, bệnh nhân tiếp cận và tuân thủ điều trị là yếu tố quyết định hiệu quả chữa bệnh”, bác sĩ Lê Anh Thư nhấn mạnh.

Tuân thủ điều trị giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe hơn

500 dược sĩ nâng cao nghiệp vụ tại hội thảo.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe là vấn đề được các chuyên gia quan tâm hàng đầu. Thạc sĩ, dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Phó tổng thư ký Hội Dược học, Trưởng phòng Quản lý dược (Sở Y tế TP HCM) đánh giá, liệu trình chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn phải hội đủ 4 yếu tố: hiệu quả, phù hợp, sẵn có và kịp thời. Hiệu quả trong việc chăm sóc và kê đơn thuốc theo phác đồ điều trị tốt nhất. Tính phù hợp thể hiện qua việc dùng thuốc không thừa, không thiếu, không lạm dụng. Dịch vụ chăm sóc và các thuốc thiết yếu phải sẵn có với chi phí hợp lý; cung ứng nhanh chóng, kịp thời. 

Tuy nhiên, để làm tốt điều này, đòi hỏi các bên phải phối hợp chặt chẽ như mắt xích. Công ty dược, nhà sản xuất, hãng phân phối cần hợp tác để thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm đến nhà thuốc an toàn. Bác sĩ đưa ra liệu trình chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, kê toa phù hợp. Dược sĩ đảm bảo cung cấp thuốc đúng và chất lượng, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân. Và cuối cùng, bệnh nhân và người nhà cần tuân thủ phác đồ điều trị.

Dược sĩ là một mắt xích quan trọng trong hệ thống chăm sóc y tế rộng lớn. Theo Tiến sĩ, dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM), để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, dược sĩ cần trang bị kiến thức về thuốc và phác đồ điều trị. Ngoài ra, cần đào tạo kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, khả năng phối hợp với nhân viên y tế. Chăm sóc dược khoa phải giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân; làm mất hoặc giảm triệu chứng; chữa khỏi hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp người bệnh đạt cả hiệu quả lâm sàng lẫn hiệu quả kinh tế.

Vấn đề thuốc không đạt chuẩn hoặc thuốc giả cũng làm quá trình điều trị thiếu hiệu quả, tăng biến chứng và tử vong. Người bệnh cần có liệu pháp điều trị hiệu quả với thuốc chất lượng cao, giúp giảm hoặc ngăn ngừa tỷ lệ tàn phế, nhập viện và tử vong do bệnh.

An San

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook