Chính phủ vừa có cuộc họp về việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã sản xuất được 11 trên tổng số 12 loại vaccine dành cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đây có thể nói là một thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam, khi mà đối với khu vực, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có khả năng sản xuất vaccine phòng bệnh cho người. Thậm chí, gần đây, nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá, đã đến lúc Việt Nam có thể tính đến việc xuất khẩu vaccine.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985.
Mặc dù thành tích bào chế vaccine của Việt Nam ở mức cao song vì sao Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu vaccine hoặc nhận viện trợ từ Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng? Theo Báo cáo của Bộ Y tế, dù có khả năng, nhưng hiện Việt Nam mới sản xuất được các vaccine đơn lẻ và một số loại vaccine là thành phần cho việc phối trộn vaccine đa giá 4, 5 hoặc 6 trong 1.
Năm 2015, trong đợt đánh giá chức năng quản lý nhà nước về vaccine (NRA) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, kết quả bình quân Việt Nam đạt hơn 95% tại 6 chức năng NRA, bao gồm: Chức năng hệ thống, chức năng quản lý cấp phép đăng ký, chức năng kiểm nghiệm, chức năng thanh tra GMP, chức năng thử nghiệm lâm sàng, và chức năng giám sát phản ứng tiêm chủng.
Theo ông Lahouri Belgharbi Lahouri Belgharbi – Trưởng đoàn đánh giá của WHO, đây là kết quả rất cao và là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể xuất khẩu vaccine trong tương lai gần.
Được biết, cho đến thời điểm này, Việt Nam hiện có 4 công ty sản xuất vaccine, đã có NRA, tức hệ thống quản lý chất lượng vaccine đạt chuẩn Tổ chức Y tế thế giới.
Nếu triển khai được ở quy mô công nghiệp, 3 sản phẩm vaccine hiện có của Việt Nam như vaccine viêm gan A, vaccine viêm gan B, vaccine sởi đều đã có thể sản xuất chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Như vậy, về khả năng, đã hoàn toàn đến lúc có thể nghĩ tới tự chủ được vaccine, thậm chí tiến tới xuất khẩu. Và thời điểm này, vừa cấp bách vừa chín muồi để bàn thảo việc sản xuất vaccine ở quy mô lớn, có tính hỗ trợ và điều phối từ Nhà nước. Trong đó, vấn đề chính tiến tới tự chủ sản xuất vaccine trong nước là phải giải quyết được các vấn đề công nghệ, nguồn vốn, thị trường, hiệu quả kinh tế.
Cách đây không lâu, tại một cuộc hội thảo về sản xuất vaccine, các ý kiến đều chung một kiến nghị Nhà nước cần nhìn nhận lại đúng tầm của nền công nghiệp vaccine Việt Nam để tháo gỡ khó khăn về vốn cũng như cơ chế đầu tư để các công ty sản xuất vaccine có thể đảm bảo tự chủ.
Ví dụ như tạo cơ chế ưu tiên cho sản xuất và đăng ký đối với vaccine cúm mùa do tính chất đặc thù thay đổi chủng hàng năm, sao cho phù hợp với chủng vi sinh vật lưu hành…
Nhận định trong cuộc họp của Chính phủ về vaccine cho thấy, đến năm 2019, Việt Nam sẽ không còn được nhận viện trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng loại vaccine phối hợp 5 trong 1 trong Chương trình TCMR. Bởi vậy, việc sản xuất vaccine trong nước để phục vụ Chương trình TCMR đang là hết sức cần thiết và cấp bách.
Khi đã tự chủ được vaccine, chúng ta sẽ có đủ vaccine cung ứng cho Chương trình TCMR thay thế cho vaccine Quinvaxem cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine phối hợp hiện nay trên thị trường tiêm chủng dịch vụ, nhất là việc bảo đảm sản xuất và cung ứng đủ vaccine phối hợp 5 trong 1 với công nghệ vô bào.
Tại cuộc họp của Chính phủ bàn về vaccine, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và đây cũng là vấn đề khó, nhất là việc sản xuất vaccine phối hợp và sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Rõ ràng, trong những thành tựu của loài người, phát minh ra vaccine phòng bệnh là một trong những thành tựu vĩ đại. Rất nhiều dịch bệnh từng hoành hành đến nay thế giới đã được thanh toán nhờ có vaccine phòng chống. Đây là một vấn đề thuộc về dân sinh hết sức nhân văn. Việc Chính phủ đặt ưu tiên bàn về sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp, nhất là đối với các loại vaccine phối hợp vào thời điểm này là một hướng đi đúng.
Có thể hiểu rằng, với quyết tâm của Chính phủ, trước hết, sẽ tập trung vào quá trình nghiên cứu, làm chủ về công nghệ sản xuất. Mục tiêu là sớm có nhà máy hiện đại, sản xuất vaccine với chất lượng tốt, có hiệu quả cả về mặt xã hội và kinh tế với tinh thần theo cơ chế thị trường, không bao cấp. Nhà nước sẽ đầu tư để có công nghệ lõi sản xuất vaccine, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.
Năm 1974, Đại hội đồng Y tế thế giới dựa trên thành quả của thanh toán bại liệt đã đề xuất thiết lập chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm đảm bảo tất cả trẻ em ở các nước đều được tiêm vaccine phòng bệnh. Từ chỗ chỉ có 6 loại vaccine ban đầu nay trên thế giới đã sản xuất sử dụng khoảng 30 loại vaccine.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 từ với 6 loại vaccine ban đầu nay lên đến 10 loại. Nhờ đó, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh năm 2005, khống chế và tiến tới thanh toán được bệnh sởi, khống chế và tiến tới loại trừ nhiễm viêm gan B…
Sắp tới đây, khi chúng ta có được những nhà máy sản xuất vaccine hiện đại với quy mô lớn, đủ sức tự chủ vaccine và tiến tới xuất khẩu, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, sẽ là bước tiến mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân đồng thời là một hướng phát triển của nền kinh tế.
Ngọc Anh
Từ khóa
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.