Chủ Nhật, 30/10/2016 | 15:30

Đa dạng mặt hàng, giá trị thấp, chủ yếu thuốc đơn giản, dược phẩm sản xuất trong nước khó vào được các bệnh viện tuyến cuối.

Theo tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế, đề án vận động Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt ban đầu đã giúp hái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” hình thành trong tiềm thức của người dân và cán bộ y tế.

So với trước khi triển khai đề án, tại tất cả tuyến y tế tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng lên. Cụ thể, tỷ lệ trung bình tại các cơ sở y tế tuyến huyện tăng từ 61,5% lên gần 68%, tuyến tỉnh tăng hơn 1%, tương tự tuyến trung ương từ 7% lên 11%. Có những tỉnh như Long An tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại tuyến huyện lên đến trên 80%, tuyến tỉnh cũng trên 60%. Số lượng mặt hàng thuốc nội sử dụng tại một số đơn vị tăng nhiều, như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến gần 30%, Bệnh viện Chợ Rẫy đạt gần 40%.

Thuốc nội bị người bệnh lẫn bệnh viện chê

Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là các loại đơn giản, giá trị thấp. Ảnh công đoạn đóng thuốc vào vỉ tại một công ty dược trong nước: Nam Phương.

Tuy nhiên số lượng mặt hàng thuốc nội nhiều nhưng giá trị thấp. Một số bệnh viện tuyến cuối do đặc thù, tỷ lệ sử dụng thuốc nội theo giá trị tiền rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5% như các bệnh viện Phụ sản Trung ương, Việt Đức, Nhiệt đới Trung ương, Lão khoa Quốc gia. Ví dụ, tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trong danh mục thuốc trúng thầu 3 năm gần đây, số thuốc sản xuất trong nước tăng nhưng hầu như không đáng kể, dưới 25%. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước thấp.

Thuốc Việt Nam mà bệnh viện đang dùng tập trung ở một số ít nhóm thuốc đơn giản. 9 tháng đầu năm, tổng tiền thuốc sử dụng tại đây hơn 200 tỷ đồng; trong đó tiền thuốc trong nước chỉ hơn 14 tỷ đồng.

Lý giải điều này, tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đặc thù là bệnh viện đầu ngành tuyến cuối nhi khoa, bệnh nhân chuyển đến thường nặng, phải sử dụng các thuốc đặc trị, nhập ngoại. Nhiều thuốc có nhu cầu sử dụng lớn trong nhi khoa nhưng trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao. Bên cạnh đó là tâm lý thích sử dụng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền.

Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh, thuốc nội chiếm đến 40% danh mục thuốc sử dụng, tuy nhiên giá trị tiền chỉ khoảng hơn 25%.

Làm việc với Bộ Y tế ngày 29/10 sau khi đi kiểm tra một công ty dược và Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt.

“Người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc. Người Việt mua thuốc Việt tùy thuộc vào thầy thuốc”, ông Nhân nhận xét. Vì thế, ông cho rằng để đẩy mạnh đề án Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, ngành y tế cần làm từng bước, cần có chính sách, kế hoạch triển khai, truyền thông.

Bộ Y tế sẽ phối hợp hỗ trợ Hội Dược học Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam khảo sát, đánh giá “Chuỗi thuốc Việt” từ sử dụng đến sản xuất, từ đó đưa ra những kiến nghị về chính sách để đẩy mạnh cuộc vận động dùng thuốc Việt.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook