Trước việc nhiều bệnh hiểm nghèo gia tăng, thời gian gần đây, không ít cặp vợ chồng khi sinh con đã quyết định lấy và gửi ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn để dự phòng điều trị các bệnh hiểm nghèo cho con và người thân trong gia đình. Với họ, đó như một cách “bảo hiểm sinh học” .
Mẫu máu dây rốn được xử lý tại Trung tâm Tế bào gốc
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Tế bào gốc máu cuống rốn là gì?
Khi bệnh nhân bệnh nặng có nhu cầu sử dụng thì chi phí mua được mẫu máu tế bào gốc cuống rốn tại Đài Loan (Trung Quốc ) khoảng 25.000 USD/mẫu. Trong khi đó ở việt Nam, tính toán sẽ khoảng 7.000- 8.000 USD/ mẫu. Bởi không phải sử dụng được 100% mẫu lưu trữ, có khi chỉ là 3-4%. Ngân hàng lưu trưc phải chọn lọc mẫu có khả năng phù hợp cao nhất mới có thể sử dụng được cho người bệnh. |
Một số cặp vợ chồng trước khi sinh con có kế hoạch muốn giữ lại máu cuống rốn của con mình nhưng cũng có những thắc mắc về vấn đề này. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng- Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP. HCM): Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Đây là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Vì vậy, máu cuống rốn đã được ứng dụng trong ghép tế bào gốc tạo máu. Lấy máu cuống rốn hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và em bé, nếu không được thu thập và lưu trữ, lượng máu này sẽ bị bỏ đi như một loại rác thải y tế thông thường.
Những nghiên cứu gần đây cũng đã cho biết tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy… Vì thế, từ nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học. Trong đó, có bốn bệnh lý vừa được nghiên cứu ứng dụng điều trị là: tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.
BS Dũng cho biết, máu cuống rốn được lấy ngay khi sản phụ vừa sinh, được xử lý, đông lạnh và lưu trữ được hơn 20 năm. Một lợi thế là tế bào gốc máu cuống rốn có tính sinh miễn dịch thấp nên dễ được cơ thể khác gien chấp nhận khi ghép khác gien. “Thường anh chị em ruột trong gia đình thì tỉ lệ tương đồng khoảng 25%. Vì vậy, tối ưu vẫn là lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho từng người”- BS Dũng nhận định.
Chị Khánh Ly (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Vợ chồng tôi nghe khá nhiều về việc lưu trữ máu cuống rốn cho con có thể phòng bệnh hiểm nghèo nên đã quyết định lấy máu cuống rốn cho con khi sinh nở tại BV Phụ sản Trung ương. Tuy nhiên, chị Ly cho biết, vì chưa nắm bắt được quy trình nên đến sát ngày sinh chị mới đăng ký với bệnh viện, vì thế suýt nữa nguyện vọng của gia đình đã không thực hiện được. May mắn là bệnh viện đã hỗ trợ tối đa và chị đã được lưu giữ máu cuống rốn của em bé với mức phí 25 triệu đồng.
BS Dũng cũng cho biết, quy trình lưu trữ máu cuống rốn trải qua rất nhiều công đoạn và khá phức tạp về mặt kỹ thuật. Người nào có nhu cầu lưu trữ máu cuống rốn cho con phải đến đăng ký, kiểm tra một số bệnh. Nếu người mẹ mắc một số bệnh như di truyền, nhiễm virus,… thì không thể lưu trữ.
Khi tách em bé ra khỏi bánh rau thì có hai phương pháp lấy máu cuống rốn. Phương pháp thứ nhất là khi bánh rau chưa xổ ra khỏi tử cung, máu được lấy luôn từ dây rốn. Phương pháp thứ hai là sau xổ nhau, cán bộ y tế sẽ treo bánh nhau lên và lấy máu. Việc này chỉ được phép tiến hành trong vòng 10 phút đầu tiên kể từ khi xổ rau ra bởi nếu không máu sẽ bị đông, không còn tác dụng. Sau khi lấy máu, các bác sỹ sẽ xử lý, làm các xét nghiệm xem có nhiễm trùng không, có mắc bệnh gì không, đặc biệt là những bệnh về nhiễm sắc tố, nếu bị bệnh, mẫu máu sẽ bị hủy.
Điều trị trên 70 loại bệnh và 70% ca thành công
BS Phù Chí Dũng cho biết hiện nay, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường)… cho chính bản thân em bé, cho người thân trong gia đình và xa hơn là cho ai đó trong cộng đồng không may mắc bệnh.
Theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, từ năm 2006 đến tháng 5/2013, đã ghép tế bào gốc tự thân cho 48 trường hợp và 25 ca ghép đồng loại. Tỷ lệ thành công đạt 70% và họ có thể tái hoà nhập cuộc sống. Tỷ lệ 30% còn lại có thể tử vong do liên quan đến biến chứng sau ghép, có thể ghép nhưng không đạt được.
BS Võ Thị Thanh Bình- Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết: Có hai phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị các bệnh nguy hiểm đó là phương pháp ứng dụng tế bào gốc tự thân và phương pháp ghép đồng loại. Với phương pháp ghép tế bào tự thân, tế bào gốc được lấy từ chính bệnh nhân, sau khi truyền hóa chất cho bệnh nhân thì các bác sỹ sẽ dùng chính tế bào gốc đó để truyền lại cho người bệnh. Với những người đã truyền hóa chất liều cao để tiêu diệt tối ưu tế bào ung thư thì bệnh viện đang áp dụng cho một số bệnh nhân thuộc nhóm bệnh như ung thư tủy xương, ulympho. Còn với phương pháp ghép đồng loại sẽ được sử dụng tế bào gốc từ nhiều nguồn, có thể từ máu cuống rốn, tủy xương, có thể là từ anh chị em ruột cùng huyết thống hoặc từ những người không cùng huyết thống để ghép cho bệnh nhân. Với phương pháp này, bệnh viện đã tiến hành ghép cho một số nhóm bệnh huyết học lành tính như suy tủy xương, một số bệnh trong nhóm ác tính như rối loạn sinh tủy.
TS Trần Ngọc Quế- Phó Giám đốc Trung tâm tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết: Gia đình phải mang hồ sơ quản lý thai nghén đến đăng ký tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương trước. Sản phụ được làm xét nghiệm loại trừ virus viêm gan C và CMV. Trước khi sinh khoảng 2 giờ gia đình báo cho viện để có người đến túc trực lấy.
Mỗi ngày ở BV Phụ sản Hà Nội có thể có hàng trăm ca sinh. Nhưng trong chương trình đang phối hợp với BV thì viện chỉ lấy khoảng 4-5 mẫu ngày. Ngoài việc các bà mẹ đồng ý gửi mẫu, không mắc các bệnh di truyền, khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng, nhau thai còn phải thỏa mãn điều kiện thể tích trên 60ml (Thì số lượng máu cuống rốn trong đó cao). Các mẫu cuống rốn này được làm các xét nghiệm cơ bản, nếu đảm bảo mới được đưa vào tiếp tục xử lý, tách chiết và lưu trữ đông lạnh ở nhiệt độ âm 196 độ C. Các mẫu đưa vào lưu trữ với chi phí năm đầu tiên là 25 triệu đồng, các năm sau là 2, 5 triệu đồng /năm. Mẫu máu cuống rốn sẽ được lưu trữ khoảng 18 năm . Hiện nay, trên thế giới mới bảo quản trong thời gian tối đa như vậy, chưa có quy trình dài hơn.
Về khả năng chữa bệnh của tế bào gốc cuống rốn, GS.TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định: Máu dây rốn trong cộng đồng là nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào, nếu chúng ta biết tận dụng nó thì máu dây rốn sẽ trở thành một “thần dược” quý giá, là nguồn tế bào gố
Phương Nhung
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.