“Triệt phá đường sống của muỗi là điều mà tôi đã nhấn mạnh rất nhiều tại các diễn đàn và hôm nay, đó cũng là điều quan trọng nhất mà các cơ quan truyền thông, báo chí cần quan tâm phối hợp, để phòng ngừa các bệnh do muỗi đem lại như Zika, sốt xuất huyết, sốt rét…”.
Quang cảnh hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm do Bộ Y tế tổ chức chiều nay 27/9.
Bộ trưởng lưu ý, phun thuốc diệt muỗi chỉ là thứ yếu. Quan trọng là phải làm kiệt cạn các nguồn nước có loăng quăng (bọ gậy) sinh sôi, nảy nở.
Bên cạnh các dịch bệnh do muỗi lây truyền nói trên, tại nhiều mặt bệnh khác như bệnh tay chân miệng, cúm mùa, cúm gia cầm…, Bộ trưởng chỉ đạo, bằng mọi cách phổ cập tiêm chủng trên toàn quốc đối với các bệnh có vaccine dự phòng, làm sao đạt mục tiêu đề ra trên 95%.
PGS.TS Trần Đắc Phu báo cáo: Hiện nay, kế hoạch tiêm chủng cấp huyện có thể đạt và vượt chỉ tiêu nhưng tại cấp xã rải rác có nơi chưa đạt và đó rất có thể là nguồn gốc gây ra nguy cơ bùng nổ những ổ dịch bệnh trong tương lai. PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh, trong đó ông nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương, các cơ sở y tế.
Những động thái nói trên xuất phát từ diễn biến phức tạp các loại dịch bệnh nói trên tại một số nơi trên thế giới cũng như tại một số địa phương trong nước, theo TS Trần Đắc Phu.
Về công tác đảm bảo khả năng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý các địa phương: Đối với một số bệnh lâu ngày không tái phát như bạch hầu, ho gà…, cần có kế hoạch tập huấn lại cho các cán bộ y tế.
Ngọc Kha
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.