PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM ngày 20/10, phát hiện thêm một trường hợp nhiễm Zika là bé gái 4 tuổi trú huyện Bến Lức, Long An. Nâng số người nhiễm virus này lên con số 9. Bộ Y tế cũng đã chính thức nâng mức cảnh báo với dịch bệnh này.
Nhiều khả năng cháu bé bị đầu nhỏ tại Đắk Lắk nhiễm Zika
Tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Ở Việt Nam tính đến ngày 20-10 đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 5 trường hợp tại TP.HCM, 2 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus Zika trong thai kỳ. Những thông tin dồn dập về số người nhiễm virus nguy hiểm này khiến người dân lo ngại dịch zika có nguy cơ lan rộng.
Về trường hợp cháu bé tại Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ, ngày 20/10, ông Trần Đắc Phu cho biết Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thực địa để kiểm tra, khảo sát tình hình. Tuy chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (Rubella), vi khuẩn (Giang mai), ký sinh trùng (Toxoplasma), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền, song theo ông Trần Đắc Phu do cháu bé mới sinh được 4 tháng lại đúng thời điểm dịch bệnh do virus Zika đang hoành hành thì các chuyên gia phải nghĩ nhiều đến việc cháu mắc dị tật này do Zika. Đây cũng chính là vấn đề cộng đồng đang quan tâm.
Do đó, bên cạnh việc điều tra thực địa, Đoàn còn nghiên cứu thêm các yếu tố dịch tễ học, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu của bệnh nhân, của người mẹ và những người hàng xóm xung quanh. Ngoài ra các cán bộ còn tìm hiểu thêm thông tin bà mẹ có tiếp xúc với thuốc trừ sâu, bị chất độc hóa học hay có bị các bệnh lý khác không để xác định chính xác nguyên nhân.
Về thông tin có thêm 2 trường hợp trẻ là chị em ruột bị chứng đầu nhỏ tại Đắk Lắk, Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định Đoàn công tác chưa đến được thực địa nhưng đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên điều tra. Nhưng cá nhân ông cho rằng 2 em bé này có thể không mắc hội chứng đầu nhỏ do virus Zika, vì hai bệnh nhân đều đã lớn (1 bé 7 tuổi, 1 bé 4 tuổi) và không có những dấu hiệu điển hình về lâm sàng của Zika. Chính vì vậy, rất có thể do các yếu tố khác gây nên.
Các chuyên gia cảnh báo, số người mắc Zika trong cộng đồng nhiều sẽ tạo cơ hội cho người mang thai mắc nhiều. Với tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng như hiện nay, tiên lượng tiếp tục phát hiện các ca nhiễm virus Zika trong thời gian tới là không thể tránh khỏi.
Không nên đổ xô đi xét nghiệm
TS Trần Đắc Phu cho biết, bệnh do virus Zika vốn lành tính hơn sốt xuất huyết, thường tự khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Tuy nhiên với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dù vậy, tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.
TS Trần Danh Cường- Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cũng khuyến cáo các thai phụ không quá lo lắng bởi không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Trên thế giới, cụ thể ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu nhỏ cũng chỉ khoảng 10%. Vì thế, việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay.
Trước sự lo lắng bất an của những phụ nữ mang thai sống gần khu vực có người nhiễm Zika trong thời điểm này, ông Phu trấn an chị em không nên quá lo lắng mà đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm nếu không có triệu chứng gì. Còn trong thời kỳ mang thai nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…) cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ sản khoa, kịp thời theo dõi diễn biến phát triển của thai nhi.
Cùng quan điểm này, trong buổi làm việc với Viện Pauster vào chiều 19/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã nhắc nhở: Công tác tuyên truyền về dịch bệnh Zika phải vừa đủ liều lượng để người dân không chủ quan và cũng không hoang mang, không gây kỳ thị.
Khẩn cấp phòng chống dịch
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để ngăn ngừa sự lây lan của virus Zika, biện pháp hiệu quả nhất cho đến thời điểm này là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh và tránh để muỗi đốt. Người dân được khuyến cáo giữ vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ, đậy kín các dụng cụ chứa nước, phát quang bụi rậm, loại bỏ ao tù nước đọng và phun thuốc diệt muỗi định kỳ. Ngoài ra, nên sử dụng lưới chống muỗi, mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài và hạn chế di chuyển đến vùng có dịch. |
Hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với bệnh do virus Zika. Đồng thời tăng cường biện pháp giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, khai thác tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.
Với việc xuất hiện liên tiếp những ca sốt xuất huyết và dịch bệnh do virus Zika, TP HCM hôm 18/10 đã công bố dịch ở quy mô xã, phường trên toàn thành phố. Các bệnh viện quận, huyện của TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do virus Zika đến hết năm 2016. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do virus Zika sẽ được xét nghiệm và tìm virus miễn phí. Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika tại các bệnh viện trên toàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyên truyền cho người dân thêm thông tin về bệnh và cách phòng bệnh do virus Zika. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, do cùng một véc-tơ truyền bệnh là muỗi vằn nên với tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng như hiện nay, tiên lượng sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm virus Zika trong thời gian tới. Ông Lân cho rằng: Trước mắt là chúng ta cần phải làm chậm lại quá trình lưu hành của virus Zika trong cộng đồng để các nhà khoa học tìm ra các loại thuốc, vaccine phòng ngừa.
Lê Vân
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.