Thứ Tư, 07/09/2016 | 12:19

Một năm làm bác sĩ nội trú ở Pháp đã khiến tôi tâm niệm: không cần biết người bệnh đến từ đâu hay theo tôn giáo nào, chỉ cần biết ta sẽ phải giúp họ vơi đi nỗi đau bệnh tật.

Bác sĩ Lê Minh Khôi, tu nghiệp tại Bệnh viện Đại học Amiens, Pháp năm 2002-2003. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande đang diễn ra khiến bác sĩ Khôi nhớ lại những ngày tu nghiệp tại Pháp.  

Có một lần, ngồi trong phòng mổ đợi các bác sĩ gây mê chuẩn bị bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, một trong những cánh chim đầu đàn của chuyên ngành phẫu thuật tim bẩm sinh ở Việt Nam, bất ngờ hỏi tôi: “Em có khi nào chợt nhớ Paris quay quắt đến độ muốn bay ngay sang đó không?”. Câu hỏi của anh thôi cũng đủ trái tim tôi lỗi đi một vài nhịp, như bất cứ lần nào nghĩ về nước Pháp. Lúc ấy, trong lòng tôi thầm nhủ: “Một thành phố, một đất nước, một dân tộc đáng yêu đến như vậy làm sao mà không nhớ”.

Hồi ức những ngày tu nghiệp y khoa tại Pháp của một bác sĩ Việt

Giáo sư Collet, chuyên gia phẫu thuật tim mạch đầu ngành của Pháp (trái) và một bác sĩ nội trú Việt Nam. Ảnh: Lê Minh Khôi.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây vào cuối năm 2002, vào cuối mùa lá rụng, khi cái lạnh đã bắt đầu châm kim vào trong gió. Nước Pháp đón tôi bằng màu trời xám nặng như thể báo trước một mùa đông rất dài ở phía trước. Nhưng những người bạn Pháp lại đón tôi bằng nụ cười ấm lòng và ánh nhìn ân cần với những cử chỉ dịu dàng đầy quan tâm.

Từ thủ đô Paris về Amiens, tôi phải đi một mình. Có lẽ chính vì vậy mà Ga Bắc (Gare du Nord) luôn là hình ảnh đầu tiên ùa về trong tôi mỗi khi nhớ đến nước Pháp. Nhớ mùi bánh mì quấn quít trong hương cà phê nồng nàn từ quán đối diện, địa điểm mà tôi luôn tìm cách nấn ná ngồi lại mặc cho những chuyến tàu cứ đến rồi đi.

Ga Amiens nhỏ và buồn như ga Huế. Chưa kịp đủ thời gian để nhận ra mình đang ở một nơi rất xa lạ thì ông đã đến. Nụ cười thấp thoáng sau bộ râu rậm rạp. Rất tự nhiên, ông đến ôm tôi sau một câu hỏi ngắn: “Vous êtes Docteur Khoï?” (Có phải ông là bác sĩ Khôi?). Chữ i cuối ông phát âm đúng theo kiểu Pháp với hai dấu chấm trên đầu. Tôi cảm động khi biết đó là Giáo sư Trưởng Trung tâm Hồi sức Nhi và Chu sinh, người sẽ dạy dỗ tôi trong suốt một năm sau đó. Ông giải thích rằng thư ký của ông có thể đến đón tôi nhưng giáo sư muốn tự mình đi như là một cách thể hiện tình cảm với người học trò tương lai của mình. 

Có lẽ không cần phải nói đến một năm làm bác sĩ nội trú ở đây đã làm thay đổi kiến thức, kỹ năng và hành vi của một bác sĩ trẻ như tôi thế nào. Điều làm tôi ấn tượng nhất không phải nằm ở những trang thiết bị tối tân mà là cách những con người ở đây đối xử đầy nhân văn với nhau, giữa thầy và trò, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp và quan trọng nhất là giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Những lúc ấy, tôi thường nhớ đến câu nói của một người Pháp nổi tiếng – Louis Pasteur: Ta không cần biết người đến từ đâu hay theo tôn giáo nào. Người đang đau bệnh, ta chỉ cần biết vậy. Và ta sẽ làm vơi đi nỗi đau đó. Lúc ấy tôi cũng hiểu vì sao những thầy thuốc Tây y thế hệ đầu tiên của Việt Nam, vốn được đào tạo tại Pháp lại có được nhân cách cao quý và kỹ năng tuyệt nghệ đến vậy.

Nơi tôi theo học là Bệnh viện Đại học Amiens nên tầm phủ sóng rất rộng. Cũng chính nhờ những bức thư tổng kết bệnh án (compte-rendu d’hospitalisation) mà tôi phải vất vả đánh vật hàng nhiều giờ nên tôi có dịp làm quen với rất nhiều bác sĩ trong vùng. Rồi từ họ tôi lại có dịp mở rộng quan hệ với những người khác không phải hoạt động trong ngành y. Cùng với những người bạn Pháp này, qua những buổi tối chuyện trò cùng nhau bên bếp hay trong thư viện, qua những chuyến đi khám phá văn hóa, những chuyến đi săn ở những miền quê khởi nguyên của kiến trúc Gothique mà tình yêu của tôi với nước Pháp ngày càng thắm thiết.

Thời gian một năm rồi cũng trôi vèo nhanh hơn rất nhiều so với cảm giác sợ hãi ban đầu. 365 ngày, quãng thời gian không dài, nếu không muốn nói là ngắn ngủi, để có thể hiểu về một đất nước, một dân tộc tài năng, lãng mạn và hào hoa. Những gì đọng lại trong tôi chỉ xin được gọi tên là “cảm nhận’. Những cảm nhận rất ban đầu và rất cá nhân. Bởi cá nhân nên nó không đại diện cho bất kỳ ai. Nói một cách khác, nó chỉ đại diện cho tình yêu của rất riêng tôi với nước Pháp mà thôi.

Từ đó đến nay đã 15 năm, sau nhiều lần quay lại, tôi thấy khoảng cách giữa hai nền y học Pháp và Việt đã thu ngắn lại rất nhiều. Nước Pháp, với những khó khăn nội tại của mình, dường như đã không còn là một quốc gia có mối quan hệ ngoại giao quá quan trọng đối với Việt Nam như trước đây. Cuộc viếng thăm của Tổng thống François Hollande lần này hình như không còn là một sự kiện đặc biệt quan trọng như chuyến thăm của người tiền nhiệm François Mitterrand vào năm 1993 khi Việt Nam mới bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa. Và chuyến thăm của Ngài François Hollande cũng không làm dậy sóng lớp trẻ Việt Nam như Tổng thống Barack Obama mới đây. Nhưng với tôi, một người giờ đây đang sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Pháp, không hề có ý nghĩa rằng nước Pháp ngày một xa hơn và càng không phải tình yêu của tôi đối với những gì thuộc về đất nước ấy sẽ vơi dần theo năm tháng.

Đâu đó, giữa những bộn bề lo toan của công việc thường nhật, mùi hương ký ức từ quán cà phê đối diện Gare du Nord vẫn thỉnh thoảng đi về đánh thức trong tôi cả một miền tâm tưởng Pháp.

Bác sĩ Lê Minh Khôi
Cựu FFI 2002-2003, Bệnh viện Đại học Amiens, Pháp 

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook