Từ năm 2017, bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó tập trung hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, đảm bảo 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia BHYT.
Cụ thể, hỗ trợ đóng BHYT cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Đó là những nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân.
Để đẩy mạnh BHYT toàn dân, theo chủ trương của Đảng và Luật BHYT, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa tỷ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua BHYT cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xây dựng các gói dịch vụ y tế bổ sung phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng các gói dịch vụ y tế ngoài gói dịch vụ y tế cơ bản do Bộ Y tế xây dựng.
Khẩn trương đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông – lâm – ngư – diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế thu thuế đồng thời thu hộ tiền BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh.
BHXH Việt Nam và hệ thống BHXH ở các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và chính quyền địa phương về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, từ tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT đến đề xuất với các cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đến việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT; ngay trong năm 2016, cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT.
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, trân trọng, không phân biệt đối với người bệnh có thẻ BHYT; tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi phí của người bệnh; phải bình đẳng giữa các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân trong khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT.
Trong năm 2017 hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.
Mỹ Lan
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.