Với những nỗ lực của các cán bộ làm công tác dân số; sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành đoàn thể, công tác DS – KHHGĐ trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.
Một số thành tựu công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 tiêu biểu như: hệ thống pháp luật, chính sách về dân số ngày được hoàn thiện; tổ chức bộ máy, cán bộ được củng cố, bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ; mức sinh thay thế được duy trì. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, mức sinh của nước ta giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, giảm từ 6,8 con giai đoạn (1965-1969) xuống còn khoảng 2,1 con (mức sinh thay thế) vào năm 2005, và mức sinh thấp này vẫn được duy trì đến nay. Mô hình “gia đình hai con” đã trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua đã đạt được; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) luôn ở mức cao. Cơ cấu sử dụng các BPTT thay đổi theo xu hướng tích cực; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được khống chế; tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao. Tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng từ 1,5% (năm 2010) lên 15% (năm 2015), trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 6% (năm 2010) lên 30% (năm 2015), đạt chỉ tiêu đặt ra; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thiếu niên đang từng bước được cải thiện qua các mô hình tư vấn, khám sức khỏe được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò, trí tuệ, khả năng đóng góp cho xã hội của NCT. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên 73,2 tuổi; chất lượng dân số vùng biển, đảo, ven biển được nâng lên… Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động KHHGĐ được đẩy mạnh; hệ thống hậu cần cung cấp DV KHHGĐ được coi trọng.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn 2016 – 2020 hứa hẹn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng mang thai/phá thai tuổi vị thành niên có diễn biến phức tạp. Tại nước ta, tỷ lệ nữ giới 10 – 19 tuổi hiện chiếm khoảng 15% dân số, tương đương 14 triệu trẻ vị thành niên. Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên, thanh niên ngày càng sớm và kiến thức của các em về phòng tránh thai, phòng tránh bênh lây nhiễm qua đường tình dục còn khá hạn chế. Qua thống kê chỉ có khoảng 20,7% bạn trẻ biết sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. ThS.BS. Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, cho biết, con số nạo phá thai vị thành niên có thể cao hơn nhiều so với công bố. Nguyên nhân là do sợ bị kỳ thị, không muốn cha mẹ, gia đình, người thân biết, nên nhiều em chọn các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí cơ sở phá thai chui khi thực hiện phá thai. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe trẻ vị thành niên, suy giảm chất lượng dân số.
Việt Nam hiện đang trải qua thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao gấp 2 lần số người trong độ tuổi phụ thuộc. Tuy nhiên, cũng ở thời điểm này, nước ta đang phải đối mặt với thực tế, dân số đã bắt đầu bước sang ngưỡng già hóa hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già”. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ NCT tăng nhanh liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) lên 10,5% (năm 2013). Trong khi để chuyển sang cơ cấu dân số già, Pháp mất tới 100 năm, Thụy Điển là 85 năm, Hoa Kỳ là 75 năm, Nhật Bản mất 26 năm… Với tốc độ già hóa dân số siêu tốc như hiện nay dự báo, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số nước ta (gấp hơn 2 lần hiện nay). Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ có hơn 32 triệu NCT (chiếm khoảng 31% tổng dân số). Điều này có nghĩa là, năm 2050, cứ 3 người trong độ tuổi lao động có 1 NCT.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) do tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích con trai hơn con gái. Theo Thông báo của Tổng cục DS – KHHGĐ, tính đến nay, dân số nước ta là 91,7 triệu người, đứng thứ 8 châu Á. Tuy nhiên, tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang chênh lệch lớn, 112 bé trai/100 bé gái. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 triệu đến 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến thực trạng phá vỡ cấu trúc gia đình. Gây những bất ổn xã hội.
Giai đoạn 2016-2020, công tác dân số của Việt Nam sẽ đứng trước những bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành Dân số cũng như sự chung tay vào cuộc của toàn thể các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương. Bộ Y tế cũng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiến hành xây dựng các chương trình hành động cụ thể về chăm sóc sức khỏe NCT; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng GTKS; xã hội hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản… hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.