Thứ Năm, 14/07/2016 | 17:09

20h tối thứ bảy, về nhà sau ngày làm việc mệt nhoài, điện thoại reo báo có ca cấp cứu cho người Việt cần Minh Phương đến Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) để phiên dịch ngay. 

Thông thường lịch phiên dịch khám bệnh thường được bệnh viện đặt hẹn trước với Minh Phương vài ngày. “Có lẽ việc liên quan đến cảnh sát nên bệnh viện không đề nghị dịch qua điện thoại như vẫn làm khi chuyện xảy ra đột ngột hoặc vào ban đêm”, chị Phương phán đoán trước khi đến viện. Gần 20 năm định cư tại Mỹ, cô Nguyễn Thị Minh Phương hiện là giảng viên Bộ môn Tiếng Việt Đại học Massachusetts, Boston. Gắn bó thêm với công việc phiên dịch, cô giúp nhiều bệnh viện ở Mỹ chuyển ngữ khi có bệnh nhân người Việt điều trị.

Gấp rút đến Bệnh viện Nhi Boston, cô y tá trưởng kéo Phương ra một góc để kể trước sự việc. Một cháu bé người Việt 4 tháng tuổi tim ngừng đập, được chuyển khẩn cấp từ bệnh viện địa phương lên Bệnh viện Nhi Boston bằng trực thăng. Các bác sĩ đã hồi sức cấp cứu cho tim đập trở lại nhưng cháu bé đang ở trạng thái nguy kịch, khả năng tử vong rất cao. Đây là trường hợp được miễn viện phí hoàn toàn vì gia đình bệnh nhân thuộc diện lao động nghèo.

Gương mặt buồn phiền, bác sĩ cấp cứu thông báo cho người nhà rằng bệnh nhi mắc chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS), gây tử vong cho trẻ dưới một tuổi không thể lý giải nguyên nhân. Các bác sĩ đang cố gắng tìm cách cứu bé dù tiên lượng gần như không thể qua khỏi.

Phương nhìn người mẹ trẻ đang khóc lóc lo âu. Câu hỏi duy nhất ba mẹ cháu nhờ phiên dịch trong tiếng nghẹn ngào là “Hy vọng được bao nhiêu, thưa bác sĩ?”. Bác sĩ trả lời “Cháu khó lòng qua khỏi, tôi chưa nhìn thấy tương lai”, trong khi hai y tá vẫn miệt mài làm việc. Bốn màn hình máy tính treo bốn góc phòng theo dõi toàn bộ hoạt động cơ thể cháu bé. Mỗi một tiếng kêu “tít, tít” vang lên, y tá lại liên tục thao tác chuyên môn để giữ nhịp tim và nhịp thở bệnh nhi. Trên đầu cháu bé là các loại dây dợ, ống dày đặc. Bác sĩ trực đêm đến nhẹ nhàng hỏi han về hồ sơ bệnh án để giúp cha mẹ ổn định tâm lý.

Cái chết của bệnh nhi Việt trên đất Mỹ ám ảnh một phiên dịch viên

Bệnh viện Nhi Boston có 404 giường bệnh là một trong những trung tâm y tế trẻ em lớn nhất tại Mỹ. Nơi đây được bình chọn là “Bệnh viện số 1 của trẻ em toàn quốc”, theo US News & World Report.. Ảnh: newkidscenter

Trong hoàn cảnh đau lòng trước cảnh sinh tử của bệnh nhi, nhân viên xã hội (social workers) đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Nhiệm vụ của họ là chăm sóc cả về vật chất và tinh thần cho gia đình, đặc biệt là lúc bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, hiểm nghèo. Họ cung cấp phiếu ăn miễn phí, lo chỗ ngủ cho người nhà. Lúc đó hơn 10h đêm, nhà ăn trong bệnh viện đã đóng cửa. Họ hỏi kỹ người nhà thích ăn món gì và cử y tá ra ngoài phố mua mang về cho bố mẹ cháu bé. 

Gần 1h sáng, Minh Phương ở lại viện cùng chia sẻ nỗi lo lắng với bố mẹ cháu bé. Hai cô y tá mắt đỏ ngầu vẫn luôn chân luôn tay chăm sóc toàn bộ hệ thống máy móc đảm bảo cho cháu bé thở được, theo dõi nhịp tim. Ba xét nghiệm về não (chụp cắt lớp, đo điện não đồ và MRI) liên tục được tiến hành. Rồi cũng đã đến lúc. Các bác sĩ bắt đầu những lần gặp với bố mẹ bé. Cuộc họp đầu tiên, bác sĩ giúp bố mẹ chuẩn bị tâm lý rằng tình thế hết sức nguy kịch. Họ ngồi bên nhau. Nhóm y bác sĩ mắt đỏ hoe, đầy cảm thông, ngồi im lặng, lắng nghe một người nói nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo tình trạng của cháu ngày càng xấu, nhưng chúng tôi không đầu hàng. Chúng tôi vẫn chiến đấu để giành giật sự sống cho cháu. Cháu cũng là một ‘chiến binh dũng cảm’ đang đồng hành với chúng tôi”. Họ lặng lẽ mang giấy lau nước mắt cho người mẹ. Họp xong, họ trở lại chăm sóc cháu bé, lúc đó là 2h sáng.

Cuộc họp thứ hai vào sáng hôm sau, gồm có bác sĩ trưởng Khoa Cấp cứu, bác sĩ chuyên về não khoa, y bác sĩ trực tiếp điều trị. Không khí trầm lắng. Sau khi một lần giải thích tình trạng của cháu bé, nguyên nhân không xác định, bác sĩ lặng lẽ nói: “Cháu nằm đó, tim còn đập, nhưng cháu không còn nữa. Khả năng cứu chữa cho cháu là vô vọng. Chúng tôi đề nghị rút máy thở. Đó sẽ là sự ra đi hoàn toàn của cháu”. Người mẹ bật lên nức nở. Họ lại ngồi yên lặng, thật lâu, rồi cùng bật lên một câu: “Chúng tôi xin chia sẻ với gia đình”.

Cuộc họp cuối cùng sau đó 24 giờ đồng hồ. Vẫn thông tin như cũ. Bác sĩ chỉ trên màn hình hoành đồ của não bé gần như một đường thẳng cho thấy não bộ đã hoàn toàn tê liệt. Bác sĩ giảng giải kỹ lưỡng về căn bệnh SID và đi đến kết luận không còn hy vọng. Tiếp theo là ý kiến gia đình có chấp nhận rút máy thở hay không. Nếu có thì giờ nào sẽ rút máy thở cho cháu để cháu ra đi được thanh thản…

Trước đó y tá đã tìm hiểu và biết gia đình theo đạo Phật. Họ tìm đọc về đạo Phật, nghi lễ chôn cất, mời nhà sư tới làm lễ cúng cho bé ngay tại bệnh viện. Bác sĩ giải thích quy trình rút máy thở, rằng sẽ trao cháu bé cho bố mẹ, cháu sẽ thở hắt ra hoặc ho lên rồi tắt hẳn, da chuyển sang màu tím tái. Nếu gia đình không muốn chứng kiến giây phút cuối cùng với cuộc đời của bé, có thể đợi bác sĩ rút ống thở xong rồi đón nhận cháu bé đã được bọc kín. 

Y tá còn đề nghị nếu bố mẹ muốn được nằm cạnh con trong giờ phút cuối, họ sẽ tìm cho một cái giường để có thể nằm ôm cháu. Bố mẹ cháu bé đã từ chối vì không thể chịu nổi cảnh này. Cuối cùng, giờ tốt đã chọn, nhà sư cũng được mời tới làm lễ. Thời gian chỉ còn tính bằng phút giây trong khoảnh khắc tiễn cháu bé về phía “chân mây cuối trời”.

Chia sẻ với VnExpress.net, Minh Phương cho biết tiểu bang cô đang sống có chính sách miễn phí y tế cho người nghèo 100% như trường hợp bệnh nhi này. Người lao động bình thường như chị, thu nhập không cao song chi phí bảo hiểm y tế phải trả hàng năm khá lớn. Mỗi năm phải mua bảo hiểm 2.500 USD, mỗi lần đi khám phải trả phí thêm. Nếu khám cấp cứu, không hẹn trước với bác sĩ thì chi phí sẽ rất nhiều.

“Sự ra đi của cháu bé khiến tôi bị ám ảnh với biết bao nhiêu xúc cảm: Đau thương, ưu phiền, thánh thiện, tình người và phong cách làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp đến mức khó tin của tập thể y bác sĩ trong một bệnh viện có lẽ tốt nhất thế giới”, Minh Phương xúc động khi nhớ về ca phiên dịch đặc biệt này.

Với chị, sự có mặt của cháu bé ở trên đời quá ngắn song cháu đã làm được sứ mạng lớn lao là gắn kết mọi người với nhau, giúp chị nhìn thấy tình người ấm áp vẫn luôn ở xung quanh. Ba tháng sau khi bé ra đi, bệnh viện gọi điện cho người phiên dịch nhờ chuyển lời thăm hỏi đến gia đình. Họ chia buồn một lần nữa và thông báo hỗ trợ tiền mai táng cho cháu. Chi phí mai táng ở Mỹ khá đắt, với giá khoảng 5.000-7.000 USD.

Người phụ nữ phiên dịch tiếng Việt cho bệnh viện Boston chia sẻ: “Việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội chặn xe cứu thương chở cháu bé hấp hối về quê Nghệ An mới đây khiến tôi nhớ lại câu chuyện cháu bé ra đi tại Bệnh viện Nhi Boston và thái độ tận tụy của đội ngũ y bác sĩ ở đây. Mong sao dịch vụ y tế ở Việt Nam có nhiều thay đổi giúp người bệnh cùng gia đình yên tâm hơn khi điều trị, kể cả trong trường hợp xấu nhất là phải chia ly”.  

* Ghi theo trần thuật của chị Nguyễn Thị Minh Phương.

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook