Thứ Năm, 26/05/2016 | 16:01

Là huyện ngoại thành của Hà Nội, Thanh Trì có tốc độ đô thị hóa nhanh. Chất lượng và đời sống của người dân ngày càng tăng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được chính quyền huyện, xã quan tâm. Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đã chủ động và tích cực thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi- rubella cho học sinh 16- 17 tuổi. Chiến dịch đã được thực hiện thành công trên địa bàn huyện Thanh Trì trong tháng 4.2016.

Để chiến dịch được thực hiện thành công, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đã chủ động và chú trọng thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Trước ngày triển khai tiêm chủng, đầu tháng 3 năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Sởi-rubella cho đối tượng 16-17 tuổi cho toàn bộ các đơn vị y tế, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện nhằm giúp các đơn vị này chủ động trong hoạt động tham gia Chiến dịch tiêm chủng. Ngoài ra, các Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella cũng như tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, truyền thông tại địa bàn.

Hoạt động điều tra lập danh sách đối tượng tiêm chủng tại huyện Thanh Trì được thực hiện sát sao, kỹ lưỡng. Trạm Y tế xã, thị trấn phối hợp với các trường Trung học phổ thông đóng trên địa bàn lập danh sách toàn bộ đối tượng 16 – 17 tuổi (học lớp 11, lớp 12) theo từng lớp từ ngày 25 đến 28.02.2016. Với các em không đi học hiện đang sinh sống trên địa bàn: cán bộ y tế phối hợp với cộng tác viên, ban, ngành, đoàn thể tại xã, thị trấn lập danh sách tuyên truyền vận động gia đình cho các em đi tiêm chủng tại Trạm y tế xã trong ngày tiêm chủng thường xuyên tháng 4/2016. Và ngay trong những ngày đầu tháng 3.2016, các xã, thị trấn đã hoàn thành việc tổng hợp danh sách đối tượng cần tiêm và gửi lên huyện. Và ngay sau đó, Trung tâm y tế huyện hoàn thiện việc tổng hợp số liệu báo cáo, gửi lên thành phố.

Song song với việc lập danh sách, hoạt động tuyên truyền được các ban, ngành trong huyện đẩy mạnh theo các nội dung liên quan đến sự nguy hiểm của bệnh, mục đích, tầm quan trọng của việc tiêm chủng, lợi ích khi đối tượng được tiêm phòng vắc xin, các phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng, đối tượng, ngày giờ triển khai được tổ chức tại địa phương. Hình thức truyền thông được triển khai linh hoạt, theo các hình thức như: tổ chức hội nghị triển khai phối hợp các Ban, ngành, đoàn thể, các trường trung học phổ thông tại địa phương; tổ chức lớp tập huấn, truyền thông cho cán bộ y tế xã, cộng tác viên, các ban, ngành, đoàn thể về các công việc cần triển khai; lợi ích, ý nghĩa của tiêm vắc xin để tuyên truyền tại hộ gia đình; cung cấp và phát bài tuyên truyền gồm đĩa tiếng và đĩa hình truyền thông về tiêm vắc xin sởi- rubella trên đài truyền thanh xã, thị trấn tối thiểu 2 lần/ ngày.

Điểm thành công trong thực hiện Chiến dịch tại huyện Thanh Trì là tập huấn tiêm chủng được triển khai kỹ lưỡng. Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn phổ biến, thống nhất kế hoạch và hướng dẫn tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella và hoạt động này được hoàn thành trước ngày 10.3.2016. Đối tượng được tập huấn là nhân viên các khoa phòng có liên quan tại Trung tâm y tế huyện, trạm trưởng, chuyên trách tiêm chủng các xã, thị trấn, đại diện bệnh viện, phòng khám đa khoa đóng trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện tổ chức tập huấn triển khai Chiến dịch cho hiệu trưởng tất cả các trường Trung học phổ thông trên địa bàn. Các trường phối hợp với Trạm Y tế tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế học đường. Trạm y tế xã tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn cho cộng tác viên và các ban, ngành đoàn thể trước khi điều tra đăng ký đối tượng.

Trung tâm Y tế huyện chú trọng và thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng; thực hiện buổi tiêm chủng nghiêm túc theo đúng thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20.3.2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng. Điểm tiêm chủng bố trí tại Trạm Y tế và tại trường học phải đảm bảo 1 chiều, bố trí bàn đón tiếp, bàn khám phân loại, bàn tiêm, khu vực chờ và khu vực theo dõi các học sinh 30 phút sau tiêm chủng.

Tại mỗi điểm tiêm chủng nhân lực được bố trí đầy đủ. Điểm tiêm tại Trạm y tế: Tối thiểu 06 người gồm ít nhất 03 cán bộ y tế có chứng nhận và còn thời hạn sử dụng đã tham gia tập huấn thực hành tiêm chủng an toàn. Điểm tiêm tại trường học: ngoài cán bộ y tế theo quy định, nhân lực cần huy động tại điểm tiêm gồm tối thiểu 04 người (Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm từng lớp, cán bộ y tế học đường, 1 giáo viên hỗ trợ). Điểm tiêm đều đầy đủ danh sách các học sinh cần tiêm, phiếu khám phân loại, giấy xác nhận đã tiêm vắc xin sởi – rubella cho các đối tượng được tiêm.

Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì và các đơn vị tham gia chiến dịch thực hiện đầy đủ, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Công tác phòng chống sốc phản vệ được chú trọng. Bên cạnh Tổ cấp cứu của các Trạm y tế xã, thị trấn, Trung tâm Y tế huyện có Đội cấp cứu cơ động và Bệnh viện thường trực trong những ngày tiêm chủng sẵn sàng xử trí, cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Trung tâm Y tế huyện tập huấn phòng chống sốc kỹ lưỡng cho cán bộ y tế cơ sở trước khi triển khai chiến dịch.

Công tác giám sát được chú trọng, đảm bảo kế hoạch được hoàn thành và tiến độ các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng theo kế hoạch được thực hiện kịp thời, kế hoạch bố trí các điểm tiêm, cũng như kế hoạch về hoạt động truyền thông huy động cộng đồng và nhân lực, hậu cần…

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ, Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi- rubella tại huyện Thanh Trì đã thành công tốt đẹp. Toàn huyện đã có 3.286 em trong tổng số 3.394 học sinh được tiêm, đạt tỷ lệ 96,8%; trong đó số học sinh các khối đã được tiêm là: 1.634 em lớp 12, 1.581 em lớp 11 và 71 em không đi học nhưng trong độ tuổi tiêm.

Bài: Quang Nguyễn

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook