Thứ Hai, 02/05/2016 | 19:31

Chăn đem lại cảm giác yên bình, thoải mái như một cái ôm và có thể hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như mất ngủ, lo âu, tự kỷ, rối loạn cảm giác.

Bạn tỉnh giấc, cuộn tròn trong chăn và dù nhắm mắt lâu đến mức nào cũng không thể ngủ tiếp. Hàng loạt suy nghĩ kéo đến, như liệu bạn có làm hỏng buổi thuyết trình ngày mai không, liệu bếp đã được tắt hay chưa. Cứ như vậy, chuông báo thức reo trước khi bạn nhận ra là mình chẳng kịp nghỉ ngơi chút nào.

Mất ngủ hay các rối loạn giấc ngủ đến từ nguyên nhân mà nhẹ nhất là stress công việc hoặc nặng hơn là rối loạn xử lý cảm giác (SPD) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Y học đã điều chế nhiều loại thuốc để cải thiện các chứng bệnh này song bạn hoàn toàn có thể xử lý chúng bằng chiếc chăn ở nhà.

Theo Medical Daily, ý tưởng về liệu pháp chăn hay còn gọi là liệu pháp động chạm sâu bắt nguồn từ những cái ôm, hành động giúp con người trở nên bình tĩnh. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy nếu một số điểm trên cơ thể được kích thích do động chạm, não sẽ sản sinh serotonin. Chất dẫn truyền thần kinh này phụ trách nhiều chức năng của não, bao gồm giấc ngủ và tâm trạng. Ở đây, sức nặng của chăn sẽ tạo ra một lực sâu giống như khi chúng ta ôm người khác hoặc động vật. 

Chiếc chăn 'thần kỳ' chữa được nhiều bệnh

Đắp một chiếc chăn sẽ giúp bạn ngon giấc và cải thiện nhiều chứng bệnh. Ảnh: parentingpatch.com.

Ban đầu, liệu pháp động chạm sâu được dùng để giúp đỡ trẻ mắc chứng ASD hoặc SPD. Các bé thường bị quá tải cảm giác, có nghĩa là khó khăn trong việc lọc ra các thông tin cảm giác dẫn đến bồn chồn, lo lắng, khó tham gia các hoạt động chung hoặc ngồi yên trong một khoảng thời gian nhất định. Dĩ nhiên, giấc ngủ cũng bị gián đoạn. Có chăn, trẻ ASD sẽ dễ ngủ hơn. Bé không chỉ tận dụng được lượng serotonin được giải phóng mà còn bình tĩnh hơn, làm nhịp tim cùng huyết áp giảm xuống. Điều này cho phép trẻ kiểm soát hành vi của mình, tạo điều kiện cho quá trình điều trị tiến triển tốt.

Đối với người lớn, đắp chăn hạn chế lượng cortisol, loại hormone chính gây căng thẳng; rất hữu ích cho bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, stress hoặc đau đớn. 63% tình nguyện viên tham gia một công trình năm 2004 đã giảm hẳn lo lắng sau khi dùng chăn thường xuyên. Ngoài ra, liệu pháp động chạm sâu không dẫn đến tác dụng phụ nên bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tăng động giảm chú ý đều có thể thử.

Cũng cần lưu ý, giống như mọi loại thuốc hay phương thức chữa trị, liệu pháp chăn không thể hiệu quả với tất cả mọi người. Dẫu vậy, cảm giác thoải mái và yên bình nó đem lại chắc chắn sẽ giúp bạn ít nhiều.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook