Thứ Sáu, 29/04/2016 | 10:00

Chào đời với bộ phận sinh dục bất thường, không có hậu môn và một loạt dị tật, gần 2 năm đầu đời của cậu bé Nguyễn Phúc An gắn liền với các bệnh viện qua 6 cuộc mổ.

Lọt lòng mẹ vào tháng 6/2014, bé Phúc An được chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ qua Bệnh viện Nhi đồng 2 với nhiều dị tật như thận đôi, tắc ruột sơ sinh, não úng thủy, không có hậu môn, lộ ổ nhớp… Cặp vợ chồng công nhân nghèo như rụng rời khi chứng kiến tình trạng bất thường của đứa con đầu lòng. Hình dáng bộ phận sinh dục không rõ ràng, với giấy chứng sinh ghi tạm “chưa rõ giới tính”, bé được xét nghiệm nhiễm sắc thể để xác định giới tính nam.

Tròn 5 ngày tuổi, cậu bé bất hạnh trải qua ca mổ lắp đặt hậu môn tạm. Lúc 1 tháng, bé được mổ tắc ruột. Sau đó Phúc An chịu thêm 3 ca mổ ở khoa ngoại thần kinh để giải quyết tình trạng não úng thủy. Liên tục ở bệnh viện lúc khoa tiêu hóa, khi khoa nhiễm rồi hô hấp, cấp cứu, thần kinh…, vợ chồng anh Nguyễn Minh Toàn (quê Trà Vinh) và chị Nguyễn Thị Phương (quê Bến Tre) phải nghỉ việc công nhân để ròng rã chăm con, lấy hành lang bệnh viện làm nơi trú ngụ.

6 ca mổ vẫn chưa đưa cậu bé đa dị tật 2 tuổi thành bình thường

Bé Phúc An khi mới nhập viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương.

Đầu vẫn ngày càng phình to, nước tiểu dầm dề phải thay tã liên tục, sức khỏe chưa ổn định nên Phúc An đối mặt với nguy cơ phải dùng hậu môn tạm suốt đời. Nhận lời điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, vị bác sĩ phó giám đốc Đào Trung Hiếu quyết định tiến hành cuộc mổ nhiều thử thách để tạo hình hậu môn cho bé theo nguyện vọng tha thiết của người nhà.

Chứng kiến bệnh nhi quấy khóc, luôn tay moi móc vì ngứa ngáy, hăm đỏ xung quanh hậu môn tạm, bác sĩ Hiếu cùng các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp dành thời gian khảo sát kỹ để lên phương án mổ. Liên hệ tìm lại bệnh án từ đồng nghiệp trong các cuộc mổ trước, tình trạng dính ruột quá phức tạp của bệnh nhi ghi nhận trong hồ sơ khiến kíp mổ đứng trước nhiều chần chừ. Dự kiến nếu khi mở ruột ra, nếu tình trạng dính quá nặng nề không thể can thiệp, buộc lòng phải ngừng cuộc mổ để tránh nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bước vào ca mổ cam go khó lường, các bác sĩ đã tốn nhiều thời gian để phẫu tích, gỡ phần ruột dính. Sau khi hoàn tất gỡ dính ruột kíp mổ mới có thể tiến hành đưa ruột xuống để hoàn tất tái tạo hậu môn. Tình trạng dính phức tạp khiến ca mổ kéo dài hơn 5 giờ, trong khi những ca tạo hình hậu môn bình thường chỉ khoảng 1-2 giờ. Một tuần sau mổ, cậu bé đã được ra khỏi phòng hồi sức và dần phục hồi.

6 ca mổ vẫn chưa đưa cậu bé đa dị tật 2 tuổi thành bình thường

Bác sĩ Đào Trung Hiếu kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé sau ca mổ tạo hình hậu môn. Ảnh: Lê Phương.

“Bây giờ mặc dù chưa nói được gì nhưng những mục tiêu đặt ra ban đầu đã thực hiện được. Việc cải thiện được bao nhiêu thì cần thời gian đánh giá thêm vì em bé còn nhiều dị tật khác nữa”, bác sĩ Hiếu chia sẻ. Bệnh nhi khắc phục được một phần bất tiện trong sinh hoạt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt. Đầu của bé sẽ theo dõi tình trạng ứ nước, tuy không thể làm nhỏ lại nhưng khi cần sẽ can thiệp để không phình to thêm. Tình trạng lộ ổ nhớp sau này có thể làm bọng đái giả để hạn chế việc phải thấm nước tiểu liên tục như bây giờ.

Từng nhiều lần bán máu lấy tiền khám chữa bệnh cho con, anh Nguyễn Minh Toàn thường xuyên chóng mặt nên đã tạm ngưng. Mẹ của bé với tình trạng sỏi thận, mỡ máu cao, men gan cao vẫn phải uống thuốc liên tục. Chưa kể chi phí điều trị, mỗi tháng tiền sữa và chi phí để lo vệ sinh cho bé như tã giấy, 8 kg bông gòn, nước nuối, thuốc chống lở, thuốc sát trùng… đã ngốn hàng triệu đồng.

“Con đã may mắn tạo được hậu môn nhưng những dị tật khác vẫn còn phải theo dõi để khắc phục dần. Không hiểu sao mình có thể vượt qua từng ấy thời gian. Giờ nợ nần chồng chất, vợ chồng chỉ biết cố gắng được ngày nào thì hết lòng với con ngày đấy, không dám nghĩ ngợi gì xa xôi”, người mẹ trẻ cạn nước mắt vì khóc con.

Lê Phương

lephuong@vnexpress.net

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook