BS. Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, trong 4 ngày, từ 26/4/2016-29/4/2016, tại Cần Thơ sẽ tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2016; đồng thời, sẽ tổ chức tiêm vét tại các trạm Y tế vào 2 ngày 4 và 5/5/2016. Dự kiến chiến dịch này sẽ tiêm miễn phí 1 mũi sởi – rubella cho khoảng 16.319 đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Sẵn sàng để triển khai chiến dịch
Chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Cần Thơ lần này sẽ tiêm cho tất cả học sinh lớp 11, 12 tại các trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung học phổ thông dân tộc nội trú, Trường thực hành Sư phạm (Đại học Cần Thơ). Để chiến dịch diễn ra an toàn, đạt hiệu quả cao, ngày 16/3/2016, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị triển khai chiến dịch tại cấp thành phố, cấp huyện, đại biểu tham gia là thành viên trong Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Trung tâm Y tế Dự phòng, trưởng phòng trường phổ thông trung học, trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên của Sở Giáo dục và Đào tạo; trưởng ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, ban giám hiệu các trường có đối tượng tiêm, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế quận, huyện và giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện… Ngoài ra, từ ngày 23/3-29/3/2016, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng huyện tổ chức Hội nghị triển khai chiến dịch tại cấp huyện với thành phần đại biểu là Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân cấp huyện, cán bộ y tế trường học, bí thư Chi đoàn Thanh niên trường…
Bên cạnh đó, với phương châm, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, không để bỏ sót đối tượng tiêm, ngày 8/4/2016, Sở Y tế Cần Thơ đã chỉ đạo y tế cơ sở phối với với cán bộ y tế trường học, giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh hiện đang học lớp 11, 12 niên học 2015-2016 theo từng lớp; đồng thời, Sở Y tế giao Trung tâm Y tế Dự phòng Cần Thơ, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia trực tiếp tại bàn tiêm; tổ chức công tác phối hợp, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho giáo viên các trường có đối tượng tiêm vắc xin. Ngoài ra, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng Cần Thơ đã phổ biến cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia chương trình về quy trình cung ứng, cấp phát và vật tư tiêm nhằm bảo đảm quy trình vận chuyển, bảo quản đến lúc tiêm, tuân thủ các qui định về chuyên môn tại tất cả các tuyến từ trung ương tới cơ sở.
Công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vắc xin vắc xin sởi – rubella cho đối tượng 16-17 tuổi cũng được ngành Y tế Cần Thơ đẩy mạnh tại tất cả các tuyến trước và trong khi triển khai chiến dịch. Về công tác tổ chức tiêm chủng, Sở Y tế yêu cầu, tại tất cả các địa điểm tiêm chủng, phải treo băng rôn ghi rõ “Điểm tiêm ngừa”, có dán áp phích tuyên truyền và có ghế nơi mát để các em ngồi chờ, có giường để nằm phòng khi có phản ứng sau tiêm, có phòng theo dõi sau tiêm để cán bộ y tế, giáo viên theo dõi sau khi tiêm 30 phút … địa điểm tiêm chủng tại trường học phải thuận tiện, thoáng, đủ rộng để có thể bố trí được nơi đón tiếp như bàn khám phân loại, phòng tiêm, bàn ghi thông tin học sinh đã tiêm. Tại các điểm tiêm có đầy đủ hộp chống sốc theo qui định. Số buổi tiêm chủng tại mỗi trường phụ thuộc vào số học sinh, có thể tổ chức nhiều bàn tiêm tại trường, nhưng mỗi bàn tiêm không quá 100 học sinh/buổi tiêm. Tại các địa điểm tiêm tại trường tổ chức tiêm theo từng lớp, cuốn chiếu từng trường; đồng thời tổ chức khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng để phát hiện các trường hợp bất thường, các trường hợp chống chỉ định và tạm hoãn tiêm. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Trung tâm Y tế Cần Thơ, Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nếu có. Mỗi điểm tiêm tối đa phải có 3 cán bộ y tế được tập huấn đầy đủ về tiêm chủng và phòng, chống sốc. “Thực hiện tiêm chủng phải tuyệt đối an toàn, chỉ được khui và sử dụng hết từng lọ vắc xin. Tuyệt đối không sử dụng vắc xin còn thừa trong lọ tại điểm tiêm chủng này mang sang điểm tiêm chủng khác”, BS. Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh.
Đảm bảo tiếp nhận đủ liều vắc xin cho tiêm chủng
BS. Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, để triển khai tốt chiến dịch này, Y tế Cần Thơ dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 22 nghìn liều vắc xin sởi – rubella và tổ chức tại 37 điểm tiêm chủng trong trường học và 20 điểm tại trạm y tế. Để đảm bảo tất cả các đối tượng 16-17 tuổi được tiêm vắc xin xin sởi – rubella, ngoài lịch tổ chức tiêm đồng loạt trong 4 ngày (từ 26/4/2016-29/4/2016), trong 2 ngày, 4 và 5/5/2016, Y tế cần Thơ sẽ tổ chức tiêm vét tại Trạm Y tế cho các đối tượng ốm, tạm hoãn tiêm hay nghỉ học của đợt tiêm trước đó.
Hiện tại, công tác chuẩn bị về nhân lực, vật tư và các công tác khác để chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2016 đã được chuẩn bị chu đáo. Nhờ kinh nghiệm đã làm khi triển khai tiêm vắc xin sởi – rubella cho đối tượng từ 1-14 tuổi năm 2014 cũng như việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp hiệu quả với ngành Giáo dục và Đào tạo nên chiến dịch nhận được sự ủng hộ của các cấp, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, đặc biệt sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo trong tỉnh.
Mục tiêu của ngành Y tế tỉnh Cần Thơ, sẽ có trên 95% đối tượng 16-17 tuổi được tiêm chủng vắc xin sởi – rubella trong chiến dịch này. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo đó, chiến dịch trên sẽ được triển khai hiệu quả tại Cần Thơ trong thời gian tới, góp phần cùng Y tế cả nước chủ động khống chế bền vững bệnh sởi – rubella thông qua việc cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số mắc và tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Hoàng Hiền
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.