Thứ Ba, 12/04/2016 | 14:00

Bệnh khô mắt với các triệu chứng chính là cộm mắt, đỏ mắt, kích thích mắt, một số trường hợp nặng, bệnh gây giảm thị lực có thể có các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy cơ dẫn đến mù loà. Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê để đưa ra tỷ lệ khô mắt trên toàn quốc nhưng dựa vào tỷ lệ chung của Thế giới, Việt Nam có khoảng từ 4 triệu đến 6 triệu người có bệnh lý khô mắt ở mức độ khác nhau. Đây là bệnh thường gặp và ngày càng phổ biến ở nước ta nhưng lại dễ bị bỏ qua và ít được để ý đến… TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết tại Lễ khai trương Phòng khám bệnh khô mắt được tổ chức tại Bệnh viện, chiều ngày 11/4/2016.

Việt Nam có khoảng từ 4 triệu đến 6 triệu người có bệnh lý khô mắt
TS.BS. Nguyễn Xuân Hiệp phát biểu khai mạc buổi Lễ

Khô mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào

Theo TS.BS. Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, khô mắt, nói một cách đơn giản, nghĩa là tình trạng thiếu hụt nước mắt, làm cho mắt không còn ướt nữa, mắt bị khô. Theo thuật ngữ chuyên môn thì khô mắt là tình trạng bệnh lý của phim nước mắt và bề mặt nhãn cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, dẫn đến các triệu chứng khó chịu tại mắt, gây giảm thị lực và tổn hại bề mặt của nhãn cầu. Phim nước mắt là một màng mỏng, dày khoảng vài micron, luôn bao phủ và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Phim nước mắt bao gồm 3 lớp: lớp ngoài cùng là lớp dầu có chức năng ngăn ngừa sự bốc hơi của nước mắt; lớp giữa là lớp nước trong suốt đảm bảo cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc, có tính sát trùng làm cho giác mạc trơn nhẵn, rửa trôi bụi bẩn. Lớp trong cùng là lớp nhầy, có chức năng giữ độ ẩm cho giác mạc. Chỉ cần một trong ba thành phần trên của phim nước mắt có thương tổn lập tức sẽ dẫn đến hiện tượng khô mắt.

Khô mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, người ta nhận thấy, tỷ lệ khô mắt cao hơn ở người già, sau tuổi mãn kinh, khô mắt còn gặp ở những người phải dùng thuốc nhỏ mắt kéo dài để điều trị các bệnh mắt mạn tính, người đeo kính áp tròng, người làm việc nhiều với máy tính… Đây là bệnh thường gặp nhất nhưng lại dễ bị bỏ qua vì mọi người thường chủ quan vì triệu chứng ban đầu thường rất nhẹ như: rát, cộm, mắt hơi đỏ. Các triệu chứng này xuất hiện từng lúc, không liên tục. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt. Nặng hơn, khô mắt sẽ làm giảm thị lực, có thể có các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy cơ dẫn đến mù loà.

Việt Nam có khoảng 4 triệu đến 6 triệu người bệnh khô mắt

TS. Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, khô mắt với các triệu chứng chính là cộm mắt, đỏ mắt, kích thích mắt, bệnh lý khô mắt gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì người bệnh luôn cảm thấy khó chịu trong mắt nên giảm tập trung công việc, hay than phiền về bệnh tật, giảm năng suất lao động. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt.

Tại Mỹ ước tính có 4,91 triệu người trên 50 tuổi bị khô mắt, trong đó 3,2 triệu là nữ giới và 1,68 triệu là nam giới, với tỷ lệ ước lượng từ 5% đến 35% dân số mắc. Thái Lan cũng có khoảng từ 5% – 10% số dân có biểu hiện khô mắt. Tại Việt Nam, bệnh khô mắt gặp nhiều ở người cao tuổi, trên 50 tuổi, gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới, ở những phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, những người làm việc văn phòng có độ ẩm thấp, tiếp xúc với máy tính hoặc đọc viết ở cường độ cao kéo dài và ở những người sau phẫu thuật mắt đặc biệt phẫu thuật khúc xạ và thể thủy tinh… Tuy nhiên hiện nay, việc chẩn đoán xác định khô mắt, nguyên nhân khô mắt nhiều khi còn khó khăn do bản chất bệnh lý khô mắt phức tạp, đa yếu tố, có sự khác biệt giữa các lứa tuổi, nghề nghiệp…

Cách phòng bệnh khô mắt

TS.BS. Phạm Ngọc Đông cho biết, để phòng tránh bệnh khô mắt, chúng ta cần thay đổi môi trường và thói quen sống như hạn chế việc đeo kính sát tròng. Nơi học và làm việc đủ ánh sáng, nên có chế độ làm việc trên máy tính, xem tivi… hợp lý, để mắt nghỉ ngơi, thư giãn sau 40 – 45 phút. Hạn chế sử dụng điều hòa, ngủ đủ giấc, bổ sung thực phẩm chứa vitamin A, C, E… điều quan trọng hãy luôn nhớ và thực hiện thường xuyên đó là: Đừng quên chớp mắt! Khi có các triệu chứng khô, rát mắt, mỏi mắt, thậm chí chảy nước mắt, chúng ta nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám, xác định bệnh lý. Khi bị chuẩn đoán khô mắt, người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ nhãn khoa. Tuyệt đối không tự ý tra, nhỏ thuốc khi không có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa mắt. Nên khám mắt định kỳ từ 4-6 tháng/1 lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt.

Với lý do đó, Bệnh viện Mắt Trung ương đã khai trương Phòng khám, điều trị chuyên sâu về bệnh khô mắt tại Khoa Kết, Giác mạc (Phòng C406) của Bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện đã tổ chức Hội thảo nhằm bồi dưỡng nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khô mắt cho các bác sỹ tại Hà Nội và các vùng lân cận; triển khai các hoạt động nghiên cứu dịch tễ học, chuẩn hóa phác đồ điều trị khô mắt áp dụng trong các cơ sở nhãn khoa phạm vi toàn quốc; thành lập “Ngày khô mắt” tại Bệnh viện Mắt Trung ương; đồng thời, nhân rộng mô hình Phòng khám chuyên sâu về bệnh khô mắt tại các trung tâm nhãn khoa, bệnh viện mắt các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh lý khô mắt.

Việt Nam có khoảng từ 4 triệu đến 6 triệu người có bệnh lý khô mắt
TS.BS. Phạm Ngọc Đông giới thiệu về Phòng khám Khô mắt cho các đại biểu tham quan

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook