Triển khai các hướng nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch Covid-19
Kế hoạch triển khai các phương án sử dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ KH&CN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc vừa chủ trì cuộc họp và tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Bộ Y tế, Viện nghiên cứu, công ty sản xuất vắc xin… về hướng nghiên cứu tiếp theo phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới.
Nhằm cụ thể hóa một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020, trong đó giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc-xin phòng dịch Covid-19, sớm đưa kit thử vào sử dụng.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định, Bộ KH & CN sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ/ngành liên quan sớm xem xét giải quyết đối với những trường hợp cấp bách.
Robot phục vụ đồ ăn cho bệnh nhân nhiễm corona virus (Sars-coV-2)
“Ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Bộ KH & CN đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (còn gọi là bộ kít) real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết.
Hai đơn vị đã thực hiện rất nghiêm túc và sau một tháng, bộ kít real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo. Bộ Y tế sau đó quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Việt Á sản xuất, phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ kít, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ KH&CN đã thông báo đến Bộ KH&CN các nước ASEAN. Tính đến nay, đã có 20 quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp đặt vấn đề mua bộ kít do Việt Nam sản xuất.
Tại cuộc họp, các nhà khoa học, trong đó có các chuyên gia Bệnh viện nhiệt đới trung ương, Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Học viện Quân y, Bộ Y tế và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết.
Theo các nhà khoa học, Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất kit phát hiện SARS-CoV-2 và khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, để sẵn sàng ứng phó với các kịch bản xấu hơn, cần sớm có các giải pháp hỗ trợ điều trị và hướng nghiên cứu phục vụ lâu dài.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đề xuất, trong giai đoạn hiện nay và chuẩn bị cho tình huống lâu dài, nếu dịch bùng phát, Việt Nam nên nghiên cứu sản xuất:
– Robot hỗ trợ hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân cách ly: đưa cơm
– Robot lau chùi, dọn dẹp, khử khuẩn phòng cách ly
Ngoài ra, chủ động sản xuất kháng thể đơn dòng và về lâu dài phải nghiên cứu sản xuất vắc-xin.
Đồng quan điểm, GS.TS. Lê Bách Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 cho rằng, cần gấp rút nghiên cứu và chế tạo robot và nghiên cứu sản xuất kháng thể phục vụ cho điều trị Covid-19. Ngoài ra cần chủ động máy thở, mở rộng số phòng thí nghiệm được xét nghiệm Covid-19.
Đồng thuận với các ý kiến trên, TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) một lần nữa nhấn mạnh rằng, cần ưu tiên phát triển robot dọn dẹp, robot đưa cơm, chăm sóc bệnh nhân trong môi trường lây nhiễm nguy hiểm … ,tập trung sản xuất kháng thể đơn dòng phục vụ cho điều trị.
Cũng tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay, bên cạnh bộ kít phát hiện tại các phòng thí nghiệm, giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, cần sản xuất các loại kít phát hiện nhanh để tiến hành sàng lọc nhanh tại các khu vực như sân bay, nhà ga, khu vực cách ly.
Ngoài ra cần có các biện pháp đánh giá về môi trường như chỉ số bề mặt, chỉ số tiếp xúc, nghiên cứu chế tạo hệ thống khử khuẩn toàn thân dùng cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, sân bay…, nghiên cứu sự biến đổi gen và lưu hành của SARS-CoV-2 ở động vật, nhất là động vật gần gũi với con người… Đây là những giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh nguy cơ dịch có thể bùng phát và phải kiểm soát diện rộng.
Trước ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, với những trường hợp cấp bách, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ/ngành liên quan sớm xem xét giải quyết.
Yhocvn.net (Theo Bộ KH&Công nghệ)
Chưa có bình luận.