Các quốc gia chủ yếu dựa vào quân đội của mình để bảo vệ công dân và đất nước. Thật không may, điều này sẽ khó thực hiện nếu quân đội của một số nước không được trang thiết bị tốt hoặc đào tạo không chuyên nghiệp.
Trang quân sự We are The Mighty, vốn được thành lập bởi một nhóm cựu chiến binh Mỹ, đã đưa ra danh sách 10 quân đội tệ nhất trên thế giới.
10. Afghanistan
Nếu Mỹ rút quân khỏi đây, quân đội của Afghanistan có nguy cơ sụp đổ sau tất cả những nỗ lực đào tạo của các cố vấn của lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF). Một cố vấn nói với tờ Al Jazeera: “Trên thực tế, nếu hỏi chuyện bất cứ binh sĩ liên quân nào, họ cũng sẽ nói binh lính Afghanistan có thể chiến đấu, nhưng đó là sau khi họ được NATO chu cấp ăn mặc, trang thiết bị và đưa ra chiến trường”.
9. Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi đang tham gia vào chiến dịch quân sự của liên quân tại Yemen, cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để đánh đuổi lực lượng phiến quân Houthi. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa gặt hái được thành công, dù quân đội Saudi và UAE đều có lợi thế về hải quân, không quân, trang thiết bị, đào tạo, quân số trên bộ, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện tình báo Mỹ.
8. Mông Cổ
Một đất nước bị kẹp giữa Trung Quốc và Nga chắc chắn cần một quân đội hùng mạnh. Tuy nhiên, điều này không đúng với Mông Cổ. Mông Cổ từng điều lực lượng tới hỗ trợ Mỹ tại Iraq và Afghanistan nhưng chủ yếu là hướng dẫn binh lính Mỹ cách nhận biết và sử dụng (nếu cần thiết) các loại vũ khí và thiết bị do Liên Xô chế tạo.
7. Tajikistan
Quân đội Tajikistan là một mớ hỗn độn. Khi họ thành lập quân đội riêng vào năm 1994, điều này đã dẫn đến một cuộc nội chiến. Bây giờ, người Tajik ủng hộ quân đội Nga vì tiền lương cao hơn.
6. Philippines
Chính phủ nước này cam kết dành 1,7 tỷ USD ngân sách nhằm nỗ lực nâng cấp lực lượng hải quân và không quân già cỗi của mình. Sau đó, Quốc hội Philippines đã thông qua khoản chi 2 tỷ USD để đầu tư cho kế hoạch. Tuy nhiên, cho tới nay, quân đội nước này vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào.
Điều đáng nói là, mặc dù Trung Quốc ngày càng bành trướng, có nhiều động thái hung hăng để khẳng định chủ quyền phi lý trong khu vực và xây đảo nhân tạo cận kề Philippines, nhưng hải quân và không quân của nước này vẫn chỉ có những chiếc tàu cũ của Mỹ để đối phó với mối đe dọa.
5. Nigeria
Mặc dù quốc gia này có ngành công nghiệp dầu mỏ lớn nhất châu Phi, nhưng lực lượng quân đội của họ lại được trang bị rất nghèo nàn. Một người lính chia sẻ với BBC: “Hãy tưởng tượng tôi và anh đánh nhau, cả 2 chúng ta đều có súng, nhưng anh được mặc áo chống đạn, còn tôi chỉ có một chiếc ô”.
4. Eritrea
Lực lượng vũ trang Eritrea là một trong những quân đội có số lượng lính nghĩa vụ cao nhất trên thế giới. Họ trở thành nguồn lao động ép buộc nhiều hơn là làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới hoặc chống lại tổ chức khủng bố al-Shabab.
3. Bắc Triều Tiên
Đừng để những người lính Triều Tiên cao to, cường tráng với trang thiết bị, vũ khí mới trong các thước phim lừa dối bạn. Theo nhà báo Blake Stilwell, phần lớn các binh sĩ Triều Tiên lúc này đều trông rất yếu kém, với trang thiết bị ít ỏi. Ngoài ra, lực lượng quân đội bắt đầu mỏng hơn nhiều.
2. Iraq
Dưới đời tổng thống Saddam Hussein, Iraq đã từng có quân đội lớn thứ 4 trên thế giới. Mặc dù được quân đội Anh và Mỹ huấn luyện trong nhiều năm, cũng như nhận được các khoản đầu tư và viện trợ lên đến 26 tỷ USD, quân đội Iraq chỉ có khoảng 26 đơn vị. Bên cạnh đó, có khoảng 50.000 “lính ma” trong hàng ngũ quân đội Iraq vẫn được trả lương đều đặn, cho dù không tồn tại hoặc không còn thực hiện nghĩa vụ nữa. Trong năm 2014, ISIS gần như chiếm trọn miền tây Iraq, sau khi phong trào đào ngũ của binh sĩ tại đây ngày càng gia tăng.
1. Costa Rica
Đất nước này “được” đứng đầu danh sách bởi vì không có quân đội. Một số quốc gia khác cũng không có quân đội là Mauritius, Monaco, Panama, Vanuatu và Iceland.
Hướng Dương (TH)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.