Bệnh ung thư tuyến giáp là bệnh đứng thứ 6 trên 10 loại ung thư hay gặp thường phát hiện sớm do tình cờ đi khám bệnh được siêu âm tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp (UTTG) là ung thư khởi phát ở tuyến giáp trạng.
Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư, tỷ lệ này cao hơn ở những nước có bệnh bướu cổ địa phương lưu hành. Ở Việt Nam, theo ghi nhận của ung thư Hà Nội, UTTG đứng thứ 6 trong số 10 loại ung thư hay gặp nhất. Phụ nữ bị UTTG nhiều gấp 3 lần nam giới. UTTG có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phụ nữ hay mắc bệnh ở tuổi từ 45-49, nam giới từ 65-69 tuổi.
Ung thư tuyến giáp được chia làm 2 loại biệt hoá và không biệt hoá. UTTG thể biệt hoá chiếm đa số khoảng 80% bao gồm thể nhú, thể nang và thể nhú nang hỗn hợp. UTTG thể biệt hoá thường tiến triển chậm, phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp sẽ mang lại hiệu quả cao, kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh. UTTG không biệt hoá chiếm khoảng 15%, chủ yếu ở người lớn tuổi, tiến triển nhanh và hay di căn xa, có tiên lượng xấu. Ngoài ra còn có UTTG thể tuỷ, ung thư tế bào Hurthle.
Nhận biết dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp
Các triệu chứnglâm sàng
Triệu chứng sớm:
Nhiều trường hợp, vô tình bệnh nhân khám sức khoẻ định kỳ, siêu âm tuyến giáp thấy có u tuyến giáp, có những nốt vôi hoá trong u.
Bệnh nhân tự phát hiện có một hay nhiều u giáp trạng, u thường có đặc điểm: U cứng, bờ rõ, bề mặt nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
Có một số trường hợp bệnh nhân có hạch ở vùng cổ xuất hiện trước, hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Triệu chứng muộn:
Khi u lớn, bệnh nhân thường có:
– Khối u to, rắn, cố định ở trước cổ.
– Khàn tiếng, có thể khó thở.
– Khó nuốt, nuốt vướng do u chèn ép.
– Da vùng cổ có thể thâm nhiễm hoặc sùi loét, chảy máu.
Các triệu chứng xét nghiệm
Chẩn đoán tế bào học
– Chọc dò kim nhỏ vào u và hạch để tìm tế bào ung thư, có thể làm nhiều lần, nếu tìm thấy tế bào giáp trạng ở hạch thì chắc chắn là ung thư giáp trạng. Chẩn đoán thường chính xác tới 90%.
– Sinh thiết lạnh (còn gọi là sinh thiết tức thì) được tiến hành ngay trong lúc mổ có thể xác định khối u tuyến giáp được lấy ra là lành tính hay ác tính. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách thức phẫu thuật hợp lý, nếu là u lành thì chỉ phẫu thuật cắt u, nếu là u ác thì phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và vét hạch.
Chẩn đoán mô bệnh học: Sau khi sinh thiết, sinh thiết tức thì hoặc sinh thiết sau mổ thường thấy các hình ảnh tổn thương sau đây:
Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá gồm: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú chiếm khoảng 60-80%, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang chiếm khoảng 10-20%, ung thư tuyến giáp thể nang nhú chiếm khoảng 20%, ung thư tế bào Hurthle thường được xếp vào với thể nang nhú.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá.
Chẩn đoán hình ảnh:
Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ vùng cổ: Đánh giá hạch di căn xâm lấn của u vào khí quản, thực quản hoặc dấu hiệu vôi hoá.
Xạ hình tuyến giáp: Phần lớn UTTG không bắt iod phóng xạ I131 và biểu hiện bằng những vùng khuyết hoạt độ phóng xạ hay còn gọi là “nhân lạnh” trên hình ảnh ghi được.
Xạ hình toàn thân có thể phát hiện những ổ di căn xa đặc biệt là di căn phổi và xương.
Siêu âm tuyến giáp: Giúp phân biệt tổ chức u đặc hay nang, phát hiện các nốt vôi hoá, hạch cổ hai bên, nhiều trường hợp giúp định vị cho chọc dò kim nhỏ để chẩn đoán tế bào học và sinh thiết.
Chẩn đoán sinh hoá: Định lượng hormon tuyến giáp: FT3, FT4, TSH, TG và AntiTg.
Ngoài ra còn làm thêm các xét nghiệm máu ngoại vi, sinh hoá máu, nước tiểu, X quang tim phổi, điện tim, siêu âm ổ bụng để đánh giá tình trạng toàn thân.
Các nguyên nhân của bệnh ung thư tuyến giáp
80% – 90% trường hợp UTTG không tìm được nguyên nhân bệnh sinh, tuy nhiên, người ta thấy có một số yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ UTTG:
Những người sống lâu năm ở vùng có bướu cổ địa phương do thiếu iod.
Bệnh nhân sống ở gần biển, nơi có đủ iod khi có u tuyến giáp sẽ dễ bị ung thư hơn so với nơi thiếu iod.
Tiếp xúc với tia bức xạ: những bệnh nhân được xạ trị vùng đầu cổ khi còn nhỏ nguy cơ mắc UTTG càng cao khi liều xạ càng lớn và xạ trị khi tuổi càng nhỏ. Nguồn bức xạ bị rò rỉ từ các sự cố của các nhà máy nguyên tử hoặc vũ khí hạt nhân làm tăng UTTG lên đáng kể như sau: thảm hoạ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) hay sau tại nạn Chernobyl (Ucraina).
Yếu tố di truyền: một số loại UTTG có liên quan đến di truyền.
Chẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp
Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng như đã nêu trên trong đó chẩn đoán mô bệnh học đóng vai trò quyết định cho chẩn đoán UTTG.
Chẩn đoán giai đoạn
Giúp để tiên lượng bệnh và tính liều điều trị hợp lý cho bệnh nhân.
Phân loại theo giai đoạn (staging) TNM như sau:
T: tumor (khối u) nguyên phát. Theo kích thước và sự xâm lấn của khối u chia ra từ T1 đến T4.
N: hạch lympho trong vùng (cổ, trên trung thất). Theo vị trí hạch một bên hay hai bên cổ, hạch trung thất chia ra từ N0 đến N1b.
M: Di căn xa. Không có di căn xa là M0, có di căn xa là M1.
Bệnh nhân < 45 tuổi thì chia hai giai đoạn: Không có di căn xa là giai đoạn I, có di căn xa là giai đoạn II.
Bệnh nhân > 45 tuổi thì chia bốn giai đoạn: Có di căn xa là giai đoạn IV.
Điều trị bệnh ung thư tuyến giáp
Điều trị UTTG thể biệt hoá
Là phác đồ phối hợp phẫu thuật, uống iod phóng xạ I131, dùng hormon tuyến giáp thay thế. Trong đó phẫu thuật có vai trò quyết định, điều trị bằng iod có tác dụng bổ trợ, hormon thay thế là bắt buộc.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp toàn phần 4-6 tuần, điều trị tiếp tục bằng I131 để huỷ nốt mô tuyến giáp còn lại, diệt các ổ ung thư nhỏ (microcarcinoma) và diệt các tế bào ung thư di căn sẽ hạn chế tái phát ung thư, kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. I131 còn là phương pháp hữu hiệu duy nhất khi đã có di căn xa. Đến nay nhờ phối hợp điều trị bằng I131 sau phẫu thuật, tỷ lệ sống thêm 10 năm đã đạt trên 95% ở Mỹ.
Cho bệnh nhân nhận liều I131 khi bệnh nhân trong tình trạng nhược giáp, TSH ≥ 30µUI/ml, TSH ở mức này sẽ kích thích mô giáp còn lại và tế bào ung thư bắt I131, hiệu quả điều trị sẽ cao.
Liều điều trị:
Liều huỷ mô giáp đơn thuần: 50 – 100mCi
Bệnh nhân đã có di căn vùng: 100 – 150mCi
Bệnh nhân đã có di căn xa: 200 – 300 mCi
Bệnh nhân nằm ở phòng cách ly sau khi nhận liều điều trị, đề phòng chống các tác dụng phụ của I131 dùng thuốc chống nôn, thuốc bảo vệ dạ dày, cho bệnh nhân uống nhiều nước không nhịn tiểu.
Bổ sung hormon giáp 3-5 ngày sau điều trị, uống thyroxin liều 2-4 Mg/1kg cân nặng/ ngày. Đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp và bệnh nhân uống liên tục cho đến hết đời, duy trì liều thyroxin đủ ức chế TSH <0,01 µUI/ml.
Bệnh nhân xuất viện sau 5 ngày, được làm xạ hình toàn thân (XHTT) trước khi ra viện, chỉ định XHTT này rất quan trọng giúp ra phát hiện di căn xa như hạch cổ, não, phổi, trung thất, xương mà khi chỉ định với liều I131 chẩn đoán không phát hiện được.
Tái khám sau 1 tháng, xét nghiệm hormon giáp và TSH, điều chỉnh liều Thyroxin để bệnh nhân ở trạng thái bình giáp và TSH ≤ 0,01 µUI/ml.
Đánh giá kết quả sau 6 tháng điều trị: bệnh nhân uống thyroxin liên tục 5 tháng, nghỉ 1 tháng. Bệnh nhân khỏi bệnh khi TSH ≥ 30µUI/ml, Tg âm tính, AntiTg âm tính, xạ hình toàn thân âm tính. Bệnh nhân chưa khỏi bệnh khi một trong các chỉ số dương tính và được điều trị tiếp I131 cho đến khi khỏi bệnh.
Bệnh nhân khỏi bệnh được tái khám 6 tháng 1 lần, chú ý thăm khám lâm sàng vùng cổ, siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu FT3, FT4, TSH, Tg, AntiTg. Khi thấy hạch trên lâm sàng và siêu âm cần làm chẩn đoán tế nào học bằng chọc dò kim nhỏ, nếu tái phát bệnh nhân cần được phẫu thuật và điều trị I131 tiếp. Khi Tg và AntiTg cao quá giới hạn cho phép cho bệnh nhân nghỉ thyroxin 1 tháng để TSH ≥ 30µUI/ml lúc này sẽ nhận liều I131 bổ sung.
Điều trị UTTG thể không biệt hoá: Thường điều trị bằng xạ ngoài, có thể phối hợp với hoá chất
Cách phòng chống bệnh ung thư tuyến giáp
Ăn uống chế độ đủ iod.
Những bệnh nhân có bướu giáp và những người sống ở vùng ở vùng bướu cổ địa phương cần thường xuyên được khám, siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm hormon giáp.
Khi phát hiện những dấu hiệu lâm sàng bất thường cần đến sớm các cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu khám để phát hiện sớm.
Đảm bảo vệ sinh an toàn bức xạ tốt sau những rò rỉ bức xạ.
Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.