Thứ Tư, 30/03/2016 | 23:30

Câu lạc bộ (CLB) Hiến máu nhân đạo Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) TP Cần Thơ được thành lập vào năm 1997, là một tổ chức tình nguyện thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên ngành y do Ths.BS Hồ Thị Tuyết, Trưởng Bộ môn Huyết học – Trường ĐHYD Cần Thơ sáng lập và duy trì, phát triển đến nay.

Người thắp lửa phong trào hiến máu nhân đạo
Ths.BS Hồ Thị Tuyết (đứng giữa) chụp hình lưu niệm cùng các bạn trong CLB

Cuộc cách mạng trong phong trào hiến máu

Hiến máu nhân đạo – Cụm từ này đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Thế nhưng, cách đây 2 thập kỷ thì hiến máu còn quá xa lạ với người dân Cần Thơ, theo như lời kể của cô Hồ Thị Tuyết. Tôi gặp cô Tuyết sau giờ lên lớp tại Trường ĐHYD Cần Thơ, câu chuyện của cô và tôi chỉ xoay quanh chủ đề về máu – bởi đây là chuyên ngành mà cô đã dành cả cuộc đời để gắn bó, tòi học hỏi và ứng dụng những kiến thức vào thực tế, truyền đạt lại cho sinh viên của mình.

Cô nhớ lại, năm 1997 khi học thạc sĩ chuyên ngành Huyết học tại TP Hồ Chí Minh, cô thường gặp rất nhiều phong trào “hiến máu tình nguyện”, “hiến máu nhân đạo”… mà rất đông bạn trẻ tham gia, có cả người trung niên, lớn tuổi. Qua tìm hiểu cô đã biết được ý nghĩa của những phong trào này, rồi nhiều lần tự hỏi: Tại sao ở Cần Thơ lại không có phong trào thiết thực như vậy?

Sau khi tốt nghiệp cao học, cô Tuyết về công tác tại trường ĐHYD. Có lần tận mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân đang chờ máu cấp cứu nhưng tìm không có người cho máu kịp, cuối cùng bệnh nhân chết không phải vì không có thuốc chữa mà chỉ vì không có máu, điều này một lần nữa thôi thúc cô quyết tâm thành lập “CLB Hiến máu nhân đạo” của trường ĐHYD Cần Thơ.

Lúc mới thành lập, CLB chỉ có 3-4 thành viên, công tác vận động gặp không ít khó khăn vì những năm 1997 – 1998 vấn đề này còn khá mới mẻ, nhiều người cũng còn ngán ngại, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhu cầu cần máu tại các bệnh viện tăng cao, thiếu máu diễn ra trầm trọng, dụng cụ bảo quản và hệ thống sàng lọc còn hạn chế.

Để nâng cao nhận thức của sinh viên về an toàn truyền máu, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, các thầy cô còn đưa vào chương trình giảng dạy. Nhờ vậy, phong trào hiến máu của đoàn viên thanh niên ngày càng lan rộng toàn trường. Từ chỗ chỉ có vài ba thành viên, đến nay, CLB đã thu hút khoảng 100 thành viên nòng cốt và hàng trăm tình nguyện viên. Mỗi tháng, CLB vận động ít nhất 100 đơn vị máu và mỗi khi các bệnh viện có nhu cầu cần máu tăng đột biến thì nhiều bạn trẻ vẫn có mặt để hiến máu kịp thời.

Ngoài việc giảng dạy cho sinh viên tại trường, cô Tuyết cùng đồng nghiệp thường xuyên nói chuyện về máu tại các buổi sinh hoạt Chi đoàn và tuyên truyền vận động người dân tại nơi công cộng. Cô thường nói về sự cần thiết của máu đối với người bệnh và ý nghĩa của hành động hiến máu cứu người, dần dần số người tham gia hiến máu tại Cần Thơ ngày càng đông. Cô cùng các đồng nghiệp và thành viên CLB mong muốn phong trào lan tỏa khắp khu vực nên đã tổ chức các cuộc nói chuyện, vận động hiến máu ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau… Cô kể lại: “Mình nói về lợi ích và an toàn khi truyền máu cho mọi người hiểu, sau đó hiến máu làm mẫu để thuyết phục họ. Động lực cho cả đoàn là được mọi người đồng tình, ủng hộ và niềm vui càng nhân đôi khi máu của mình truyền kịp thời, cứu được người bệnh qua cơn nguy kịch”.

Ký ức về những nguồn máu nóng

Tôi hỏi cô về những kỷ niệm vui, buồn khi hiến máu cứu người, cô cho biết lần đầu hiến máu cũng rất sợ, cũng lo lắng nhưng sau đó thấy sức khỏe tốt và cảm nhận được niềm vui khi bệnh nhân được truyền máu kịp thời, đó là hạnh phúc của cô. Một lần đang đi chợ, nhận tin báo có bệnh nhân bị băng huyết cần truyền máu gấp, cô lập tức đến cho máu và may mắn cứu được sản phụ. Cô Tuyết không nhớ rõ mình đã hiến máu bao nhiêu lần, chỉ biết rằng mỗi giọt máu cho đi là mỗi kỷ niệm khó quên và chưa bao giờ cô từ chối bất cứ một bệnh nhân nào khi họ cần đến cô, nếu không có nhóm máu phù hợp thì cô gọi cho từng hội viên trong CLB của mình đến khi tìm được nhóm máu phù hợp mới thôi.

Cô không thể nào quên được tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào cuối tháng 9 năm 2007. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đau buồn đó cô Tuyết vẫn còn lộ vẻ bàng hoàng. Vào thời điểm đó, khi nhận được tin bệnh viện cần một lượng máu lớn và rất nhanh chóng để cấp cứu những nạn nhân đang trong cơn thập tử nhất sinh, dù đang đi công tác xa thành phố cô đã xin phép để lập tức trở về cùng các đồng nghiệp và sinh viên của mình hiến máu cứu các nạn nhân.

Khi về đến nơi, các tình nguyện viên trong CLB đã có mặt đầy đủ, các bạn vừa hiến máu xong không kịp nghỉ ngơi đã bắt tay vào hỗ trợ các cán bộ y tế lấy máu, tiếp máu và chăm sóc cho người bị nạn. Cô nhớ lại : “Chưa bao giờ tôi thấy người đi hiến máu lại tranh giành như lúc ấy, người sau chen người trước như sợ không tới kịp, khi con số thương vong càng lúc càng lớn và hiến máu cứu người dường như không cần lên tiếng nữa mà nó đã tự lan truyền từ trái tim đến trái tim”.

Cô chợt cười tươi và niềm tự hào ánh lên trong mắt: “Tôi rất tự hào về sinh viên của mình, các em tự sắp xếp và kịp thời hỗ trợ bệnh viện tiếp máu cứu người. Việc làm của tôi là đúng, cụm từ “hiến máu nhân đạo” chưa bao giờ có sức mạnh đến vậy!”.

Hiến máu tình nguyện không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng của mỗi cá nhân khi họ cần có bàn tay nắm lấy lúc nguy nan. Là người đặt dấu chân đầu tiên trên con đường mang giọt máu hồng đến những bệnh nhân đang phải đấu tranh giữa ranh giới sống và chết, cô Hồ Thị Tuyết đã thắp lên ngọn lửa nhân ái trong tim nhiều thế hệ sinh viên ngành y và tuổi trẻ thành phố Cần Thơ.

Bài, ảnh: Thúy Duy, t4g Cần Thơ

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook