Thứ Tư, 27/04/2016 | 16:01

Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân mắc vi rút ZiKa, tuy nhiên là tỉnh có đường biên giáp với Trung Quốc dài, do đó nguy cơ xảy ra dịch cũng lớn. Vì vậy, Ngành Y tế Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh này.

Ngành Y tế Lai Châu chủ động đối phó với dịch bệnh do vi rút ZiKa
Cán bộ trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh ZiKa tại xã Tả Lèng (huyện Tam Đường)

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính Phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh đã ban hành văn bản số 122/SYT- NVY ngày 24/2/2016 yêu cầu các đơn vị liên quan từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút ZiKa gây ra; Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh do vi rút ZiKa cho người dân, tiêu diệt bọ gậy/loăng quăng, diệt trừ muỗi để loại trừ nguy cơ lây bệnh. Người dân được khuyến nghị nên chú ý theo dõi thông tin cập nhật về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuân thủ các quy định về y tế, hạn chế đi đến các vùng có dịch lưu hành, đặc biệt là phụ nữ có thai và có ý định mang thai, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng phối hợp với cán bộ y tế trong các hoạt động cần thiết khi có dịch bệnh xảy ra. Những người nhập cảnh từ vùng dịch về cần chủ động theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày, nếu có sốt, đến ngay cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Sở Y tế chuẩn bị nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút ZiKa bao gồm nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, bảo hộ… tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng và kéo dài tại cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do dịch, tập huấn chuyên môn, chủ động triển khai phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika với các tình huống khi chưa có ca bệnh, khi có có ca mắc đầu tiên và khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Lai Châu là một tỉnh có đường biên giáp với Trung Quốc dài, do đó nguy cơ xảy ra dịch cũng rất lớn. Vì vậy, cùng với việc nhanh chóng triển khai các công văn, hướng dẫn và tham gia đầy đủ các hội thảo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng để giám sát đối với các đối tượng xuất, nhập cảnh có đi, đến, ở từ vùng dịch; chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh do vi rút ZiKa. Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh đã soạn tài liệu, băng đĩa tuyên truyền gửi các Trung tâm y tế, Đài PT – TH tỉnh, Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã soạn tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Ngoài ra, Trung tâm TTGDSK còn tổ chức 40 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú ý đến dịch bệnh ZiKa. Do vậy nhận thức của người dân đã được nâng lên, nhiều gia đình đã chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng tránh nơi trú ẩn của muỗi; phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát. Khi ngủ phải nằm màn, không để con em chơi ở các bờ suối, khu vực có nhiều cây cối, tránh bị muỗi đốt. Với những người thường xuyên đi làm nương rẫy phải ngủ lại, qua tuyên truyền đã chủ động mang màn đi theo, mắc màn cẩn thận, diệt muỗi trước khi đi ngủ.

Anh Sùng A Sua, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian gần đây mình đã nghe nói về dịch bệnh do vi rút ZiKa, hôm nay lại được nghe cán bộ y tế đến tận bản tuyên truyền hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh, mình đã thực hiện theo cán bộ luôn. Trước đây nhà mình hay để các chậu, lu nước ăn không có nắp đậy, các rãnh nước quanh nhà hay ứ đọng… Mình đã dọn dẹp sạch sẽ, không để các lu vại chứa nước bẩn, làm nắp đậy kín vại chưa nước sạch, phát quang bụi rậm quanh nhà và lúc nào cũng nhắc vợ con đi ngủ phải mắc màn”.

Với sự tích cực tuyên truyền của ngành Y tế, nhận thức của bà con đã được nâng lên rẩt nhiều, sự chủ động đối phó với dịch bệnh của bà con là biện pháp hữu hiệu nhất để cùng với ngành Y tế tỉnh đối phó, không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh ta.

Bài, ảnh: Mai Hoa (T4G Lai Châu)

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook