Thứ Tư, 06/04/2016 | 14:00

Tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khuyến cáo thai phụ thời gian này nên tránh đi đến Khánh Hòa, TP HCM là 2 địa phương xuất hiện bệnh nhân Zika.

Khuyến cáo bà bầu tránh du lịch đến vùng có virus Zika

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm virus Zika sẽ siêu âm thai 2 tuần một lần. Ảnh: AP.

Tiến sĩ Trần Danh Cường cho biết, để phòng tránh virus Zika, bà bầu cần hiểu và nắm rõ những con đường lây lan chính của virus là qua đường muỗi đốt, quan hệ tình dục và truyền máu, từ đó chủ động phòng tránh. Ông đặc biệt khuyến cáo thai phụ tuyệt đối không du lịch đến vùng dịch Khánh Hòa và TP HCM để tránh lây nhiễm. Ngoài ra, thai phụ cũng cần có ý thức tự bảo vệ bản thân, phòng tránh lây nhiễm Zika. Dưới đây là những lưu ý của ngành y tế với bà bầu hiện nay:

Những thai phụ chưa nhiễm virus Zika

– Bà bầu nên tránh đi du lịch đến Khánh Hòa, TP HCM trong giai đoạn hiện nay.

– Con đường lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm virus Zika là tránh bị muỗi đốt. Mọi người, nhất là bà bầu cần nằm màn, chống muỗi đốt kể cả ban ngày vì muỗi  Aedes có đặc tính chỉ đốt ban ngày.

– Đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà. 

– Sử dụng các thuốc xua muỗi. Thuốc xua muỗi có thể được xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo.

– Bà bầu nên mặc quần áo che phủ hầu hết bộ phận cơ thể.

– Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ngủ. 

– Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp, đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.

Những thai phụ nghi nhờ nhiễm virus Zika

Thai phụ có các dấu hiệu dưới đây cần đi xét nghiệm Zika ngay:

– Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi

– Mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

– Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

– Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Các trường hợp nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Tuy nhiên người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, chỉ có khoảng 20% biểu hiện nói trên.

Những thai phụ được chẩn đoán dương tính virus Zika

– Nếu đã nghi ngờ thì nên đi siêu âm, chẩn đoán sàng lọc trước sinh theo đúng lịch.

– Không phải thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tại Brazil, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con bị hội chứng đầu nhỏ chỉ dưới 10%. Vì vậy, phụ nữ có thai bị nhiễm virus Zika không nên quá lo lắng mà cần theo dõi và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. 

– Bà bầu dương tính với Zika cần được theo dõi siêu âm thai 2 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

– Các điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Cần thận trọng khi dùng aspirin hay corticoid lúc chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue. Tốt nhất nên thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Ngày 5/4 Bộ Y tế công bố hai trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một nữ bệnh nhân 67 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi tại TP HCM. Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng. Bệnh Zika không nặng bằng sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp không có triệu chứng, tự khỏi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy vậy, có mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm virus ở phụ nữ có thai và hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, vì thế cần theo dõi sức khỏe của phụ nữ mang thai, phụ nữ chuẩn bị mang thai.

Lê Nga

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook