Thứ Năm, 23/03/2017 | 16:30

Bị liệt 2 chân do đau dây thần kinh liên sườn, anh Thành tưởng cả đời sẽ phải nằm một chỗ, song sau 2 lần mổ đã có thể tự đi lại trên đôi chân của mình.

Sau hơn một tuần được mổ thay thân đốt sống, dù vẫn phải ngồi xe lăn nhưng anh Thành vẫn vui vì đã có thể điều khiển được đôi chân của mình. Với cây gậy chống, anh có thể tự đứng lên đi lại được. Ngày 24/3 anh sẽ được xuất viện về căn nhà của mình tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi có mẹ già và cô con gái nhỏ đang đợi bố.

Còn ngồi xe lăn sau ca mổ phức tạp, anh Thành vẫn thấy vui vì có thể điều khiển được đôi chân của mình.

Cuối năm 2015, anh Thành bị đau hai bên liên sườn, khám và điều trị nhiều nơi nhưng không tìm ra căn nguyên, bệnh càng nặng lên. Giữa năm 2016, anh bị liệt hoàn toàn 2 chi dưới. Từ chỗ là trụ cột của gia đình, người đàn ông này phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều cần có người giúp đỡ.

Vài tháng trước anh khám tại Bệnh viên Bạch Mai, sau khi chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện có khối chèn ép tủy phía sau, ảnh hưởng đến dây thần kinh bệnh nhân. Bệnh nhân cần được phẫu thuật 2 lần để giải phóng khối u chèn ép và thay đốt sống nhân tạo do khối u chèn ép dây thần kinh và ăn mòn một thân đốt sống. 4 tháng sau ca mổ đầu, anh đã có thể đi trong nhà với sự hỗ trợ của gậy tập đi 4 chân, dần dần bỏ gậy để đi lại bằng chính đôi chân của mình.

Niềm xúc động của người vợ khi chồng điều khiển được chân.

Mới đây anh quay lại Bệnh viện Bạch Mai để mổ lần 2 thay thân đốt sống. Ca phẫu thuật có sự phối hợp của bác sĩ nhiều chuyên khoa diễn ra vào ngày 15/3. “Chồng mổ xong, vợ vào thăm chỉ hỏi mỗi câu ‘Giơ tay giơ chân xem có bị làm sao không?’, và anh ấy giơ được tay chân. Tôi khóc cũng không khóc được, cười cũng không cười được vì thấy xúc động quá””, chị Thương – vợ anh Thành chia sẻ.

Theo tiến sĩ Hoàng Gia Du, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một ca phẫu thuật rất phức tạp phải mở ngực, vén phổi, vén động mạch chủ để cắt và thay thân đốt sống. Ca mổ đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần một chút sai sót bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Cộng thêm, bệnh nhân có tiền sử suy thận, đã lọc máu chu kỳ 14 năm nên nguy cơ chảy máu, biến chứng cao hơn nhiều lần so với các bệnh nhân khác.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và có thể sinh hoạt, lao động trở lại sau khi ra viện.

Phương Trang

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook