Chứng kiến cái chết của một em bé bệnh tim trong chuyến thăm TP HCM năm 80 thế kỷ trước, giáo sư người Pháp Alain Carpentier quyết định hỗ trợ lập một viện tim chuyên phục vụ người nghèo tại đây.
Một trong hai bệnh nhi đầu tiên được phẫu thuật điều trị bệnh tim miễn phí trong chương trình hợp tác Pháp – Việt. Ảnh: Tư liệu Viện Tim TP HCM. |
Gắn bó với Viện Tim TP HCM từ những ngày đầu thành lập, Viện trưởng Đỗ Quang Huân nhớ lại vào những năm 80 của thế kỷ trước, lĩnh vực phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam còn rất lạc hậu. Vì chưa có thiết bị hỗ trợ chạy tim phổi ngoài cơ thể nên các bệnh viện chưa thể mổ tim hở mà chỉ thực hiện được mổ tim kín, tức là rạch một đường liên sườn rồi khâu hoặc nong van 2 lá. Song chỉ định phẫu thuật cũng rất dè dặt, số ca được mổ hạn chế. “Hàng nghìn bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh lần lượt qua đời vì không được phẫu thuật kịp thời”, ông kể.
Tiến sĩ Dương Quang Trung, thời ấy là Giám đốc Sở Y tế TP HCM rất lo lắng bởi số lượng bệnh nhân tim ngày càng tăng trong khi việc điều trị bằng thuốc chỉ tạm thời chữa các biến chứng chứ chưa giải quyết tận gốc những tổn thương thực thể trong tim. Nếu không có phẫu thuật tim với máy tim phổi nhân tạo, người bệnh không thể sống được.
Trước thực trạng đó, vị Giám đốc Sở đã đích thân sang Pháp gặp 2 giáo sư nổi tiếng về phẫu thuật tim mạch là Alain Carpentier và Alain Deloche để đề nghị hỗ trợ Việt Nam thành lập một bệnh viện chuyên sâu có khả năng phẫu thuật điều trị các bệnh lý ở tim. Tuy nhiên, cả 2 vị giáo sư đều từ chối vì cho rằng Việt Nam còn nhiều vấn đề cấp bách với tỷ lệ bệnh nhân nhiều hơn như lao, sốt rét cần giải quyết trước. Sau 2 lần bị từ chối, ông Trung không nản lòng mà kiên nhẫn mời giáo sư Alain Carpentier sang tham quan Việt Nam để hiểu hơn về những khó khăn mà ngành y tế đang gặp phải.
Lần đầu đến TP HCM, giáo sư Alain Carpentier chạnh lòng khi chứng kiến một em bé toàn thân tím tái do mắc tứ chứng Fallot. Đây là bệnh hiếm gặp bao gồm 4 khuyết tật tim bẩm sinh ảnh hưởng đến cấu trúc của tim làm cho máu trong tim nghèo oxy, do đó cơ thể người bệnh thường có màu xanh tím. Giây phút đứa trẻ trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhi Đồng đã ám ảnh tâm trí của vị bác sĩ đầu ngành tim mạch của Pháp. Ông nhận lời giúp thành lập một bệnh viện có thể mổ tim ngay tại TP HCM, với tôn chỉ “Phi lợi nhuận và phục vụ bệnh nhân nghèo”. Toàn bộ trang thiết bị và công tác đào tạo nhân lực do Pháp hỗ trợ.
Giáo sư Alain Carpentier (phải) chụp ảnh cùng một bệnh nhi tại Viện Tim TP HCM. Ảnh: Tư liệu Viện Tim TP HCM. |
Được sự bảo trợ của giáo sư Alain Carpentier và Alain Deloche, Sở Y tế TP HCM đã cử đoàn bác sĩ tiên khởi qua Pháp học gồm 2 phẫu thuật viên, 2 bác sĩ nội tim mạch, 2 bác sĩ gây mê hồi sức, một ê kíp điều dưỡng. 2 năm sau các tu nghiệp sinh trở về nước bắt đầu gầy dựng nên đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu về tim mạch đầu tiên ở miền Nam. Đầu những năm 90, lãnh đạo TP HCM hỗ trợ về cơ sở vật chất để xây dựng Viện Tim trên một khoảng đất rộng vốn là sân thể thao của sinh viên trường đại học quân y.
Năm 1992 những ca phẫu thuật tim đầu tiên được thực hiện tại Viện Tim TP HCM. Ca thứ nhất là đóng lỗ thông liên nhĩ cho một bệnh nhi bị dị tật thông liên nhĩ nặng. Ca thứ hai là đóng lỗ thông liên thất cho một bệnh nhân. Ca thứ ba sửa van 2 lá cho một thanh niên. Tất cả bệnh nhân đều được mổ miễn phí. “Trong 2 năm đầu, các chuyên gia Pháp sang TP HCM đứng bên cạnh hướng dẫn bác sĩ Việt Nam mổ từng ca một. Sau này bác sĩ Việt mổ tốt rồi thì bác sĩ Pháp không phải sang thường xuyên như trước nữa“, bác sĩ Huân kể.
Là một trong những phẫu thuật viên đầu tiên tham gia ê kip mổ cùng các chuyên gia Pháp lúc bấy giờ, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phan, Phó giám đốc Ngoại Khoa, Trưởng khối Phẫu thuật, nhớ như in ca đầu tiên được mổ là bệnh nhi 12 tuổi bị dị tật thông liên nhĩ nặng. Gia đình em ở miền Tây rất nghèo nên không có tiền chạy chữa, em chỉ uống thuốc cầm cự ngày nào hay ngày ấy.
Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhi bị thông liên nhĩ làm tăng lưu lượng máu lên phổi, tăng áp lực động mạch phổi, nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu bé không điều trị sớm, đến một lúc nào đó sẽ dẫn tới suy tim không thể phục hồi. Ê kíp quyết định áp dụng kỹ thuật đóng lỗ thông liên nhĩ bằng màng ngoài tim tự thân cho bệnh nhân. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả lâu dài, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống như một người bình thường mà không phải lo màng chắn lỗ thông bị đào thải như khi dùng vật liệu nhân tạo.
Hiện nay kỹ thuật điều trị lỗ thông liên nhĩ có nhiều tiến bộ và được áp dụng thường quy tại hầu hết các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch. Song, bác sĩ Phan nói rằng vào những năm 1990 kinh tế đất nước còn khó khăn, trình độ y học còn nhiều hạn chế thì việc can thiệp điều trị bệnh này được xem là một “kỳ tích”. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhi hồi phục rất tốt, trái tim hoạt động ổn định như một đứa trẻ bình thường. Kỷ niệm ngày thành lập Viện mới đây, cậu bé bệnh tim ngày ấy hiện ở tuổi 36 đã đến tham dự và bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ giúp đỡ mình có được trái tim lành lặn.
Các bác sĩ Viện Tim đang thực hiện một ca phẫu thuật thông tim. Ảnh: Tư liệu Viện Tim TP HCM. |
Sau những ca mổ đầu tiên thành công, hàng nghìn bệnh nhân từ Bắc chí Nam, từ Cà Mau, Hà Nội và các tỉnh miền xa tìm đến Viện Tim TP HCM để được mổ. Bác sĩ Huân kể thời ấy máy bay không có nhiều lại ít chuyến nên đa phần người dân phải di chuyển bằng tàu hỏa hoặc xe đò. Đặc biệt là bệnh nhân miền Bắc phải mất 3 ngày mới tới được TP HCM nên rất vất vả. Họ phải trải qua quy trình khám và xét nghiệm rồi quay về nhà chờ kết quả, vài lần như vậy mới được mổ.
Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng mà quy mô bệnh viện không đáp ứng xuể. Cao điểm có đến 10.000 người đăng ký chờ phẫu thuật, trong số đó nhiều bệnh nhân chưa kịp lên bàn mổ đã tử vong vì bệnh diễn tiến nặng. Để giải quyết tình trạng quá tải, Sở Y tế, các giáo sư Pháp, Ban giám đốc Viện Tim và lãnh đạo thành phố đã ngồi lại bàn tìm giải pháp. Tất cả thống nhất phương án tối ưu là chuyển giao kỹ thuật mổ tim cho nhiều bệnh viện khác như Trung ương Huế, Tim Hà Nội, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Thống Nhất, 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM…
Công cuộc chuyển giao thành công đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Không còn tình trạng người dân phải chờ đợi đến lượt phẫu thuật, không còn cảnh người bệnh phải cất công từ Bắc vào Nam điều trị. Hầu hết bệnh nhân được mổ tim và theo dõi hậu phẫu ngay tại địa phương. Hàng chục nghìn bệnh nhân đã được điều trị thành công nhờ các kỹ thuật mổ tim tiên tiến nhất thế giới mà chi phí rẻ hơn rất nhiều so với ra nước ngoài điều trị.
Viện Trưởng Đỗ Quang Huân cho biết, từ ngày đầu thành lập đến nay, Viện luôn trung thành với tôn chỉ được các giáo sư Pháp đề ra là phi lợi nhuận, tự cân đối thu chi, điều trị bệnh lý tim mạch sử dụng những kỹ thuật tiên tiên nhất thế giới, tiến hành chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Trung bình mỗi ngày Viện tiếp nhận và điều trị khoảng 1.000 bệnh nhân từ trẻ sơ sinh đến các cụ trên 90 tuổi, trong đó khoảng 30% trường hợp được trợ giúp hoàn toàn hoặc một phần viện phí.
Đến nay có hơn 25.000 bệnh nhân được điều trị tại Viện Tim. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch, nong van đặt lỗ thông bằng dù cho 24.000 trường hợp bị hẹp hoặc thông liên nhĩ, liên thất. Hầu hết bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ viện phí thông qua Hiệp hội Alain Carpentier, hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và các tổ chức từ thiện trong nước. Hiện nay Viện Tim còn duy trì một Phòng khám tim Quốc tế ở trung tâm thành phố với 8 bác sĩ Pháp túc trực ngày đêm. Toàn bộ doanh thu từ cơ sở này được dùng vào công tác từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.