Vừa qua, đã xảy ra dịch bệnh bạch hầu tại một số xã thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, đã ghi nhận 10 ca bệnh bạch hầu, trong số đó có 03 ca tử vong, 03 ca lâm sàng và 04 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính, có 49 trường hợp khác có các triệu chứng của bạch hầu đã được chuyển đến các bệnh viện với chỉ định điều trị theo phác đồ. Đối phó với dịch bệnh, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo Bình Phước; một số tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh. Tuy Khánh Hòa không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào từ đầu năm đến nay, nhưng trước diễn biến của dịch bệnh này tại tỉnh Bình Phước, với cách làm khoa học, kịp thời đã giúp ngành Y tế Khánh Hòa chủ động trong công tác phòng dịch bệnh.
Ứng phó kịp thời
Ngay khi có thông tin về diễn biến dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh Bình Phước, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế của tỉnh tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm dịch bệnh để điều trị kịp thời, hạn chế tử vong. Sở Y tế đã có Công văn số 1711/SYT-NVY ngày 20/7/2016 chỉ đạo: các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe; Trung tâm y tế các huyện, thị… theo chức năng nhiệm vụ của mình tăng cường thực hiện các biện pháp giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch nếu có; chuẩn bị về cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân; tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, đảm bảo trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 liều vắc xin Quinvaxem (DPT-VGB-Hib trong đó có thành phần phòng bệnh bạch hầu); tuyên truyền cho các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch. Các Tổ y tế hàng tháng tổ chức tiêm vét cho những trẻ phải hoãn tiêm để đảm bảo phòng bệnh. Các Trung tâm y tế chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản và mũi nhắc lại, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các cơ sở điều trị tuyến tỉnh và tuyến huyện đều đã chuẩn bị các phương án cách ly khi điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
TS.BS. Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, bạch hầu là một loại bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn có tên Corynebacterium Diphteriae gây nên. Bệnh thuộc nhóm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và gây dịch. Nguồn truyền nhiễm Bệnh chủ yếu là từ người sang người (người bệnh, người khỏi bệnh mang vi khuẩn và người lành mang vi khuẩn). Đa số những người mắc bệnh đều giải phóng vi khuẩn trong 2 tuần lễ đầu của thời kỳ khỏi bệnh. Một số người còn có thể mang vi khuẩn trong một thời gian dài hơn từ 3- 4 tháng cho tới vài năm. Bệnh bạch hầu rất dễ lây qua không khí và giọt bắn nhỏ. Vì vậy, chuẩn bị vào thời điểm năm học mới, Sở Y tế tỉnh đã có công văn số 1237/SGDĐT-CTTT ngày 27/7/2016 đề nghị ngành Giáo dục chỉ đạo các đơn vị của ngành tăng cường theo dõi sức khỏe trẻ em ở các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; thường xuyên vệ sinh nhà trẻ, lớp học, thực hiện cách ly kịp thời và thông báo cho đơn vị y tế gần nhất khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu; yêu cầu các đơn vị y tế trường học thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu trong nhà trường cũng như tuyên truyền biện pháp phòng bệnh, tiêm vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là thực hiện tốt công tác tiêm chủng
Thực tế cho thấy dịch bạch hầu xảy ra tại các xã của huyện Đồng Phú chủ yếu ở nhóm từ 6-26 tuổi hoặc những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin có thành phần vắc-xin bạch hầu. TS.BS. Lê Tấn Phùng cho biết: nếu như trẻ em không được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu, thì rất dễ bị nhiễm khuẩn và mắc bệnh. Người ta thấy bệnh bạch hầu không có tính chất bùng nổ dịch như bệnh sởi. Đầu tiên thấy một vài trường hợp mắc bệnh, sau một thời gian yên tĩnh lại thấy dịch bệnh tái xuất hiện; những đợt dịch bệnh tăng, giảm nối tiếp nhau hàng tháng, đôi khi hằng năm. Mắc bệnh bạch hầu chủ yếu là trẻ em trước tuổi đi học và học sinh nhỏ tuổi. Sở dĩ như vậy là do trẻ không có miễn dịch. Tuy nhiên nếu tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt cao trên 95% dịch bạch hầu sẽ được khống chế. Theo số liệu Giám sát bệnh truyền nhiễm tại tỉnh khánh Hòa trong rất nhiều năm qua không phát hiện bệnh bạch hầu. Song song với việc này là tỷ lệ tiêm phòng bệnh cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng luôn đạt trên 95%.
Xác định làm tốt công tác tiêm chủng là nên tảng vừng trãi trong phòng ngừa bệnh dịch, không chỉ riêng đối với bệnh bạch hầu, công tác tiêm chủng cho trẻ em tại tỉnh Khánh Hòa trong nhiều năm qua đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quan tâm thực hiện. Tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ liều các loại vắc xin trên toàn tỉnh luôn đạt tỷ lệ trên 95%. TS.BS. Lê Tấn Phùng cho biết, hiện nay, tại Khánh Hòa, 100% cơ sở tiêm chủng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng. Bên cạnh đó, Sở Y tế, các Phòng Y tế liên tục kiểm tra, giám sát theo phân cấp để các cơ sở tiêm chủng tiếp tục duy trì các điều kiện an toàn tiêm chủng đã đạt được. Đảm bảo tất cả các cơ sở tiêm chủng thuộc mạng lưới tiêm chủng mở rộng luôn duy trì chất lượng và các tiêu chuẩn của cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Với cách làm quyết liệt, kịp thời, có chiều sâu trong phòng dịch, ngành Y tế Khánh Hòa vẫn đang thầm lặng thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, từng ngày, từng giờ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.