Thứ Ba, 04/10/2016 | 02:50

Dự thảo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội” đang được đưa ra lấy ý kiến. Xung quanh quy định này còn nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Nguyễn Thành Lập (Quận Hai Bà Trưng):Không cần cấm xe máy

Theo quy luật phát triển kinh tế – xã hội tất yếu khách quan, sớm hay muộn, nhanh hay chậm, nước ta nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng sẽ ô tô hóa mọi nhà, mọi gia đình.

Đến lúc ấy thành phần xe chạy trên đường bộ chủ yếu sẽ là xe ô tô 4 bánh; chứ không phải mô tô, xe gắn máy 2 bánh như bây giờ.

Vì vậy trước tiên, đòi hỏi cơ quan quy hoạch kiến trúc xây dựng hết sức chuẩn mực. Chẳng hạn, phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu (theo Tiêu chuẩn kỹ thuật) giữa 2 dãy nhà phố (bên chẵn, bên lẻ) song song, liên quan bề rộng lòng đường, vỉa hè…

Đồng thời mở mang mạng lưới đường phố, điểm đỗ, ga ra xe hơi… và tổ chức giao thông hiện đại, để đáp ứng với thành phần phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe ô tô.

Tôi cho rằng đến năm 2025 (9 năm nữa) với sự phát triển kinh tế – xã hội (như phần đầu đã nêu); xe ô tô 4 bánh sẽ thịnh hành chủ yếu trên đường phố Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, cùng với các thành phần phương tiện giao thông công cộng phát triển như xe ô tô buýt, tàu điện trên cao và tàu điện ngầm…

Vì thế xe gắn máy và mô tô 2 bánh (gọi chung là xe máy) sẽ là thứ yếu-không cần cấm.

Chị Vũ Thu Hà (quận Long Biên):Không khả thi

Hiện nay hầu hết các cơ quan đều tập trung trong thành phố, nếu cấm xe máy thì cán bộ, công chức, viên chức dùng phương tiện gì để đến nơi làm việc. Đi xe buýt thì giờ đi làm quá tải, lại không đúng tuyến, dễ chậm giờ làm.

Không lẽ ngày nào cũng phải đi taxi đi làm, trong khi lương của công chức, viên chức rất thấp, để đảm bảo cuộc sống hàng ngày tại Hà Nội còn khó khăn. Đưa ra đề xuất như vậy là chưa quan tâm đến cuộc sống, cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân.

Anh Hà Văn Thắng (quận Cầu Giấy):Đừng đùn việc khó cho dân

Cần phải biết nghiên cứu và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề phát sinh, không thể đưa ra hình thức kiểu cứ khó là đẩy phần khó cho dân như vậy.

Hiện phương tiện công cộng (chủ yếu là xe buýt) mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân, nếu cấm xe máy thì người dân chỉ còn nước… đi bộ.

Ngoài việc mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại, xe buýt cũng chỉ đưa người tham gia loại hình giao thông này tới những phố chính, còn các đường ngang ngõ tắt như bàn cờ của Hà Nội thì sao đây?

Tôi cho rằng đừng có “bê” giải pháp của các nước vào áp dụng tại Việt Nam, bởi mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có điều kiện kinh tế xã hội rất khác nhau nên cách điều hành cũng không thể giống nhau được.

Hải Phong (ghi)

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook