Thứ Hai, 07/09/2015 | 01:31

Nhập viện vì thận ứ nước, có tiền sử bị dị ứng thuốc kháng sinh, bà Xuân (Gò Vấp, TP HCM) được đeo vòng tay bệnh nhân màu đỏ dành cho người dị ứng thuốc.

Cứ đến lượt chích thuốc, truyền dịch hay lấy máu…, người phụ nữ 60 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được điều dưỡng vào tận giường vừa hỏi han tên tuổi địa chỉ vừa nhìn đối chiếu thông tin trên vòng tay khiến bà rất yên tâm không sợ bị nhầm lẫn. 

Bà Xuân bị dị ứng kháng sinh ambicilin rất nặng, chỉ cần nghe mùi là chóng mặt, buồn nôn, khó thở. “Vào viện tôi được hỏi han rất kỹ và được đeo vòng tay màu đỏ có tên, tuổi, địa chỉ, mã số nằm viện. Khi tôi thắc mắc tại sao các bệnh nhân khác đều đeo màu khác thì được giải thích là do tôi bị dị ứng thuốc nên có sự phân biệt rõ ràng”, bà Xuân chia sẻ. 

Tại bệnh viện, ngoài vòng tay màu xanh (dành cho bệnh nhân bình thường), màu đỏ (bệnh nhân dị ứng thuốc) thì bệnh nhân có nguy cơ té ngã (gãy chân, chấn thương, sau mổ, người già…) được đeo vòng tay màu vàng để mọi người chú ý.

Do có tiền sử dị ứng thuốc, bà Xuân được đeo vòng tay thông tin màu đỏ. Ảnh: Lê Phương.

Do có tiền sử dị ứng thuốc, bà Xuân được đeo vòng tay thông tin màu đỏ. Ảnh: Lê Phương.

Từng trải qua phản ứng bất đồng nhóm máu khi bị truyền nhầm máu, mỗi lần đi viện ông Nguyên (quận 7, TP HCM) luôn chủ động xưng tên họ dù được hỏi hay không mỗi khi điều dưỡng đến thực hiện bất kỳ thao tác gì.  “Khi ấy do giường tôi nằm 2 người, cô điều dưỡng đi lấy máu xét nghiệm nhưng tôi ra ngoài mua đồ ăn nên lấy nhầm của người nằm cùng giường do không hỏi tên mà chỉ nhìn số giường. Đến lúc thay ca trực, cô điều dưỡng khác đem máu đến thì lại truyền đúng tên cho tôi nên mới xảy ra nhầm lẫn”, ông Nguyên chia sẻ.

Việc nhầm lẫn, nhận dạng sai người bệnh trong các cơ sở y tế không phải là hiếm gặp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sai sót, rủi ro trong y khoa. Hậu quả có thể từ nhẹ đến nặng. Nhẹ như tính tiền sai, phát nhầm đồ ăn nhưng cũng có thể rất nặng nề như chích nhầm thuốc, mẫu xét nghiệm nước tiểu của người này lại để trong lọ người khác, truyền nhầm nhóm máu, phẫu thuật sai, trả nhầm em bé cho gia đình…. Thống kê tại Anh, quốc gia hàng đầu thế giới khác về khả năng quản lý chất lượng cho cơ sở y tế cho thấy chỉ trong 2 năm 2006-2007 đã nhận được 24.382 báo cáo của các cơ sở y tế về việc chăm sóc nhầm người bệnh. 

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh, chuyên gia về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh cho biết tại Việt Nam, vấn đề nhận diện sai người bệnh dẫn đến những sai sót là rất thường gặp, nhất là với tình hình người bệnh trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh, quê quán… Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng gần như cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nào cũng phải đối diện với nguy cơ nhầm lẫn người bệnh mỗi ngày. Hiện tại vấn đề nhận dạng đúng người bệnh đang được cả thế giới quan tâm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức về an toàn người bệnh đưa mục tiêu nhận dạng đúng người bệnh lên hàng đầu. Bộ Y tế, các Sở Y tế cũng rất quan tâm và đưa vào trong khuyến cáo, trong tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, triển khai các chương trình huấn luyện. 

Nhận diện người bệnh được một số bệnh viện nước ta áp dụng trong khoảng 5 năm nay. Năm 2014, Bộ Y tế triển khai 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó, cũng có tiêu chí nhận dạng đúng người bệnh. Đây là cơ sở giúp các hoạt động triển khai nhận diện bệnh nhân được bài bản và quy củ hơn. Theo khuyến cáo của WHO, một bệnh nhân khi vào bệnh viện cần được nhận dạng dựa trên các đặc điểm như giới tính, họ tên, năm sinh, nơi ở, mã số nhập viện. Tùy theo tính chất bệnh viện sẽ chọn ít nhất 2 trong 5 yếu tố trên. 

Đa số các bệnh viện hiện nay sử dụng vòng đeo tay nhận diện bệnh nhân có 3 màu: xanh (bệnh nhân bình thường), đỏ (dị ứng thuốc), vàng (có yếu tố nguy cơ). Thông tin Ảnh: Lê Phương.

Đa số các bệnh viện hiện nay sử dụng vòng đeo tay nhận diện bệnh nhân có 3 màu: xanh (bệnh nhân bình thường), đỏ (dị ứng thuốc), vàng (có yếu tố nguy cơ). Ảnh: Lê Phương.

Vừa triển khai đeo vòng tay nhận diện người bệnh mới đây, Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM) quy định các trường hợp nhập viện, ngay từ phòng nhận bệnh, bệnh nhân sẽ được “nhận diện” bằng cách đeo vòng tay (màu xanh lá cây) với các thông tin về họ tên, năm sinh, số nhập viện. Các bệnh nhân có vấn đề đặc biệt như nguy cơ dị ứng thuốc (màu đỏ), bệnh nhân có các bệnh lý cần theo dõi sát như tiền sản giật, nhau tiền đạo, thai ngoài tử cung… (màu vàng).

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Thị Thẩm, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp – Quản lý Chất lượng Bệnh viện Mỹ Đức cho biết khi bàn giao bệnh giữa các khoa phòng, khi bác sĩ thăm khám hay làm thủ thuật/phẫu thuật, trước khi nhân viên y tế thực hiện tiêm thuốc, chăm sóc vết thương…, người bệnh sẽ được đề nghị tự đọc rõ họ tên, năm sinh của mình. Các nhân viên y tế sẽ đối chiếu với thông tin trên vòng đeo tay cùng với thông tin trên hồ sơ. Đối với những trường hợp chuẩn bị sinh hay mổ lấy thai, trước khi vào sinh hay mổ, người mẹ sẽ được yêu cầu kiểm tra các thông tin trên lắc tay của bé (họ tên, năm sinh của mẹ) và ký tên xác nhận. Ngay sau khi bác sĩ vừa lấy em bé ra khỏi cơ thể người mẹ, bé sẽ được đeo vòng đeo tay này.

Theo bác sĩ Thẩm, một trong những lo lắng rất chính đáng của các ông bố bà mẹ khi đi sinh là không biết con mình có bị giao nhầm hay không. Bệnh viện đã xây dựng một quy trình nhận diện cho bé ngay từ khi vừa sinh ra khỏi bụng mẹ cho đến khi bé được xuất viện cùng mẹ, thông qua các vòng đeo tay (có chữ ký xác nhận của mẹ) và mực vẽ tên trên đùi của bé. Trong thực tế đã có trường hợp sau sinh, chồng sản phụ hỏi bác sĩ là “có nhầm con tôi với người khác không, vì nhìn sao không thấy… giống ai trong gia đình cả”. Chính nhờ những quy trình chặt chẽ như trên mà gia đình được thuyết phục và yên tâm nhận bé về.

Trong giai đoạn vừa triển khai, các nhân viên y tế gặp phải không ít phàn nàn, phản đối từ phía người bệnh cũng như sự khó chịu từ phía người thân với suy nghĩ là nhân viên y tế không nhớ bệnh, nhân viên y tế đang làm khó. Nhiều tình huống dở khóc dở cười mà hầu như nhân viên y tế nào cũng gặp phải như “Trời ơi, tui nằm đây cả tuần mà ngày nào ai cũng vào hỏi tên là sao? Bệnh viện gì mà không nhớ nổi tên bệnh nhân…” hay “Tên tui hả, có trong hồ sơ rồi đó bác sĩ”, “Mệt quá, tui đang đau bụng quá, vô đây để đẻ chứ có phải đi học đâu mà cứ hỏi họ với tên”…

Bác sĩ Thẩm đánh giá, sau một thời gian triển khai, rút kinh nghiệm, bệnh viện đã chủ động cung cấp thông tin cho người bệnh và thân nhân thông qua các tờ rơi, bảng tin về chương trình nhận dạng người bệnh. Khi đã hiểu rõ đây chính là quyền lợi của mình, đa số bệnh nhân đã hợp tác rất tốt. Có chị thuộc lòng đến nỗi ngay khi vừa thấy bóng dáng bác sĩ gần đến là tươi cười đưa tay lên và đọc “Nguyễn Thị A, 1983”. Nhân viên bệnh viện vui vì thấy công việc sinh động hơn ngày thường do thái độ vui vẻ của bệnh nhân, quan trọng hơn là bản thân nhân viên thấy như mình luôn được nhận được tín hiệu nhắc nhở sự cẩn trọng và chính xác trước khi “tác nghiệp” với bệnh nhân.

Điều dưỡng trưởng Cao Thị Kim Liên, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết từ lúc triển khai đeo vòng tay nhận diện bệnh nhân với 4 thông tin về TONI (viết tắt của Họ Tên, Ở đâu, Năm sinh, Mã số ID), việc nhầm lẫn hầu như rất ít xảy ra. Những bệnh nhân tỉnh táo nói chuyện được có thể dễ dàng hỏi, riêng những bệnh nhân hành vi không kiểm soát được, tri giác lú lẫn, hôn mê, trẻ em… không thể hỏi được thì vòng tay thông tin giúp ích rất nhiều. Nhân viên y tế khi có sai sót trong những trường hợp này thì sẽ bị quy vào lỗi cá nhân chứ không còn là lỗi hệ thống.

“Đeo vòng không có nghĩa là không hỏi thông tin bệnh nhân mà vừa hỏi vừa nhìn thông tin trên vòng để đối chiếu, dù trong bất cứ tình huống bận rộn nào. Không được hỏi câu hỏi đóng mà phải hỏi câu hỏi mở. Ví dụ hỏi đúng là “Chị tên gì, chị bao nhiêu tuổi, địa chỉ nhà chị ở đâu”, chứ nếu hỏi “Chị có phải tên Nguyễn Thị A, Nguyễn Thị B, ở xa không” thì rất dễ nhầm lẫn”, điều dưỡng Liên chia sẻ.

Lê Phương

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook