Thứ Ba, 27/06/2017 | 12:13

Theo Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng, muốn tránh cận lại, phải đảm bảo trước đó kính không tăng quá 0,5 đi ốp trong 2 năm…

Trong thời gian diễn ra buổi tư vấn trực tuyến giải pháp điều trị tật khúc xạ mắt sáng ngày 27/6, hai bác sĩ khách mời đã nhận được hàng trăm câu hỏi từ độc giả. Nhiều vấn đề liên quan tới giải pháp điều trị tật khúc xạ đã được giải đáp như lưu ý trước và sau khi mổ mắt; các phương pháp tiên tiến nhất hiện nay…

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND (Hà Nội) cho biết không phải đối tượng nào cũng có thể mổ các tật khúc xạ về mắt. Theo đó, bệnh nhân phải thăm khám, tìm hiểu phương pháp, cơ sở điều trị kỹ trước khi quyết định.

Ngoài ra, người bệnh phải đảm bảo đeo kính trong 2 năm không tăng quá 0,5 đi ốp, lúc đó mổ sẽ không tái cận. Để giữ mắt ổn định sau điều trị tật khúc xạ, bệnh nhân không nên nhìn gần, tập trung trong thời gian dài, cứ một tiếng nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút. Bên cạnh đó, người bệnh nên sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều tiết và nước mắt nhân tạo, ít nhất trong 3 tháng đầu sau mổ, đồng thời khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để có tư vấn cụ thể cho từng thời điểm…

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

– Con trai tôi 12 tuổi bị cận 1 bên 3,75 độ, 1 bện 1.75 độ (cận lúc 9 tuổi). Xin bác sĩ cho biết với kỹ thuật tiên tiến hiện nay con tôi có điều trị được không, nếu được chi phí bao nhiêu ạ? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Duyên, 48 tuổi, 198/2 Trần Kế xương, phường 7, quận Phú Nhuận)

– Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh – Trưởng khoa phẫu thuật Bệnh viện Mắt Quốc tế DND:

Chào bạn, cháu dưới 18 tuổi nên chưa thực hiện được các biện pháp phẫu thuật tật khúc xạ mắt. Tuy nhiên, ngoài đeo kính gọng, bạn có thể sử dụng thêm biện pháp khác cho con như đeo kính áp tròng cứng ban đêm. Để biết con có phù hợp với phương pháp này không, bạn cần đưa con đến các cơ sở chuyên khoa mắt khám, xác định số kính chính xác, đo công suất giác mạc, chụp bản đồ giác mạc từ đó có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ. 

Chi phí cho phương pháp đeo kính áp tròng dao động từ 10 đến 16 triệu trên 2 mắt kính.

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND.

– Thưa bác sĩ, cháu năm nay 26 tuổi, cận 5 đi ốp. Cháu muốn mổ nhưng mọi người bảo mổ xong mắt hay bị khô và có thể cận lại. Cháu nên chọn phương pháp mổ nào có thể đảm bảo không bị cận lại nữa. (Đỗ Long, 26 tuổi, Cầu Giấy, Hà nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND:

Thân chào bạn Long,

Bạn 26 tuổi, đủ tuổi để mổ được và khi mổ sẽ đảm bảo đúng với số độ cận. Bạn phải đảm bảo đeo kính trong 2 năm không tăng quá 0,5 đi ốp, lúc đó mổ sẽ đảm bảo không tái cận. Các phương pháp hiện nay hạn chế tối đa khô mắt, nên bạn không cần quá lo lắng.

– Chào bác sĩ, con nhà em năm nay 7 tuổi, cháu được hạn chế tối đa chơi máy tính và có chơi thể thao ngoài trời, nhưng gần đây cháu hay nheo nheo mắt. Kiểm tra nhìn xa thì cháu vẫn đọc được. Bác sĩ tư vấn giúp nên dùng thuốc bổ gì cho mắt để bồi dưỡng thêm cho cháu. Xin cảm ơn bác sĩ. (Thu Phương, 30 tuổi, Trung Kính, Hà nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng :

Chào bạn,

Cháu hay nheo mắt, bạn nên đưa cháu đi khám nhãn khoa để biết chính xác tình trạng. Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc phù hợp.

– Em bị cận mỗi bên 3-4 độ, sinh hoạt và học tập, thể thao rất bất tiện. Em muốn mổ nhưng được tư vấn một số phương pháp, mọi người nói là can thiệp mổ cận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lớp giác mạc, làm mỏng giác mạc đi, mà lớp đó là quý giá nhất, không nên can thiệp vào. Xin bác sĩ tư vấn thêm. (Như Trang, 28 tuổi, Cầu Giấy, Hà nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng :

Khi mổ cận, bác sĩ sẽ lấy một phần trên lớp nhu mô giác mạc, nên giác phải phải đủ độ dày cho phép là 570 micromet nhằm đảm bảo sau mổ không làm biến dạng cấu trúc giác mạc. Nhiều nghiên cứu theo dõi mắt sau mổ 10-20 năm và cho thấy các kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Hiện tại, có một số phương pháp đang được áp dụng rộng rãi và an toàn cho bệnh nhân như Relex Smile, Smart Surface, Femto-Lasik. Bạn có thể chọn một trong 3 phương pháp này để đảm bảo kết quả mổ tốt.

– Con trai tôi năm nay 7 tuổi. Bé bị loạn thị một bên mắt trái đến 2 độ. Bên mắt phải thì cận thị 0.5 độ. Bác sĩ cho tôi hỏi làm sao có thể hạn chế cho bé không tăng độ và có cách nào chữa được cho bé không? Nguyên nhân có phải do ngồi học sai tư thế không vì cho bé chơi các thiết bị công nghệ và chỉ xem tivi trước khi ngủ khoản hơn một tiếng. Xin cảm ơn bác sĩ! (Huỳnh Lê Trúc Thanh, 30 tuổi, 1693/35A nguyễn duy trinh.f trường thạnh.Q9)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Ở các bé đang ở độ tuổi đi học, tật khúc xạ xuất hiện do nhiều nguyên nhân như ngồi sai tư thế, ánh sáng không đủ, thường xuyên nhìn gần trong thời gian dài khiến mắt phải liên tục điều tiết. Các yếu tố này cũng là nguyên nhân gây tăng độ. 

Tật loạn thị là do công suất giác mạc ở 2 kinh tuyến không đều nhau, phần lớn do bẩm sinh hoặc cấu tạo mi mắt như mắt một mí, sụp mi… Vì vậy, những nguyên nhân bên trên không làm thay đổi nhiều đến độ loạn thị mà có thể gây ra xuất hiện và tăng độ cận thị.

Bạn cũng nên chú ý về tư thế học, ánh sáng, hạn chế thời gian chơi các thiết bị điện tử dưới 30 phút mỗi ngày. 

Hiện tại, ở tuổi của con chỉ có biện pháp đeo kính gọng là phù hợp. Bạn nên cho con đeo kính số và khám mắt định kỳ 3 tháng một lần.

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh – Trưởng khoa phẫu thuật Bệnh viện Mắt Quốc tế DND.

– Thưa bác sĩ. Con gái tôi 23 tuổi, bị cận năm 8 tuổi. Hiện nay bị cận 1 bên 3,75 độ, một bên cận 7 độ. Xin bác sĩ cho biết với mức độ cận lệch như vậy cháu có thể điều trị khúc xạ được không? Bằng phương pháp nào? Xin cảm ơn bác sĩ. (Lê Thị Nguyệt, 50 tuổi, Thanh Hóa)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng :

Về nguyên tắc khi đeo kính, người ta không đeo kính khi 2 mắt chênh lệch quá 2 đi ốp. Con gái bạn nên ưu tiên giải pháp mổ cận thay vì đeo kính. Để quyết định phương pháp nào, cần phải khám và kiểm tra độ dày giác mạc, xem có trong giới hạn mổ được không.

– Thưa bác sĩ, em năm nay 25 tuổi. Sức khỏe tốt. Mắt cận lệch, một bên 1,5 độ, một bên 3 độ. Em muốn phẫu thuật, tuy nhiên hiện đang mang bầu. Vậy bác sĩ cho em hỏi sau khi đẻ xong bao lâu em có thể phẫu thuật an toàn? Thời gian để mắt phục hồi hoàn toàn là bao lâu? Chi phí phẫu thuật khoảng bao nhiêu ạ? (Bùi Thị Thùy Linh, 25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng :

Chào bạn,

Khi đang mang bầu thì không thể phẫu thuật mắt được, do quá trình thai nghén dẫn đến thay đổi các nội tiết tố, làm tăng độ cận, gây sai số trong quá trình mổ. Trong giai đoạn mang thai, nên khám để có số đo sau này làm dữ liệu so sánh giữa trước và sau sinh, nhằm chọn cho mình số đi ốp mổ chính xác nhất. Thường thời gian sau cai sữa nội tiết tố sẽ trở lại bình thường, độ cận ổn định, bạn có thể tham khảo các phương pháp mổ cận. Chi phí tùy kỹ thuật mà bạn lựa chọn. 

– Cháu sắp đi du lịch xa khoảng 15 ngày, muốn tranh thủ mổ cận luôn để mắt có khoảng thời gian nghỉ ngơi. Đi máy bay, không tắm biển thì có nên mổ thời gian này không hay phải nghỉ ngơi toàn bộ? (Ninh Vũ, 28 tuổi, Lê Chân, Hải Phòng)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng :

Nếu bạn không có nhiều thời gian thì trong 15 ngày vẫn có thể mổ được, nhưng bạn nên chọn phương pháp có thời gian chăm sóc sau mổ ngắn nhất 2-3 ngày và không có biến chứng khi đi máy bay. Sau 1-2 tháng có thể tắm biển. 

– Tôi 32 tuổi, bị cận thị bẩm sinh. Mắt trái 11 độ, cận 2 độ loạn. Mắt phải 12 độ cận 2 độ loạn. Độ mắt ổn định, qua các năm không tăng. Xin hỏi bác sĩ nếu phẫu thuật có hết cận hoàn toàn không? Chi phí phẫu thuật 2 mắt là bao nhiêu? Thời gian trong bao lâu? Xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Viêt, 32 tuổi)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Tôi thấy, bạn cận rất nặng nhưng vẫn có thể thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, mắt có hết cận thị hay không còn phụ thuộc vào chiều dày giác mạc. Vì vậy, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt khám. Với chiều dày giác mạc cho phép, bạn có thể thực hiện phương pháp Femto Lasik. Chi phí cho phương pháp này là 40 triệu đồng. Thời gian khám và mổ khoảng một ngày nhưng cần nghỉ ngơi trong 2-3 ngày.

Ngoài ra, với độ cận cao như vậy, bạn có thể bị thoái hóa võng mạc chu biên. Đây là tổn thương có nguy cơ gây ra biến chứng bong võng mạc ở những người cận thị nặng. Vì vậy, bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm soát những tổn thương này và có thể phải thực hiện phương pháp laser võng mạc chu biên trước khi phẫu thật khúc xạ.

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

Các giải pháp điều trị tập khúc xạ mắt được rất nhiều độc giả quan tâm.

– Thưa bác sĩ, tỷ lệ rủi ro trong khi mổ là bao nhiêu? Và sau khi mổ có nên bảo dưỡng như thế nào để mắt đảm bảo? (Nguyễn Chúc, 42 tuổi, Trung Kính, Hà nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng :

Bất kỳ phẫu thuật nào cũng có tỷ lệ biến chứng nhỏ xảy ra, để kiểm soát các biến chứng này cần:

– Bác sĩ giỏi, kinh nghiệm phẫu thuật hàng nghìn ca

– Trung tâm trang bị đầy đủ hệ thống máy móc hiện đại, đa dạng các kỹ thuật mổ

– Tuân thủ các nguyên tắc khi chỉ định cho bệnh nhân nhằm tránh biến chứng

– Hướng dẫn bệnh nhân hợp tác tốt nhất với bác sĩ trong quá trình mổ

Sau mổ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tra thuốc và tái khám 3-6 tháng và một năm.

– Chào bác sĩ, tôi đang quan tâm và tìm hiểu về phương pháp ReLex Smile. Hai mắt tôi trái cận 3,25; phải cận 3,5 và 2 mắt đều có loạn nhẹ 0,5. Liệu như vậy tôi đã đủ điều kiện phẫu thuật chưa? Ngoài ra, tôi muốn hỏi khả năng tái cận thị sau phẫu thuật có cao không? Và khi có tuổi thì mắt tôi có bị yếu hơn so với người không bị cận thị không?

Xin cảm ơn bác sĩ! (Mai Quý Đạt, 24 tuổi)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Bạn đủ điểu kiện để thực hiện phương pháp ReLex Smile để điều trị tật khúc xạ. Khả năng tái cận không cao do độ tuổi ổn định, độ cận, loạn thị không cao. Tuy nhiên, để giữ mắt tốt, ổn định sau mổ, bạn không nên nhìn gần, tập trung trong thời gian dài, cứ một tiếng nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút. Ngoài ra, bạn nên sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều tiết và nước mắt nhân tạo, ít nhất trong 3 tháng đầu sau mổ, đồng thời khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để có tư vấn cụ thể cho từng thời điểm.

Sau khi phẫu thuật ReLex Smile, mắt bạn sẽ trở về như mắt người bình thường và vẫn sẽ xuất hiện các bệnh lý ở người có tuổi như lão thị, đục thủy tinh thể… 

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

Ở các bé đang ở độ tuổi đi học, tật khúc xạ xuất hiện do nhiều nguyên nhân như ngồi sai tư thế, ánh sáng không đủ, thường xuyên nhìn gần trong thời gian dài khiến mắt phải liên tục điều tiết.

– Mắt của tôi cận 2.75 và loạn 0.75. Bác sĩ cho hỏi gần 40 tuổi có nên đi mổ mắt chữa cận loạn không? Vì mọi người bảo mắt ở tình trạng sắp lão hóa thì không nên đi mổ nữa. Cám ơn bác sĩ (Linh Nguyễn, 38 tuổi, Ba Đình, Hà nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Khi bạn 40 tuổi, sẽ có hiện tượng lão thị. Độ cận thị không cao có khả năng trung hòa với độ lão thị. Việc mổ chỉ theo nhu cầu thực tế của bạn, nếu có mong muốn nhìn xa tối đa khi lái xe, chơi thể thao. 

– Chào bác sĩ, tôi đang có bầu 4 tháng, muốn tranh thủ trong lúc nghỉ sinh cháu đi mổ cận để có thời gian nghỉ ngơi cho mắt không làm việc với máy tính và điện thoại có được không ạ? (Hoàng Anh, 33 tuổi, Hải Phòng)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Bạn nên đợi sau cai sữa, nội tiết tố sẽ trở lại bình thường, độ cận ổn định, bạn có thể mổ cận. 

– Mắt em bị cận 2 độ 8 năm nay và không tăng không giảm. Em có dùng nhiều biện pháp nhưng không thấy tiến triển. Bác sĩ cho em hỏi mắt em như vậy có mổ được không? (Nguyễn Long, 28 tuổi, Cầu Giấy)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Nếu đeo kính trong 2 năm không tăng quá 0,5 đi ốp, lúc đó mổ sẽ đảm bảo không tái cận. Với độ cận hiện tại của bạn, không tăng sau 8 năm, việc mổ cận sẽ cho kết quả rất tốt.

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

Theo các bác sĩ, khi đang mang bầu thì không thể phẫu thuật mắt được, do quá trình thai nghén dẫn đến thay đổi các nội tiết tố, làm tăng độ cận, gây sai số trong qúa trình mổ.

– Chào bác sĩ. Mắt tôi hiện tại vừa cận 2,5 vừa loạn 3,5 thì cần tiến hành điều trị như thế nào ạ. Tôi muốn tiền hành phẫu thuật, nhưng do yêu cầu công việc không thể ngừng sử dụng máy tính và điện thoại trong thời gian dài, như vậy có ảnh hưởng tới chất lượng điều trị không ạ? Nếu điều trị sau này khả năng tái cận có cao không ạ? Tôi xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Mai, 27 tuổi)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Với trường hợp này, bạn có thể phẫu thuật được nhưng không nên chọn phương pháp Lasik bởi cách này dùng dao cắt vạt, không an toàn với bệnh nhân loạn thị cao như bạn.

Trong các phương pháp còn lại, mỗi phương pháp lại có yêu cầu về nghỉ ngơi sau mổ khác nhau, từ 2 ngày đến 2 tuần. Bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn một phương pháp phù hợp nhất với công việc.

Việc sử dụng máy tính và điện thoại nhiều cũng không tốt nhưng nếu bạn sử dụng biết cách thư giãn mắt 10 phút sau một tiếng làm việc thì cũng không ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Khả năng tái cận còn phụ thuộc vào độ dày của giác mạc và cách giữ gìn mắt sau mổ. Nếu thực hiện đầy đủ lưu ý của bác sĩ sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn không cần lo lắng về việc tái cận.

– Chào bác sĩ!
2 năm gần đây, mắt tôi thường xuyên bị ngứa, cảm giác lúc nào cũng muốn gãi. Thỉnh thoảng, mắt còn có hiện tượng nhòe mờ, khó nhìn (diễn ra trong 30 giây).
Một năm tôi bị đau mắt (viêm kết mạc) khoảng 2-3 lần, không hiểu vì sao lại bị nhiều thế.
Hiện, mắt tôi bị cận 2 độ, bác sĩ cho hỏi tôi bị bệnh gì và cần làm như thế nào để cải thiện tình trạng?
Cảm ơn bác sĩ!
(Nguyen Phuong, 30 tuổi, HN)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Chào bạn,

Khi mắt có biểu hiện ngứa, đau thì trước hết bạn phải đi khám để bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cho đơn thuốc phù hợp. Khi mắt ổn định, thì mới có thể mổ cận được. 

– Xin chương trình tư vấn giúp mình cận 4D và loạn 0.5D hai mắt bằng nhau. Mình cũng tìm hiểu nhiều phương pháp chữa cận thị bằng phẫu thuật rồi nhưng mình nghe các bạn đã mổ nói khi phẫu thuật vẫn có hiện tượng quáng vào buổi tối và sau khi thêm tuổi mắc bệnh lý về mắt sẽ khó xử lý. (Trần Thị Hải Yến, 28 tuổi)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Sau khi thực hiện phẫu thuật, hiện tượng quáng vào buổi tối hay gặp ở bệnh nhân cận thị cao, phần giác mạc lấy đi để điều trị độ cận tương đối dày. Hiện tượng này sẽ giảm dần theo thời gian.

Trường hợp của bạn gần như sẽ không gặp hiện tượng này sau phẫu thuật. Khi mắc các bệnh lý khác về mắt, các bác sĩ vẫn có thể xử lý được như các trường hợp bình thường.

– Do tài chính có hạn nên mình muốn lựa chọn phương pháp Lasik, tuy nhiên Lasik đã được thực hiện hơn 20 năm rồi. Vậy phưong pháp Lasik bây giờ có gì khác với Lasik ngày xưa. Và hiện tại, hệ thống máy nào hiện đại nhất trên thế giới phẫu thuật Lasik? (Hương Luyến, 26 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Máy Lasik bây giờ hiện là thế hệ thứ 6 như Mel 90, Schwind Amaris 1050RS… Có nhiều tính năng và ưu điểm vượt trội so với các thế hệ cũ trước đây. Ví dụ như hệ thống theo dõi 7D; tiết kiệm mô; thời gian bắn laser 1,3 giây mỗi đi ốp; hệ thống Smart Pulse giúp tạo hình giác mạc tốt, tránh quang sai bậc cao và bậc thấp; hệ thống bắn đa điểm theo lược đồ giúp giảm nhiệt độ trên bề mặt giác mạc… Nhờ vậy, độ chính xác của Lasik ngày nay cao hơn nhiều so với các thế hệ cũ.

Trên thế giới có xu hướng phẫu thuật Lasik nhưng vạt cắt giác mạc bằng Femto Second, giúp tăng tính an toàn và chính xác cho phẫu thuật.

– Tôi muốn hỏi mắt bị cận cả 2 bên, mỗi bên 7 độ thì nên phẫu thuật bằng phương pháp nào? Chi phí ra sao? (Nguyễn Quỳnh Giang, 33 tuổi)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Với độ cận này, bạn có thể lựa chọn 3 phương pháp: ReLex Smile, Femto Lasik, SmartSurfACE. Chi phí phẫu thuật dao động từ 35 đến 70 triệu đồng. 

Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng nên bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp phù hợp với trường hợp của bạn.

Cách tránh tái cận sau khi mổ tật khúc xạ

Các chuyên gia cho rằng nếu đeo kính trong 2 năm không tăng quá 0,5 đi ốp, lúc đó mổ không bị tái cận.

– Các bác cho cháu hỏi, mắt của chú cháu vừa cận nặng vừa đục thủy tinh thể thì điều trị ra sao ạ? Cháu có phải mổ bằng cả 2 phương pháp là laser và thay thủy tinh thể không ạ? (Vũ Mai, 21 tuổi, Hà Nam)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Với trường hợp của chú cháu, thay thủy tinh thể có thể điều trị được cả bệnh đục thủy tinh thể và điều chỉnh luôn tật khúc xạ (cận thị). 

– Tôi 55 tuổi, cận thị hai mắt đều -800. Vậy phẫu thuật mắt điều trị cận thị có là lựa chọn tốt cho một người ở tuổi của tôi không? (Le Hoang, 55 tuổi, 934 cmt8)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Chào anh, ở tuổi của anh, bệnh này gọi chính xác là cận thị – lão thị và đã có những phương pháp phẫu thuật kết hợp với phần mềm điều trị lão thị như Presbyond, PresbyMAX… Vì vậy, độ tuổi của anh hoàn toàn có thể phẫu thuật để vừa nhìn xa và nhìn gần rõ mà không cần đeo kính. Tuy nhiên, anh cần đến khám để bác sĩ loại trừ một số bệnh lý khác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm… trước khi phẫu thuật.

– Chào các bác sĩ, mẹ tôi năm nay 55 tuổi, mắt đã bắt đầu nhìn mờ, không đọc được báo. Tôi muốn đưa mẹ tôi đi phẫu thuật lão thị. Bác sĩ cho tôi hỏi các phương pháp điều trị lão thị hiện nay, phương pháp nào tốt nhất ạ? (Mỹ Linh, 30 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Chào bạn,

Bạn cần đưa mẹ đi khám để xác định mờ mắt do nguyên nhân gì. Có thể là do đục thủy tinh thể, tổn thương đáy mắt… hoặc lão thị. Nếu bà bị lão thị sau khi loại trừ hết các nguyên nhân khác, bà có thể mổ được bằng máy Mel 90 hoặc Schwin Amaris 1050RS – 2 thiết bị hiện đại nhất hiện nay cho kết quả thị lực tốt sau mổ.

– Tôi có nghe nói về phương pháp điều trị cận thị bằng kính tiếp xúc cứng, mà không cần phẫu thuật? Phương pháp điều trị này có được vĩnh viễn không? (Nguyễn Thị Thu Trang, 24 tuổi, Nam Định)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Chào bạn, 

Phương pháp này đeo kính áp tròng cứng trong đêm, sáng tháo ra và có thể nhìn được mà không cần đeo kính. Nó chỉ có tác dụng cải thiện thị lực trong một ngày. Việc sử dụng kính cần được giám sát chặt chẽ và được bác sĩ chỉ định, nhằm tránh nhiễm trùng và gây xước giác mạc. 

– Chào bác sĩ, trước hết em xin cảm ơn bác sĩ và báo VnExpress đã tạo cơ hội cho chúng e hiểu biết thêm bệnh lý liên quan đến mắt của bản thân. Em đang mắc bệnh “Tân mạch võng mạc”. Theo bác sĩ điều trị, mạch máu đáy mắt em phồng to, chèn hoàng điểm. Em đã tiêm thuốcnhưng không có dấu hiệu đỡ. Em muốn hỏi nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiện nay. Có người nói với em bệnh này dễ biến chứng mù lòa nên em rất lo lắng. Chân thành cảm ơn và mong phản hồi từ bác sĩ. (Nguyễn Thành Nam, 27 tuổi, Bắc Giang)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Bệnh tân mạch võng mạc là tình trạng xuất hiện những mạch máu “mới” ở những vùng bình thường không có. Những mạch máu này rất dễ vỡ do cấu tạo thành mạch không đầy đủ. Nếu xuất hiện ở võng mạc, đặc biệt là hoàng điểm, bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Nguyên nhân gây bệnh là tình trạng thiếu máu tại võng mạc do các bệnh lý như tắc mạch võng mạc, võng mạc đái tháo đường, võng mạc cận thị cao… 

Hiện tại, avastin là một trong những thuốc Anti-VEGF được sử dụng để điều trị bệnh tân mạch võng mạc. Sau mỗi lần tiêm, bác sĩ cần đánh giá lại tình trạng bệnh thông qua việc chụp cắt lớp võng mạc (OCT-A) và một số xét nghiệm khác nếu cần. Trường hợp không đáp ứng với thuốc này mình sẽ phải chuyển sang tiêm một loại Anti-VEGF khác.

Vì chưa có thông tin chi tiết về tình trạng bệnh và quá trình điều trị nên tôi chưa thể tư vấn cụ thể hơn cho bạn. Bạn nên đi kiểm tra lại để được bác sĩ khám và tư vấn trực tiếp.

– Bác sĩ cho cháu hỏi, mắt cháu bị cận 3 độ nhưng loạn đến 8 độ thì có gì quá bất thường không? Cháu chưa thấy ai loạn nặng như cháu. Bị loạn như vậy có phẫu thuật được Smile không ạ? (Vũ Việt An, 26 tuổi, Hà Đông)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Độ khúc xạ như bạn nói rất bất thường. Bạn cần kiểm tra xem có bị bệnh giác mạc hình chóp không, hoặc giãn lồi giác mạc… Đó là độ khúc xạ phức tạp, cần thăm khám và làm thêm xét nghiệm để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Phẫu thuật Smile không mổ được độ loạn này, tối đa loạn 5 đi ốp.

– Bác sĩ cho biết liệu mắt có sẹo giác mạc do chấn thương hồi trẻ liệu có thể mổ cận được không và bằng phương pháp nào là hợp lý? (Mai Xuân Trường, 34 tuổi, Ninh Bình)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Trước hết bạn cần thăm khám để bác sĩ đánh giá sẹo đó to hay nhỏ, trung tâm hay ngoại vi, sâu hay nông… Sau đó mới quyết định có được phép mổ hay không, phương pháp nào thì phù hợp.

– Bác sĩ cho cháu hỏi. Cháu có khám mắt ở một số bệnh viện bảo mắt cháu bị giác mạc chóp với lại mỏng không mổ được. Bây giờ có phương pháp nào điều trị để không phải đeo kinh không ạ? (Lưu nhật tân, 21 tuổi)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Giác mạc hình chóp là bệnh lý xuất hiện do các liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, làm thay đổi bán kính cong của giác mạc một cách bất thường, tiến triển theo thời gian, làm độ cận, loạn thị tăng nhanh. Hậu quả có thể gây ra giãn, lồi giác mạc và giảm thị lực, không hồi phục kể cả khi chỉnh kính. 

Trong giai đoạn đầu, bạn có thể điều trị bằng cách làm vững bền giác mạc với kỹ thuật Crosslingking. Nếu bệnh nhân có tật khúc xạ kèm theo có thể kết hợp phương pháp phẫu thuật laser điều trị khúc xạ với kỹ thuật Crosslingking. Nếu ở giai đoạn muộn, ngoài Crosslingking có thể phải kết hợp với đeo kính áo tròng cứng, thậm chí phải ghép giác mạc. 

Bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ xác định đúng giai đoạn và có phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng hiện tại của mắt.

– Hiện tại em đang có ý định phẫu thuật điều trị tật khúc xạ và em đã tìm hiểu trên mạng hiện nay có rất nhiều phương pháp. Xin bác sĩ cho em biết phương pháp nào là an toàn và tối ưu nhất hiện nay. (Khánh ly, 25 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Chào bạn, hiện có 4 phương pháp điều trị tật khúc xạ phổ biến hiện nay. 

– Lasik phổ thông, Lasik Extra (Lasik phối hợp Crosslinking): Giá thành hợp lý, song có tỷ lệ biến chứng nhất định trong và sau phẫu thuật (80% biến chứng kiên quan đến vạt giác mạc).

– Femto Lasik: Giá thành cao hơn so với Lasik vì kết hợp 2 loại laser, cải thiện độ chính xác và an toàn, phục hồi nhanh sau mổ, vẫn còn tỷ lệ biến chứng vạt giác mạc nhất định.

– Smart Surface: Phẫu thuật không chạm, không tạo vạt giác mạc, thuận lợi, dễ làm, chi phí tốt, nhưng có thể gây đau sau mổ 1-2 ngày.

– Relex Smile: Chi phí cao nhưng nhiều ưu điểm như không tạo vạt giác mạc, đường mổ 2mm nhỏ, giảm tối đa biến chứng vạt, khô mắt và nhiễm trùng; rút ngắn thời gian mổ còn 23 giây mỗi mắt, độ chính xác cao; bệnh nhân không đau và phục hồi nhanh ngay ngày đầu sau mổ, nên đặc biệt phù hợp với đối tượng hoạt động mạnh (chơi thể thao, ngành nghề phi công, cảnh sát…). 

– Bác sĩ cho hỏi, em từng bị amid do đeo kính áp tròng, nay để lại sẹo giác mạc lớn, liệu em có phẫu thuật khúc xạ được không ạ? Em muốn điều trị cận vì công việc. (Nguyễn Thùy Hương, 30 tuổi, Hà Nội)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Trường hợp của bạn bị sẹo giác mạc lớn, nên cẩn trọng khi mổ. Tốt nhất nên thăm khám, nếu sẹo quá lớn thì không nên mổ. Nếu mắt sạch sẽ, ổn định, sẹo nhỏ, có thể mổ Femto Lasik là phù hợp nhất.

– Hai phương pháp Lasik và Femto Lasik đều là Lasik. Vậy cho cháu hỏi hai phương pháp này có gì khác nhau? Phương pháp nào an toàn hơn ạ? (Quỳnh Chi, 19 tuổi)

– Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng:

Chào bạn,

Lasik là phương pháp cắt vạt giác mạc bằng dao cơ học. Trong quá trình cắt, có thể xảy ra biến chứng như hớt vạt, rách vạt… Để thay thế dao cơ học, người ta sử dụng tia laser Femto để cắt vạt, giúp tăng độ chính xác và giảm biến chứng, nên gọi là Femto – Lasik. 

– Bác sĩ cho hỏi, cháu phải làm việc với máy tính nhiều, hiện cháu đang cận 5 độ loạn 2 độ, vậy sau khi phẫu thuật có sợ bị cận lại không? (Vũ Thúy Hường, 25 tuổi, Nam Định)

– Bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh:

Nguy cơ tái cận sau mổ phụ thuộc vào các yếu tố như:

– Độ cận cao (trên 6D), độ loạn cao (trên 2D).

– Giác mạc mỏng (dưới 500micromet).

– Sau mổ, mắt nhìn gần liên tục trong thời gian kéo dài.

Độ khúc xạ của bạn không nằm trong nhóm nguy cơ cao bị tái cận. Nhưng sau mổ, bạn cần giữ gìn mắt cẩn thận, nên nhắm mắt hoặc nhìn ra xa 5-10 phút sau mỗi một giờ làm việc. Bạn cũng cần sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều tiết mắt, nước mắt nhân tạo thường xuyên trong những tháng đầu. 

Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin như cà rốt, cà chua, đu đủ, các loại rau màu xanh đậm, các loại hải sản, thịt bò…

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook