Thứ Sáu, 08/04/2016 | 19:24

Nắng nóng tới 39-40 độ C suốt mấy ngày liền khiến nhiều người, nhất là người già và trẻ nhỏ phải nhập viện.

An toàn trong nắng nóng

Nắng nóng vẫn còn kéo dài trong vài ngày tới

Ảnh: Lê Khánh

Đỉnh điểm nắng nóng trong ngày là lúc 13-14h. Có việc phải ra đường vào những lúc này, nhiều khi con người ta phải AQ một tý, rằng mình đang được “xông hơi” miễn phí, để cố chịu đựng mà chạy cho nhanh vào chỗ mát.

Cụ Lư, chủ quán trà Lư nổi tiếng ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội vắng bóng tại quán mấy hôm nay. Con gái cụ ra bán hàng thay cho hay, do trời nóng quá, người già 90 tuổi có lẻ như cụ buộc phải lui về ở ẩn.

Lại nhớ nhà văn Nguyễn Tuân, trời nóng khiến cụ có lần nhả chữ nghe thật nao lòng: “Nó làm giống đực, giống cái không muốn gần nhau nữa”. Ấy là cái thời khốn khó của cụ chẳng có nhiều máy điều hoà nhiệt độ, chỉ có nhiều những “mái nhà tranh và trái tim vàng”. Nay đời sống có phần sướng hơn nhiều, điều hoà bậu tường nhan nhản thị thành, nhưng những lời than kiểu này dường như không vãn. Các chuyên gia y tế cho hay, chiếc điều hòa làm ta thoải mái bao nhiêu thì các loài vi trùng, vi khuẩn cũng… thoải mái bấy nhiêu. Bởi chúng chẳng “thích” gì hơn là nhiệt độ và độ ẩm mà chiếc điều hoà mang lại – điều kiện để “lý tưởng” để chúng có thể sinh sôi nảy nở. Các ống thông gió quanh máy điều hoà bao giờ cũng là sào huyệt của vi khuẩn tiết ra các chất độc gọi là endotoxin gây các bệnh cấp tính như sốt, đổ mồ hôi, đau cơ, viêm xoang, khớp. Thế nên trong ngày, trong tuần cần phải định kỳ mở toang các cửa phòng ra để diệt khuẩn trong vài chục phút, hoặc nhất thiết phải lắp đặt trong phòng đèn cực tím diệt khuẩn. Môi trường “lý tưởng” đó không chỉ xuất hiện trong các phòng ốc mà còn tại các khoang xe ô tô, tàu hỏa có lắp hệ thống điều hòa… Ngay cả khi dùng máy điều hòa nhiệt độ, mặc dù báo chí cũng như các chuyên gia y tế đã khuyến cáo nhiều lần, rằng đối với những người có tuổi hay bị các chứng huyết áp cao không nên ra khỏi môi trường này một cách đột ngột mà nhất định phải có phòng đệm để nhiệt độ tăng dần khi ra, giảm dần khi vào đề phòng đột quỵ. Tại BV Lão khoa Trung ương, theo các bác sĩ ở đây cho biết, phần lớn các bệnh nhân bị tai biến não là do nguyên nhân này gây ra.

Nắng nóng nên nhiều người lựa chọn giải pháp rủ nhau đi bơi tại các bể bơi công cộng. Mát thì có mát nhưng… Các chuyên gia y tế cho biết, bên cạnh việc nhiễm khuẩn do bụi bẩn, vi trùng, những bể bơi công cộng còn chứa một lượng chất thải rất lớn từ người đi bơi bao gồm mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, thậm chí cả nước tiểu, nước bọt. Ngoài ra trong số những người đi bơi, có nhiều người vốn đã mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác. Các bể bơi đều có ý thức tiệt trùng nước bằng các hoạt chất có chưa clo như: cloramin B chẳng hạn. Không chỉ có thế, để đánh lừa cảm giác người bơi, đôi khi người ta không ngần ngại mà thả vào đây một lượng sunfat đồng, cho… xanh nước (!). Các nhà khoa học cho rằng: Đây đều là những chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không được sử dụng đúng liều lượng. Về nguyên tắc xây dựng và vận hành, các hồ bơi cần phải được trang bị thêm một hệ thống lọc nước nhưng trên thực tế, ít có nơi nào chịu đầu tư. Hậu quả nhỡn tiền rất có thể gây nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như mụn cóc, trùng roi nếu nước hồ không được sát khuẩn tốt. Ngoài ra, khi tiếp xúc với các chất sát trùng nói trên, người ta có thể bị làm khô da, tóc, hoặc gây kích ứng vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, đùi, nách. Bệnh có biểu hiện như xuất hiện đỏ, ngứa, hay mụn nước nhỏ, sau khi tắm ở bể bơi. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trưởng phòng khám Sản khoa – nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà) cho hay, khi bơi ở các bể bơi công cộng, chị em còn có nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác. Nam giới cũng không ngoại trừ nguy cơ nhiễm trùng bàng quang khi thường xuyên tắm ở bể bơi có nguồn nước bị ô nhiễm. Bệnh có một số triệu chứng như tiểu buốt hoặc ra máu sau khi mặc đồ ẩm ướt hoặc ngâm mình dưới nước quá lâu. Bơi bẩn còn làm các mầm bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, lỵ, viêm não mô cầu, lây lan và phát triển nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ. Một cách đảm bảo an toàn là nên tránh các bể bơi nước vẩn đục hoặc có mùi hóa chất gây sốc đặc trưng, số người bơi nhiều. Trước khi xuống bể, bạn nên tắm sạch nhằm hạn chế mồ hôi, mỹ phẩm, trên cơ thể tránh gây ô nhiễm.

Nắng nóng còn vài ba ngày tới, theo dự báo của ngành khí tượng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người phải chọn riêng cho mình một cách sống chung với nó thật phù hợp và an toàn.

Ngọc Minh

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook