Một trong những vấn đề lo lắng, thậm chí sợ hãi của người dân hiện nay là vấn đề thực phẩm bẩn. Nó không chỉ gây bệnh cho con người, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh dịch mà còn ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của Việt Nam. Tiếng kêu cứu khẩn thiết của người dân đã tới được các ngành chức năng nhưng xem ra việc giải quyết còn nhiều khó khăn.
(Ảnh minh họa).
Chất cấmtấn công người tiêu dùng
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trong quý I-2016, Cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là gần 500 triệu đồng. |
Thông tin nhuộm đỏ ruốc bằng hóa chất ở Phú Yên rộ lên ở thời điểm cuối tháng 3 khiến dư luận hoang mang chưa được lý giải rõ ràng thì ngay đầu tháng 4, ngày 8/4, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng cho biết, 7/7 mẫu dưa cải muối được đơn vị này lấy tại 3 chợ là chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đều chứa chất cấm vàng ô (Auramine O).
Trước đó vài ngày Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng phát hiện 7/9 mẫu măng tươi ở các chợ trong thành phố có chất vàng ô khiến dư luận chưa hết lo lắng cho bữa ăn thường ngày với món canh măng quen thuộc thì ngày ngày 8/4, Công an thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) lại phát hiện hơn 10 tấn măng ngâm ủ chưa rõ nguồn gốc tại một kho chứa trên đường Hàn Thuyên (phường 5, thành phố Đà Lạt). Măng tươi chứa bên trong các bao nilon có hiện tượng chuyển sang màu đỏ, một số cây măng bị mốc trắng và có mùi khó chịu…
Theo một số chuyên gia, chất nhuộm đỏ ruốc có thể là hóa chất Rhodamine B dùng trong công nghiệp nhuộm vải, vô cùng độc hại nếu dùng cho thực phẩm, có thể gây hại cho gan, thận, làm tăng nguy cơ ung thư. Còn chất vàng ô – thứ mà người ta đem nhuộm măng và dưa cải muối là chất màu tổng hợp, được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ… và dùng trong xây dựng làm màu sơn quét tường.
Vàng ô là chất độc cho cơ thể người, không được sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong chăn nuôi chất này cũng bị cấm sử dụng. Tồn dư chất vàng ô sẽ dẫn tới việc giảm chức năng nội tạng như thận, gan của con người và đặc biệt là nguy cơ ung thư. Còn theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) đây là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.
Tại Diễn đàn “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc” do Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 5/4, tại Hà Nội, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ năm 2015 đến tháng 2-2016 các địa phương và Cục Chăn nuôi đã tiến hành kiểm tra 1.893 cơ sở và phát hiện có 58 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%). Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamoll và một số ít là chất Vàng ô (Auramine).
Mỗi ngày, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP. Mới đây, cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thịt “bẩn” được tuồn vào thành phố để tiêu thụ. Chi cục Thú y thành phố lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào thành phố xét nghiệm, phát hiện phần lớn các mẫu đều chứa chất cấm dùng trong chăn nuôi. Qua kiểm tra 8 cơ sở giết mổ trên địa bàn, kết quả cũng cho thấy việc sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng cho lợn… đang ở mức báo động.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, người chăn nuôi đã pha chế một số chất thuộc họ β-agonist (Salbutamol, Ractopamine, Metoprolol,…) vào thức ăn chăn nuôi để làm tăng tỷ lệ nạc/mỡ, chất làm thịt có màu vàng tươi. Những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại trong thịt. Khi con người ăn phải thịt có chứa các chất này có thể tích lũy trong cơ thể gây nhiều triệu chứng như huyết áp, tim mạch…
(Ảnh minh họa).
Tuyên chiến với thực phẩm bẩn
Có thể thấy thực phẩm bẩn đang hủy hoại sức khỏe người dân một cách nghiêm trọng, cần được báo động và ngăn chặn ngay lập tức. Chính vì vậy sáng 1/4, khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch 5 năm tiếp theo, lần đầu tiên, Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị đưa nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh trong những năm gần đây, vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trên trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lo lắng: “Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia… có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn khiến người dân rơi vào tình thế không ăn thì không tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy.
Phân tích về nguyên nhân vi phạm ngày càng nhiều, bà Nga cho rằng việc tổ chức thực thi luật còn nhiều rắc rối. Đơn cử như trong việc sử dụng Salbutamol – chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ NN&PTNT cấm nhập, nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập.
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 đã bổ sung, sửa đổi nhiều quy định sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý hình sự và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Điều 317 nêu rõ hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định.
Theo đó, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm ngay tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tới đây.
Trong phiên họp Chính phủ vào cuối tháng 3/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan tới sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân. Hiện tại đã có đầy đủ các quy định pháp luật, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành. Chỉ cần các bộ, ngành làm đúng chức năng của mình sẽ dẫn đến sự phối hợp một cách tự nhiên.
Có thể thấy, mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề quá nghiêm trọng ở Việt Nam. Giữa tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm và thời điểm được cho là khủng hoảng niềm tin về vấn đề này thì động thái xin lỗi người dân trước phát ngôn gây sốc về an toàn thực phẩm tại diễn đàn Quốc hội của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng ít nhiều đem đến cho người dân chút hy vọng.
Minh Vũ
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.