Cả xã hội đang trong cơn khủng hoảng niềm tin thực sự trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày càng nhiều người mắc bệnh nan y và cũng ngày càng nhiều những phát hiện về trăm nẻo cách “làm bẩn” thực phẩm khiến chúng ta choáng váng. Ở thành phố người ta tìm mọi nguồn để có rau thịt cá sạch, kể cả cách giống hệt thời bao cấp là tự trồng rau, nuôi gà trên sân thượng. Còn ở vùng nông thôn, người ta lan truyền câu chuyện trồng riêng mảnh rau sạch cho gia đình mình. Tất cả những cách “khôn lỏi” chỉ chăm chắm lo cho riêng mình ấy đang kéo đạo đức xã hội đi xuống còn nỗi hiểm hoạ nhiễm độc từ thực phẩm thì vẫn còn y nguyên ở đó!
Minh họa của Lê Tiến Vượng.
“Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân |
Một giáo sư của một trường đại học danh tiếng giờ đã nghỉ hưu, khoe rằng hàng ngày ông trồng rau, nuôi gà trên sân thượng và tự làm giá đỗ sạch.Thú vị nhất là vào lúc sáng sớm, người già vốn không ngủ được, từ nay đã có tiếng gà gáy làm bầu bạn. Thậm chí, thay vì vùi đầu vào đọc sách, giờ việc quan tâm và quan trọng nhất trong một ngày của ông là tính xem và nghĩ xem ăn gì, mua gì cho đảm bảo sức khoẻ…
Ở các khu đô thị, người ta tận dụng mọi ô đất trống để trồng rau. Thậm chí có người còn kể vợ một lãnh đạo cấp vụ đã nghỉ hưu thì ngày ngày đi xe bus sang một khu đô thị bên Gia Lâm, trồng rau ở những khu đất trống và thu hoạch.
Trên mạng xã hội, vô vàn các công chức nửa vời đi bán thực phẩm sạch qua mạng với những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng trứng này, rau này, cá này, thịt này được trồng, nuôi, thả ở trang trại hoàn toàn theo quy trình sạch.
Trong những lời oán thán về thực phẩm bẩn, nhiều nhất là chỉ trích dành cho những người nông dân trồng rau và nuôi lợn. Người ta đổ lỗi cho họ vì hám lời mà sử dụng các chất cấm trong trăn nuôi và trồng trọt.
Nhưng cái chất cấm ấy ở đâu ra và nếu không dùng cách ấy, ai sẽ giúp cho họ có được một thu nhập tương đương?Câu hỏi ấy không mấy ai trả lời.
Có thể lý giải việc dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt là do người nông dân cố ý độc ác với đồng loại không? Ngoại trừ các tư thương chấm thuốc bảo quản trong quá trình buôn bán nông sản, ngoại trừ các nhà hàng dùng chất gây hại làm thơm lừng các loại đặc sản, có thể khẳng định đa số nông dân Việt Nam vẫn hiền lành chất phác trồng cấy trên mảnh đất của họ thôi. Lý do họ dùng chất nọ chất kia đơn giản như bao năm qua, từ cái thời làm ở tổ đổi công hợp tác xã hay những năm tháng khoán hộ, họ vẫn phun thuốc trừ sâu bệnh, vẫn bỏ phân hoá chất cho cây… Còn chất đó ngày hôm nay nó là cái gì được phép dùng hay không được phép họ làm sao biết được, trong khi họ biết là dùng nó năng suất tăng cao hơn và người ta vẫn bán đầy ở cửa hàng thì mua thôi.
Chúng ta đang nghĩ và tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm giống như những người vô can, dành hết mọi xấu xa, độc ác cho những người nông dân chân lấm tay bùn. Có cảm giác theo cách nghĩ của mọi người thì như nông thôn đang “bao vây và đầu độc” thành phố vậy.
Trong khi trên thực tế thì lại khác.Người thành phố đang được hưởng thụ những giá trị văn minh và hiện đại nhất. Còn nông dân thì muôn đời vẫn vậy thôi, bám vào mảnh đất mà sống, một cách thiệt thòi và đầy rủi ro. Một mớ rau muống bán tại ruộng chỉ độ vài nghìn, lên thành phố thành 10, 15, 20 nghìn thì đâu phải lỗi của nông dân. Chưa kể có những lúc được mùa rau ế, bắp cải băm ra ngay ruộng.Thời tiết, sâu bệnh, giá cả thất thường, trăm thứ khổ.
Cho nên, nếu vấn đề thực phẩm an toàn còn chưa được giải quyết bằng các biện pháp quản lý, thì trong cơn khủng hoảng an toàn thực phẩm, chúng ta đang hứng chịu thêm một khủng hoảng khác, là mất niềm tin nghiêm trọng vào con người. Chúng ta đổ lỗi cho nhau, ở tầm vĩ mô thì bộ này đổ lỗi cho bộ kia, ở góc độ người dân thì người thành phố oán trách nông dân còn nông dân thì nói lý “vì người tiêu dùng chuộng rau xanh mướt không có sâu nên họ phải làm như thế mới bán được”.
Và việc buôn bán, tiêu thụ các chất cấm vẫn ê hề, buôn lậu thực phẩm ôi thiu vẫn hoành hành, chế tài xử phạt vốn đã nhẹ, lại chưa nghiêm trong thực thi pháp luật.
Nông dân mình có trồng được rau sạch hay không?Câu trả lời là có. Nhưng như thế thì phải có hàng loạt vấn đề mà tự họ không thể giải quyết được, như họ không tự giải quyết được vì sao lại có hoá chất cấm mà họ vẫn mua được để sử dụng.Phải có một quy trình trồng trọt và chăn nuôi, phải có đầu ra tiêu thụ nông sản sạch cho họ. Những việc ấy ai làm?
Trong xã hội, nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn đang trở thành những làn sóng với nhiều cách tuyên truyền, vận động khác nhau.Sự tự tẩy chay của người tiêu dùng đối với thực phẩm bẩn đang là những tín hiệu tích cực để cải thiện tình hình.Nhưng việc mọi chiến dịch vận động cũng chỉ đạt tới những hiệu quả nhất định.Người tiêu dùng cũng không thể suốt ngày không có việc gì làm ngoài việc đem ra xem xét nghiên cứu xem thực phẩm ấy bẩn hay sạch. Cũng như tất cả những người “khôn ngoan” ở thành phố tự lo cho thân mình bằng cách trồng rau nuôi gà trên sân thượng cũng không thể quanh năm suốt tháng chỉ ăn cơm ở nhà. Còn người nông dân, chỉ có thể khiến họ thôi sử dụng những chất bẩn, chất cấm nếu chúng ta đưa ra cho họ một quy trình khác, đảm bảo đầu ra an toàn.
Năm 2016 được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chọn để bắt đầu chương trình giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo tinh thần mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ra là: “Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt”, coi đó là một trong những tiêu chí nhằm góp phần xây dựng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề quá lớn và quá nghiêm trọng ở Việt Nam. Vấn đề diễn ra trong nhiều năm qua đang làm suy giảm nguồn nhân lực của xã hội và rất có thể sẽ còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi vài thập niên nữa. Mọi người cần suy nghĩ và hành động khác đi thay vì đổ lỗi và mất niềm tin vào nhau. Không thể có một xã hội khoẻ mạnh và văn minh nếu riêng rẽ mỗi cá nhân chỉ biết lo cho sự an toàn của riêng mình. Càng không thể chỉ đổ lỗi cho nông dân chạy theo lợi nhuận. Cùng với các thái độ xã hội và chương trình giám sát của Mặt trận, giải quyết căn cơ việc này là trách nhiệm của Chính phủ. Đây là việc không thể chậm trễ hơn nữa, nó cần sự quyết liệt và phân công trách nhiệm, chịu trách nhiệm đến cùng, với những biện pháp đủ mạnh, đủ nghiêm minh trong xử phạt, cùng với đó là cơ chế hợp lý để huy động xã hội tham gia vào việc tạo ra một nền sản xuất sạch, một thị trường tiêu thụ công bằng cho nông sản Việt.Nếu còn chưa giải quyết được việc này là lỗi của quản lý, không phải lỗi của người dân.
Dân dĩ thực vi tiên, thuở sơ khai, loài người quan niệm phàm cái gì để nuôi sống con người thì đều đáng được trân quý. Nay chúng ta đã đạt tới mức thừa mứa cái nuôi sống thì vẫn như ông giáo sư nọ, loay hoay suốt ngày với miếng ăn, không phải vì không có cái để ăn mà vì nhiều thứ không biết ăn vào có sống không?
Cẩm Anh
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.