Đóng kín cửa bật điều hòa, anh Nghĩa 38 tuổi ở Hải Dương nằm trên nền nhà ngủ đến sáng tỉnh dậy thấy khó nói, đau người, bên cạnh là con rắn cạp nia đã chết.
Cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Nghĩa trong tình trạng hôn mê phải thở máy. Người nhà cho biết tối 1/8, cả nhà đóng kín cửa bật điều hòa, 3 mẹ con nằm trên giường còn anh Nghĩa ngủ trên nền nhà. Sáng dậy, anh cảm thấy người khó chịu, đau họng, khó nuốt, đau người, bên cạnh có con rắn cạp nia to bằng ngón tay út bị đè chết từ lúc nào.
Bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê. Ảnh: N.P. |
Gia đình xác định anh bị rắn cắn song không biết từ khi nào nên đưa vào bệnh viện ở Hải Dương. Sau đó anh được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt cơ hô hấp phải mở khí quản, thở máy.
Theo các bác sĩ, đây là thời điểm nhiều người dễ bị rắn cắn. Những người đi làm ruộng, canh nước ngủ sát mặt đất rất dễ bị rắn cắn. Việc điều trị thường lâu dài, hết sức tốn kém. Vì thế để phòng rắn cắn, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà. Trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn hiệu quả, nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục xuất hiện nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và khua gậy xua đuổi rắn.
Khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Chú ý không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết cắn, thay vào đó có thể nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, bệnh nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.