Thứ Tư, 16/05/2018 | 12:02

Từ năm 2009 đến 2015, mức sử dụng kháng sinh tại Việt Nam tăng gần gấp ba lần so với 5 năm trước đó.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết chi phí thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Việt Nam năm 2017 gần 35 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong 30 hoạt chất có chi phí nhiều nhất năm 2017 thì kháng sinh chiếm 30%. Chi trả cho kháng sinh amoxicillin tăng 20% với gần 623 tỷ; kháng sinh cefoxitin tăng đột biến tới 443%, từ 76,5 tỷ lên gần 416 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ lên đến 91%. Các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý. Theo khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết… 

Tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ vi khuẩn đường ruột E.coli kháng kháng sinh lên tới 74,6%. Tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae gần 60%. Vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) kháng trên 90% loại kháng sinh…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Thực tế, tình trạng kháng kháng sinh đang là nỗi lo chung của cả thế giới. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Trong hơn 5 năm (từ 1983 đến 1987), cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Từ năm 2008 đến nay không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra.

Tình trạng kháng thuốc đã trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp, mất hiệu quả chống nhiễm trùng, mất hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong các thủ thuật y khoa và phẫu thuật. Hậu quả là tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong, tăng thời gian điều trị nội trú và tốn kém chi phí điều trị.

Dự báo đến năm 2050, khoảng 10 triệu người tử vong mỗi năm do kháng kháng sinh. Thực tế này ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc năm 2017 đến 2020. Nhóm này có nhiệm vụ đánh giá, giám sát về tình trạng kháng thuốc và đưa ra giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.

Lê Nga

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook