Chủ Nhật, 12/06/2016 | 12:30

Việt Nam hiện đang phải đối mặt tình trạng trẻ em béo phì tăng nhanh nhưng lại cũng là nước có tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở mức cao so với thế giới. Đây chính là gánh nặng kép mà theo các chuyên gia dinh dưỡng không dễ gì khắc phục.

Gánh nặng kép

Ảnh minh họa.

Nỗi lo khi thịt tăng, rau giảm

Suốt một thời gian dài, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam khá nặng nề, có tới hơn 50% số trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân (cân nặng theo tuổi thấp); trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù và suy dinh dưỡng thể teo đét gặp khá phổ biến. Kết quả khảo sát về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong 8 năm qua (từ 2007 đến năm 2015) của Viện Dinh Dưỡng quốc gia cho thấy: Tỉ lệ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 21,2% xuống còn 14,5%.

Tỉ lệ thấp còi cũng giảm từ 33,9% xuống còn 24,9%. Tuy nhiên với tỉ lệ này, Việt Nam đang đứng trong top 20 quốc gia có lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi nhiều nhất thế giới với con số 2,2 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi).

Ngược lại, hiện Việt Nam đang có khoảng nửa triệu trẻ em ở độ tuổi này bị thừa cân béo phì. Cũng theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc ở trẻ em dưới 5 tuổi là 4%. Đặc biệt tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này lên tới 6%, cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết, theo kết quả nghiên cứu sau hơn 10 năm, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm. Khẩu phần ăn đơn điệu chủ yếu là cơm và rau chỉ còn thấy ở một số vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn. Còn phần lớn người dân các thành phố và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá thì cơ cấu bữa ăn lại quá nhiều đạm, chất béo dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ.

Phân tích nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng, ông Tuyên cho rằng cha mẹ và người trực tiếp chăm trẻ thường thiếu kiến thức chăm sóc như: Trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày và cũng có thể do trẻ biếng ăn….

Đề cập đến gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề chung của tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì là hai nhóm trẻ này đều bị thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, canxi, sắt, iod, kẽm,…).

Suy dinh dưỡng thể thấp còi hay béo phì, thiếu dinh dưỡng và thường xuyên mắc bệnh nhiễm khuẩn không chỉ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao mà còn gây tổn thương đến chức năng và cấu trúc của não bộ, do đó làm chậm quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ của trẻ, tác động tiêu cực, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Cân bằng dinh dưỡng

Tại một hội thảo mới đây về dinh dưỡng trẻ em ở Hà Nội, nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ họ cảm thấy căng thẳng và tổn thương khi bị gia đình chồng xoi mói, chê bai không biết chăm con. Chị Mai Anh – Thanh Nhàn (Hà Nội) chia sẻ: Hai đứa con gái của em cách nhau 4 năm, đứa nào cũng gầy nhẳng, em cũng tìm hiểu cách chăm con trên mạng, học hỏi bạn bè và làm theo nhưng không hiệu quả.

Đi đâu người ta cũng chê con còi cọc thấy vừa buồn, vừa xấu hổ. Ngại nhất là mẹ chồng cứ nhắc nhở con phải xem xét thế nào, chứ ở Hà Nội mà để con suy dinh dưỡng là người ta cười đấy.

Để giải quyết “gánh nặng kép” về dinh dưỡng, theo thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, ngành dinh dưỡng cần xây dựng cơ cấu bữa ăn hợp lý, nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về phòng và chống mất cân bằng dinh dưỡng để nhân rộng ra toàn quốc. Trong đó cần giúp đỡ về lương thực cho các vùng khó khăn, và tuyên truyền về cân bằng dinh dưỡng ở thành phố.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của mỗi gia đình, cá nhân. Cha mẹ nên làm gương thiết lập lối sống lành mạnh trong chính gia đình của mình. Xây dựng thực đơn phong phú, đầy đủ các nhóm thực phẩm, tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời cho trẻ để trẻ có thể được phát triển một cách toàn diện.

Theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn – nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em là tương lai của mỗi gia đình và xã hội. Chăm sóc trẻ em khoa học để đảm bảo sức khỏe thể chất, sức khỏe trí tuệ cũng chính là đảm bảo tương lai cho cả cộng đồng.

Tuy nhiên, ông cho rằng hướng dẫn ăn uống và dinh dưỡng hợp lý là một vấn đề không dễ dàng trong bối cảnh nhiều thói quen ăn uống lạc hậu, thiếu khoa học còn tồn tại khá phổ biến ngay cả ở các tầng lớp thu nhập trung bình hoặc khá. Nhiều bà mẹ bối rối hỏi về dinh dưỡng cho con, họ lo lắng cho tình trạng gầy yếu của con, mua đủ các loại thực phẩm chức năng bổ sung, rồi nhồi bao nhiêu cá thịt tôm cua cho bữa ăn nhưng không hiệu quả, vài tháng con cũng không lên cân. Phải hiểu rằng, mức độ hấp thụ của trẻ em khác nhau, chăm con đúng cách mới hiệu quả.

Theo khuyến cáo của UNICEF, để hạ thấp tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở trẻ em cần phải tập trung việc cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ trước và trong suốt thời kỳ mang thai và trẻ em dưới hai tuổi. Kém phát triển bào thai hoặc suy dinh dưỡng thấp còi trong hai năm đầu tiên của cuộc đời sẽ gây nên những tổn thương không hồi phục được, bao gồm cả chiều cao lúc trưởng thành thấp hơn, học thức kém. Tập trung vào chăm sóc cho trẻ em trong hai năm đầu đời để phát triển tốt, không bị suy dinh dưỡng hoặc bị béo phì sớm là nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển thể chất sau này.

Biểu hiện của suy dinh dưỡng ở trẻ em là trẻ chậm tăng cân, tầm vóc phát triển không theo kịp các bạn cùng lứa tuổi. Sức đề kháng yếu dễ mắc bênh, kém linh hoạt, phát triển trí não chậm do thiếu các vi chất có liên quan. Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em xảy ra khi mức cung ứng các chất dinh dưỡng cho bé không đủ với nhu cầu sinh lý.

Đỗ Linh

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook