Suốt cả một quãng dài của lòng sông Hao Hao (đoạn chạy qua xã Hùng Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) luôn đục ngầu và bị vằm nát do nạn khai thác và tập kết cát trái phép gây ra. Hệ lụy của nó là, khu vực hạ lưu bà con phải sử dụng nguồn nước bị biến đổi, đường xá hư hỏng, ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ mất đất canh tác mỗi khi mùa mưa lũ về… Trong khi, người dân đang bức xúc trước nạn “cát tặc” thì chính quyền địa phương lại tỏ ra bất lực trong việc xử lý.
Khai thác cát trái phép ở thượng lưu sông Hao Hao.
Tan hoang cả dòng Hao Hao
Theo phản ánh của nhân dân thôn Song, thôn Đông, xã Hùng Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) về nạn “cát tặc” đang diễn ra rầm rộ trên sông Hao Hao, gây tác động nghiêm trọng đến dòng chảy; ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khoẻ nhân dân… Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có mặt ghi nhận và tìm hiểu sự việc. Qua chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới vị trí được cho là nơi “cát tặc” đang lộng hành khai thác. Trước mắt chúng tôi, một dòng Hao Hao xanh mướt mát trước kia nay đã bị biến dạng, ngầu đỏ với những cồn bãi mấp mô, từ hệ luỵ nạn khai thác cát trái phép. Cách không xa vị trí chúng tôi đứng, phía thượng lưu con sông này là sự xuất hiện của những bến bãi cát lậu. Gắn với mỗi bến bãi là các tàu hút cát công suất lớn đang vươn vòi “móc ruột” lòng sông.
Ông Đào Cương Quyết (một hộ dân thôn Song) lo lắng: “Cứ đà này thì sông Hao Hao “chết yểu” vì nạn khai thác cát lậu. Không hiểu vì sao họ hoạt động rầm rộ như vậy mà không bị xử lý? Bà con thì bức xúc bởi thực trạng trên, không những tác động đến dòng chảy, đến hành lang tiêu thoát lũ hàng năm của sông Hao Hao mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ nhân dân”.
Đi dọc theo bờ sông, chúng tôi dừng lại tại vị trí khai thác, tập kết cát trái phép của một chủ bãi tên Quý. Qua quan sát, phía dưới dòng Hao Hao là một tàu hút cát công suất lớn không ngừng vươn “vòi bạch tuộc” móc ruột lòng sông. Vòi “bạch tuộc” vươn đến đâu thì những xoáy nước xuất hiện ở đó. Đất ở hai bên bãi sông cũng bị “nuốt” dần. Phía dưới sông đã vậy, phía trên bãi tập kết cát thì hàng chục lượt xe vận tải cỡ lớn, xe “hổ vồ” đang ra vào rầm rộ. Điều tra của phóng viên được biết: Kể từ khi có dự án đường Nghi Sơn – Bãi Trành triển khai thì cũng là lúc các đối tượng “cát tặc” trên sông Hao Hao lộng hành. Dư luận cho rằng, các đối tượng trên bất chấp ảnh hưởng đến dòng chảy, đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân là vì lợi nhuận “khủng” từ việc bán cát cho dự án này. Những gì mà người dân phản ánh là hoàn toàn có có sở khi phóng viên theo dõi thì hầu hết những chiếc xe “hổ vồ” chở cát ra vào từ các bãi cát lậu này đều có điểm dừng trên những tuyến đường dự án đang thi công!?
Cũng theo nhiều người dân tại Hùng Sơn: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện và các ban, ngành chức năng với mong muốn được xử lý dứt điểm vấn nạn này. Thực tế, đã có khá nhiều đoàn về kiểm tra, xử lý, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, chỉ sau một thời gian ngắn “im hơi, lặng tiếng”, các mỏ cát trái phép này lại trở lại hoạt động rầm rộ như chưa có gì xảy ra.
Chính quyền bất lực?
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng “cát tặc” trên sông Hao Hao, ông Cao Đình Tuân – Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn thừa nhận sự việc phóng viên phản ánh là có thật.
Ông Tuân cho biết: Nạn “cát tặc” diễn ra từ khá lâu. Chính quyền xã đã không ít lần kiểm tra, lập biên bản xử lý, trong số đó có không ít lần bắt giữ tạm thu phương tiện máy móc của các đối tượng “cát tặc” trên. Gần đây nhất, chính quyền xã Hùng Sơn đã kiểm tra và xử phạt hành chính ông Nguyễn Văn Quý với số tiền 5 triệu đồng. Ngày 31-3, Đội Công an môi trường tỉnh tiếp tục bắt giữ và xử lý 2 xe vận tải cát trái phép của hộ ông Quý… Tuy nhiên, theo ông Tuân thì thẩm quyền xử lý cấp xã chỉ có 5 triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Dù đã rất nhiều lần xử lý nhưng cũng không thể xoá bỏ được nạn “cát tặc” một cách triệt để. Muốn có kết quả, theo ông Tuân phải có sự vào cuộc của cấp huyện và các đơn vị chức năng của tỉnh.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Hầu hết các chủ cát đều là người địa phương, nên chính quyền xã cũng ngại… va chạm và né trong việc xử lý một cách cứng rắn! Nên cách giải thích của ông chủ tịch UBND xã Hùng Sơn có lẽ chỉ là sự biện hộ cho sự yếu kém, bất lực trong việc quản lý tài nguyên tại địa phương.
Nguyễn Chung – Đình Giang
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.