Mối quan hệ huyết thống là vô cùng thiêng liêng nhưng có biết bao đứa con không nhìn nhận cha mẹ? Tại con hư? Tại cha mẹ xấu? Hay tại…?
Ảnh minh họa |
Chuyện người nổi tiếng
Các fan hâm mộ ngôi sao nhí Macaulay Culkin trong bộ phim Home Alone (Ở nhà một mình) có lẽ đều mang sự thất vọng khi nhìn cậu bé bước vào tuổi trưởng thành. Năm 1990, khi mới lên 10, Macaulay đã trở thành cậu bé vàng của Hollywood khi nhận vai chính cho loạt phim Home Alone với khoản thù lao kết sù dành cho một diễn viên nhí: 5 triệu USD.
Nhưng tuổi thơ và sự nghiệp của cậu sớm rơi vào hồi kết vì cuộc sống gia đình lục đục. Năm 1995, cha mẹ cậu ly dị và tranh nhau quyền nuôi con cũng như quyền giám sát số tài sản cậu kiếm được. Vụ tranh chấp diễn ra ồn ào và mang màu sắc chợ búa đến nỗi không nhà sản xuất nào dám giao vai diễn cho Maucaulay vì sợ bị rắc rối.
Đến tháng 4/1997, mọi tranh chấp mới được hoàn thành, quyền chăm sóc Maucaulay được giao cho người mẹ. Nhưng cũng từ đó, người hâm mộ đã mãi mãi không còn mong có cơ hội được nhìn thấy hình ảnh cậu bé Maucaulay trong sáng, lém lỉnh và tinh nghịch của ngày nào mà thay vào đó là hình ảnh một Maucaulay bệ rạc, chán chường và nghiện rượu.
Macaulay Culkin trong phim “Ở nhà một mình” |
Trong cuốn hồi ký viết năm 23 tuổi, Macaulay kể lại rằng. Trong thời gian cha mẹ tranh chấp, cậu thường xuyên phải sống trong những lời rì rầm nguyền rủa của mẹ dành cho cha. Những câu như: cha con là người vô trách nhiệm, là người nát rượu, kẻ bội tín, kẻ phản bội… cứ như điệp khúc lập lại mãi từ miệng người mẹ khiến chúng dần đi vào tâm trí cậu về hình ảnh một người cha tồi tệ.
Chính vì thế khi trả lời báo chí, Macaulay đã nói rằng: “Ông ấy không phải là người cha tốt. Tôi không được gặp ông ấy, đó là điều bất hạnh, nhưng tôi không có bất cứ mong muốn nào được gặp ông ấy. Miễn chừng nào ông ấy còn không xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà tôi, tôi thấy hạnh phúc chừng đó”.
Cũng rơi vào tình cảnh cha mẹ ly dị như Macaulay, cô đào Angelina Jolie cũng trải qua thời gian rất dài không “nhìn mặt” cha vì những ấn tượng về người cha có cũng như không từ mẹ.
Năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi “Đứa con cần có bố không?”, Angelina Jolie đã khẳng định: “Từ nhỏ tôi đã không có bố. Mặc dù cũng biết ông ấy là ai, thỉnh thoảng cũng có gặp nhưng như thế chưa chắc đã có lợi cho trẻ con”.
Dù cha cô, một diễn viên thượng thặng của Hollywood-Jonh Voight đã hết sức cố gắng làm hòa và xây lại hình ảnh trong mắt con gái, nhưng phải đến khi ông gần 70 tuổi thì Angelina mới có chút biểu hiện của sự tha thứ.
Angelina Jolie |
Nhìn nhận của nhà tâm lý
Trong cuộc sống gia đình hiện nay, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng cáu bẳn, căm ghét, cha hoặc mẹ như hai nhân vật nổi tiếng trên nhưng chuyện của họ được “phơi bày” vì là người nổi tiếng. Dù ở Việt Nam chưa có sự thống kê chính thức nào về số lượng trẻ em có ảnh hưởng tâm lí này nhưng khắp các diễn đàn trên Internet, cuộc sống vẫn luôn gặp những hiện tượng đó.
Ghi nhận tại các trung tâm tư vấn tâm lí trẻ em, không ít em trở nên lầm lì, khó hòa đồng, bất cần là do thường xuyên phải nghe những lời nói xấu về nhau của cha mẹ mà phần lớn là nghe mẹ nói xấu cha.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Trung tâm Tư vấn Linh Tâm) những lời nói xấu của mẹ về cha sẽ hủy hoại tâm hồn trẻ nhỏ, hủy loại lòng tin của trẻ. Sự giận dữ của Angelina và Macaulay ở trên cũng chỉ là điển hình cho những ám ảnh tuổi thơ, những nhìn nhận lệch lạc ghi dấu từ tuổi thơ về người cha. Con cái thường có tâm lý lấy cha mẹ làm điểm tựa, làm thần tượng để “lớn lên”.
Với các em, thế giới thường đẹp và niềm tin của các em thường tuyệt đối. Ở độ tuổi dưới 4 thì các em sẽ chỉ bắt chước những lời người lớn nói, chưa hiểu hết nghĩa, chỉ biết sợ thái độ. Nhưng khi bắt đầu cảm nhận được (từ 5-6 tuổi) thì chúng dần ấn tượng về người khác qua cách dạy và nhận xét của người lớn.
Đến tuổi thành niên, chúng đã biết nhận thức đánh giá thì lời nói xấu của mẹ về cha khiến chúng chán nản, nghi ngờ, đổ vỡ niềm tin, mất dần tôn trọng không chỉ với cha mà ngay cả với người mẹ.
Theo các nhà tâm lý học, nói xấu chồng là một cách để hả giận của phụ nữ. Có những người nói xấu chồng để lôi kéo con về phía mình, mong con bênh vực mình khi vợ chồng giận nhau.
Nhất là sau khi ly hôn, nói xấu nhau là để thỏa mãn sự tức giận, để con ghét “kẻ kia” theo mình. Nhưng họ không biết rằng “trồng cây nào thu quả ấy”, những lời nói xấu của họ khiến con mình tâm lý lệch lạc, tổn thương và in sâu cả khi đã trưởng thành.
Châm ngôn để mẹ là cầu nối cha và con Châm ngôn chung cho cả hai người: – Vợ chồng yêu thương nhau thì không nói xấu nhau. – Nếu ly hôn, phía nuôi con mà thường xuyên xúi giục con cái căm giận người kia, ảnh hưởng sự phát triển của con thì có thể bị tước quyền chăm sóc con. Cho mẹ: – Không nói xấu, chì chiết chồng trước mặt con. Nên giải thích cho con hiểu đúng nếu cha chúng mắc sai lầm. – Khi giận chồng nên lựa chọn cách đối thoại với chồng. Khi đã li dị thì nên giải thích “cha mẹ không hợp nhau” không nên chỉ trích người kia. – Con là con chung không riêng của một ai. – Hình tượng cha trong mắt con đẹp thì chính người chồng biết ơn bạn. Đó là bí kíp giữ hạnh phúc, giữ chồng. Cha: -Nên gần gũi con, chia sẻ với vợ về cách dạy con. – Khi biết vợ nói xấu mình trước con nên trao đổi thẳng. – Tự bản thân phải tạo hình ảnh đẹp trong mắt vợ và conn. |
Tạ Hà
Chưa có bình luận.