Cách sử dụng miếng dán ngừa thai và những khuyến cáo khi sử dụng
Miếng dán ngừa thai là một miếng dán nhỏ, kích cỡ khoảng mỏng khoảng 4,5cm2, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán có khả năng giải phóng estrogen và progestin, các loại hormone tương tự với hormone do cơ thể sinh ra vào máu thông qua da để ngăn ngừa sự rụng trứng.
Miếng dán tránh thai còn giúp làm đặc chất nhầy cổ tử cung, gây khó khăn cho sự tiếp xúc giữa trứng và tinh trùng. Miếng dán tránh thai nếu được sử dụng đúng cách sẽ cho hiệu quả cao, tỷ lệ tránh thai lên tới 95%. Nếu muốn có thai trở lại, chỉ cần ngưng sử dụng miếng dán và trứng sẽ rụng trở lại sau khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt.
Suốt thời gian dùng miếng dán tránh thai, kinh nguyệt của bạn vẫn diễn ra như bình thường
Cách dán miếng dán ngừa thai:
Dán vào một ngày cố định. Ví dụ: Bạn dán miếng dán vào ngày thứ 2 tuần đầu tiên, đến thứ 2 tuần sau, bạn thay miếng dán tránh thai kế tiếp. Sử dụng miếng dán ba tuần thì nghỉ một tuần. Miếng dán được thiết kế khá chắc với độ bám dính cao nên bạn không lo bong ra.
Lưu ý:
+ Không được dán miếng dán tránh thai lên vú, vùng da đang bị đỏ hoặc kích ứng hoặc bị trầy xước;
+ Không nên trang điểm, sử dụng các loại kem, phấn hoặc các sản phẩm khác lên vùng da đang dán miếng dán và vùng da sắp được dán miếng dán để tránh làm giảm tính kết dính của miếng dán tránh thai, làm giảm hiệu quả tránh thai
+ Không nên tháo miếng dán trong khi hoạt động thường ngày, như tắm rửa, bơi lội, tập thể dục thể thao
Khuyến cáo thận trọng khi sử dụng miến dán ngừa thai
Bạn sẽ gặp một số tác dụng phụ tương tự như uống thuốc. Vùng da đặt miếng dán sẽ hơi bị ửng đỏ.
Theo một số chuyên gia về thẩm mỹ cho biết, sử dụng miếng dán ngừa thai không đúng cách thì rất dễ có thể gây kích ứng da tại chỗ dán, căng ngực, nhức đầu, cảm giác châm chích vùng dán, buồn nôn, đau âm ỉ vùng bụng…
Nguyên nhân là do chứa hàm lượng estrogen cao nên miếng dán ngừa thai có thể gây tác dụng phụ nhiều hơn so với các loại thuốc khác và cũng có thể do cơ thể bạn chưa thích ứng được với hàm lượng estrogen cao như vậy. Thông thường những tác dụng phụ này sẽ giảm theo thời gian sử dụng. Miếng dán ngừa thai chứa norel gestromin/ethinyl estradiol làm tăng nguy cơ cục máu đông và bệnh huyết khối ở một số người. Các triệu chứng có thể báo trước huyết khối thường gặp là đau bắp chân, khó thở, đau tức ngực hay ho ra máu.
Người sử dụng miếng dán tránh thai bị hấp thu lượng estrogen cao hơn khi dùng viên nén tránh thai thông thường khoảng 60% bởi cơ chế thẩm thấu và đào thải của miếng dán có nhiều khác biệt so với viên nén đường uống. Sự tăng cao bất thường của lượng hormone estrogen trong máu đã khiến chứng huyết khối tăng gấp 3 lần so với những lần dùng viên nén tránh thai.
Bác sĩ Dương Đình Hùng, Phó chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cũng phân tích về những tác dụng phụ của miếng dán tránh thai này: “Giống như các thuốc ngừa thai dạng uống, miếng dán ngừa thai cũng có một số tác dụng phụ như ngứa ngay chỗ dán, nhức đầu, căng ngực và buồn nôn. Tuy nhiên tác dụng phụ này sẽ giảm dần vào những tháng tiếp theo”.
Có thể gây tai biến, tử vong
Bác sĩ Dương Đình Hùng, Phó chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, khuyến cáo: “Trước khi muốn sử dụng miếng dán tránh thai thì tốt nhất là nên tìm hiểu kỹ lưỡng và tìm đến các trung tâm y tế để khám sức khỏe và được hướng dẫn cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
“Người có tiền căn bệnh cao huyết áp hay huyết áp thất thường, nghẽn mạch, bệnh gan nặng, phụ nữ trên 35 tuổi có hút thuốc lá không nên dùng sản phẩm này. Bởi lượng oestrogen trong miếng dán ngừa thai và viên thuốc tránh thai tương đương nhau nhưng khi uống thuốc, hormone được chuyển hóa trong ruột trước khi đi vào mạch máu, còn khi dùng miếng dán, hormone đi trực tiếp vào mạch máu.
Vì vậy, đối với những người bị bệnh huyết áp cao, tiểu đường và số bệnh về tim mạch thì không nên dùng miếng dán tránh thai vì có thể gây ra tai biến, dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.