Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một chứng rối loạn tiêu hóa mạn tính có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em khó xác định nguyên nhân vì trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc mô tả và truyền đạt các triệu chứng theo cách mà người lớn hiểu. Hội chứng ruột kích thích gồm một nhóm các triệu chứng như đau bụng kèm theo tiêu chảy, táo bón hoặc kết hợp cả hai.
Hội chứng ruột kích thích được gọi là bệnh đường tiêu hóa chức năng (FGID), là sự rối loạn về cách thức hoạt động của đường tiêu hóa. Nó không liên quan đến sự bất thường về cấu trúc hoặc sinh hóa máu. Đường tiêu hóa của trẻ mắc hội chứng ruột kích thích thường không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương thực thể nào.
Các triệu chứng hội chứng ruột kích thích ở trẻ em xảy ra lặp đi lặp lại theo thời gian. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích ở trẻ em, nhưng họ tin rằng đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau gây ra các triệu chứng. Những yếu tố này có thể là môi trường, tâm lý xã hội và sinh học. Hội chứng ruột kích thích có thể có yếu tố di truyền.
1. Trẻ em có bị ảnh hưởng bởi IBS không?
Việc một người lớn được chẩn đoán mắc IBS thường phổ biến hơn, nhưng trẻ em cũng có thể mắc hội chứng ruột kích thích. Các triệu chứng hội chứng ruột kích thích thường giống với các rối loạn tiêu hóa khác, do đó khó chẩn đoán hội chứng ruột kích thích ở trẻ em.
Để chẩn đoán IBS trẻ cần có triệu chứng đau bụng hơn hai tháng kèm theo những thay đổi trong nhu động ruột (táo bón hoặc tiêu chảy) trong hơn bốn ngày mỗi tháng.
2. IBS phổ biến ở trẻ em như thế nào?
Tại Hoa Kỳ, một số báo cáo cho rằng 1,2 đến 2,9% trẻ em bị ảnh hưởng bởi IBS. Con số này có thể thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc IBS thực tế ở trẻ em, vì có thể nhiều trẻ em không được chẩn đoán. Một số nghiên cứu báo cáo tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích từ 5 đến 20% ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Hội chứng ruột kích thích là một trong những loại bệnh đường tiêu hóa chức năng phổ biến nhất và là nguyên nhân rất phổ biến gây đau bụng kéo dài, tái phát ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các báo cáo chỉ ra rằng IBS phổ biến hơn ở trẻ nhỏ so với thanh thiếu niên. Các triệu chứng có thể tự khỏi khi tuổi càng tăng. Hội chứng ruột kích thích được cho là ảnh hưởng như nhau ở cả bé trai và bé gái trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
3. Triệu chứng của IBS ở trẻ em là gì?
Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi trẻ, nhưng các triệu chứng phổ biến bao gồm:
+ Đau bụng tái phát
+ Đầy chướng bụng và cảm giác nhanh no
+ Đau bụng
+ Táo bón
+ Tiêu chảy
+ Nhu cầu đại tiện đột ngột không thể trì hoãn được
+ Cảm giác không hết sau khi đi đại tiện
+ Phân có nhầy
+ Ăn không ngon
+ Đau bụng
+ Buồn nôn
Tùy thuộc vào tần suất và sự xuất hiện của nhu động ruột, IBS có thể được chia thành các loại khác nhau:
+ IBS-D: IBS chủ yếu gây tiêu chảy
+ IBS-C: IBS chủ yếu gây táo bón
+ IBS-M: IBS vừa tiêu chảy vừa táo bón
+ IBS-U: loại IBS này không phân loại được; tính nhất quán của phân không đáp ứng các tiêu chí cho IBS-D, IBS-C, IBS-M.
4. Dấu hiệu cảnh báo IBS ở trẻ em và thanh thiếu niên là gì?
Cha mẹ của trẻ mắc IBS thường quen với việc giúp con mình kiểm soát các triệu chứng của chứng rối loạn này. Nếu các triệu chứng mới xảy ra, có thể có một tình trạng tiềm ẩn nghiêm trọng hơn cần được điều trị y tế. Các triệu chứng khiến cha mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ bao gồm:
+ Sốt
+ Đau bụng vùng rốn
+ Cơn đau lan từ vùng này sang vùng khác
+ Đau bụng trên liên tục
+ Tiêu chảy nặng
+ Tiêu chảy về đêm
+ Máu trong phân
+ Chất nhầy trong phân
+ Giảm cân không rõ nguyên nhân
+ Rối loạn tăng trưởng và phát triển như dậy thì muộn
+ Mệt mỏi
+ Tiền sử gia đình mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh celiac hoặc bệnh loét dạ dày tá tràng
+ Khó nuốt
+ Đau khi nuốt
+ Nôn tái phát
+ Viêm khớp
5. Tại sao hội chứng ruột kích thích là một thử thách đặc biệt đối với trẻ em?
IBS đặc biệt khó chẩn đoán ở trẻ em vì chúng khó mô tả và xác định các triệu chứng. Trong độ tuổi từ 8 đến 12, trẻ thường có thể mô tả rõ hơn các triệu chứng của mình.
Trẻ mắc IBS thường cảm thấy không khỏe hoặc mệt mỏi. Cha mẹ có thể nhận thấy rằng hội chứng ruột kích thích có tác động tiêu cực đến hình ảnh của trẻ, kết quả học tập và các tương tác xã hội. Thường xuyên đi vệ sinh, đau hoặc đầy hơi có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và xấu hổ khi ở cạnh bạn bè. Nhiều trẻ mắc hội chứng ruột kích thích cảm thấy tình trạng này rất căng thẳng.
Trẻ mắc IBS thường phát triển và tăng trưởng bình thường. Các triệu chứng thậm chí có thể tự khỏi khi tuổi càng lớn. Trong một số trường hợp, trẻ bị ảnh hưởng có ý thức ăn ít hơn để tránh bị đau sau khi ăn. Điều này có thể dẫn đến giảm cân hoặc thiếu cân.
6. Nguyên nhân gây ra IBS ở trẻ em?
Các chuyên gia y tế không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích ở trẻ em.
Một giả thuyết cho rằng ruột của trẻ mắc IBS rất nhạy cảm với thức ăn hoặc các tác nhân gây căng thẳng thường không khiến người khác lo lắng (quá mẫn cảm nội tạng).
Các nhà khoa học cũng tin rằng sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột (SIBO) có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của hội chứng ruột kích thích. Một số triệu chứng IBS bắt đầu sau khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn (IBS sau nhiễm trùng) hoặc dùng thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh).
Cho đến nay, không có nguyên nhân di truyền cụ thể nào được biết là có liên quan đến IBS. Tuy nhiên, nguy cơ mắc IBS tăng lên ở những trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em ruột cũng mắc IBS. Sự tương tác của các yếu tố di truyền, môi trường và xã hội có thể là nguyên nhân gây ra điều này.
Có mối liên quan giữa IBS và căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích và các triệu chứng hội chứng ruột kích thích có thể gây căng thẳng.
7. Làm thế nào để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích ở trẻ em?
IBS ở trẻ em có thể được chẩn đoán sau khi hỏi kỹ tiền sử bệnh và gia đình, cũng như khám thực thể, điều này được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
Tiêu chí chẩn đoán rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, bao gồm hội chứng ruột kích thích, hiện nay dựa theo “Tiêu chuẩn Rome IV”. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích có thể được thực hiện nếu các triệu chứng sau xuất hiện trong hai tháng:
+ Đau bụng ít nhất bốn ngày một tháng.
+ Nhu động ruột tăng hoặc các cơn đau tăng hơn.
+ Thay đổi thói quen đi đại tiện với hình dạng và tần suất phân thay đổi.
+ Cơn đau không biến mất khi đi đại tiện ở trẻ bị táo bón.
+ Không thể xác định được tình trạng bệnh lý nào khác.
Các triệu chứng IBS cũng giống với nhiều rối loạn khác ở ruột, như bệnh celiac (thường được gọi là không dung nạp gluten), bệnh viêm ruột hoặc kém hấp thu carbohydrate. Tất cả những vấn đề này nên được loại trừ trước khi trẻ được chẩn đoán mắc IBS.
Ngoài việc khám thực thể, các xét nghiệm sau đây thường được sử dụng trong quá trình chẩn đoán:
+ Xét nghiệm máu
+ Xét nghiệm nước tiểu
+ Xét nghiệm phân
+ Xét nghiệm test hơi thở hydro cũng có thể được thực hiện để loại trừ tình trạng không dung nạp lactose hoặc fructose, chứng vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non (SIBO). Trong trường hợp này, nên cho trẻ chế độ ăn kiêng có thể được khuyến nghị để loại bỏ những thực phẩm gây khó chịu.
8. Các lựa chọn điều trị cho trẻ em mắc hội chứng ruột kích thích là gì?
Vì không có cách chữa trị chung nào cho IBS nên việc điều trị bệnh nhằm mục đích giảm các triệu chứng hàng ngày và cải thiện chức năng ruột. Lý tưởng nhất là điều trị hội chứng sẽ giúp cải thiện toàn trạng và chất lượng cuộc sống.
Cần nhiều nghiên cứu hơn về phương pháp điều trị hội chứng này ở trẻ em. Hiện tại, chỉ có một số nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện về điều trị IBS ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các lựa chọn điều trị hội chứng này ở trẻ em bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, trị liệu hành vi và dùng thuốc trong trường hợp các triệu chứng mức độ nặng.
Chế độ ăn uống cho trẻ bị IBS
Các nghiên cứu nhỏ cho thấy chế độ ăn ít FODMAP có thể có hiệu quả ở trẻ mắc hội chứng này. FODMAP là viết tắt của oligo-, di-, mono-saccharides và polyol có thể lên men. FODMAP là những carbohydrate nhỏ, có thể lên men và khó tiêu hóa. Giảm lượng FODMAP trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng, đặc biệt là đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Người ta tin rằng chế độ ăn kiêng này có thể dẫn đến những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột có thể làm giảm một số triệu chứng.
Có một số bằng chứng cho thấy việc tăng cường chất xơ có thể giúp ích cho người lớn mắc IBS. Cũng thiếu bằng chứng liên quan đến hiệu quả của việc tăng cường chất xơ ở trẻ em, vì vậy chế độ ăn nhiều chất xơ không được khuyến khích ở trẻ mắc IBS. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chế phẩm sinh học có thể hữu ích trong việc điều trị triệu chứng. Probiotic là những vi sinh vật tương tự như các vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm lên men bao gồm dưa cải bắp, tempeh, kim chi, miso, kombucha và dưa chua hoặc trong các chất bổ sung không kê đơn.
Huấn luyện hành vi cho trẻ mắc IBS
IBS và căng thẳng có thể có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Trong một số trường hợp, việc xác định và điều trị các yếu tố gây căng thẳng có thể cải thiện các triệu chứng. Cả liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp thôi miên hướng đường ruột đều đã được nghiên cứu để điều trị các triệu chứng hội chứng với kết quả khả quan. Liệu pháp hành vi nhận thức dạy trẻ mắc hội chứng cách đánh giá tình huống và phát triển các hành vi đối phó. Liệu pháp thôi miên hướng đường ruột sử dụng sự thư giãn sâu và gợi ý để giảm bớt các triệu chứng.
Trẻ em cũng có thể được khuyến khích ghi lại để theo dõi tình trạng sức khỏe để cảm thấy đủ bằng chứng giải quyết các tác nhân gây ra căn bệnh của mình. Các kỹ thuật thư giãn như yoga và tiến trình thư giãn cơ có thể có ích trong việc hạn chế căng thẳng, loại bỏ khả năng làm trầm trọng thêm các đợt hội chứng ruột kích thích. Những bài tập vừa phải cũng có thể cải thiện các triệu chứng.
Thuốc cho trẻ bị IBS
Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy thuốc có thể cải thiện IBS ở trẻ em. Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích mang tính cá nhân cao và bác sĩ có thể đề xuất kê đơn thuốc làm giảm các triệu chứng ở trẻ. Một số nghiên cứu báo cáo rằng dầu bạc hà có thể là loại thuốc được lựa chọn đầu tiên ở trẻ em mắc IBS tiêu chảy hoặc táo bón.
Cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ mắc hội chứng bằng cách nào?
Ngay cả khi không thể xác định được nguyên nhân của hội chứng thì vẫn cần việc quản lý triệu chứng bao gồm các phương pháp khác nhau: như tư vấn và giáo dục cha mẹ, dùng thuốc và các lựa chọn không dùng thuốc khác như thay đổi chế độ ăn uống và hoạt động vừa phải. Trong một số ít trường hợp, nếu cơn đau đặc biệt khó chịu, có thể cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
10. Hậu quả của hội chứng ruột kích thích đối với trẻ em là gì?
Nhiều trẻ mắc IBS không chỉ bị đau mà còn cảm thấy khó chịu về mặt xã hội. Đầy hơi và tiêu chảy có thể gây bối rối, đặc biệt là trong môi trường xã hội và giáo dục. Có bằng chứng cho thấy trẻ bị đau bụng chức năng mạn tính có nhiều khả năng mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm hơn những trẻ khác.
Đau bụng mạn tính ở thời thơ ấu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng thể chất và tâm lý xã hội khác như đau đầu, rối loạn lo âu và nghỉ học. Sự chăm sóc tâm lý xã hội hỗ trợ từ cha mẹ cũng quan trọng như việc quản lý triệu chứng. Với sự hướng dẫn đúng đắn từ cha mẹ, trẻ có thể học cách đối phó với hội chứng này cả về mặt tâm lý và xã hội.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích IBS ở trẻ em
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS) ở trẻ
Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em (IBS): những điều cha mẹ cần biết
Mèo mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) nên chọn thức ăn như nào
Yhocvn.net (Lược dịch theo Cara.care)
Chưa có bình luận.