Thứ Tư, 10/01/2024 | 16:30

Hội chứng ruột kích thích (IBS) ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến trong hai thập kỷ qua và nó có thể gây ra vấn đề cho cả trẻ em và người lớn. Khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi từ 4 -18 mắc hội chứng này. Hội chứng có liên quan đến việc trẻ trốn học, giảm chất lượng cuộc sống, gặp các vấn đề về tâm lý.

Hầu hết các nghiên cứu về điều trị hội chứng được thực hiện ở người lớn, điều này khiến việc điều trị cho trẻ em mắc IBS trở nên khó khăn.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là thuật ngữ dùng để xác định một nhóm các triệu chứng tiêu hóa xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu thực thể nào về tổn thương hoặc bệnh về đường  tiêu hóa. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, đầy hơi và thay đổi nhu động ruột. Trẻ bị hội chứng này có thể bị lúc thì táo bón, lúc thì tiêu chảy.

IBS được phân loại là rối loạn tiêu hóa chức năng. Rối loạn chức năng xảy ra khi có vấn đề của trục não và ruột phối hợp với nhau. Những rối loạn này còn được gọi là rối loạn tương tác ruột- não. Những vấn đề này có thể khiến đường ruột của trẻ nhạy cảm hơn, dẫn đến đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc kết hợp cả hai.

Các loại hội chứng ruột kích thích khác nhau ở trẻ em

Các nhà nghiên cứu đã xác định được bốn loại IBS khác nhau ở trẻ em. Mỗi phân loại của hội chứng có các kiểu và triệu chứng đi đại tiện khác nhau. Xác định loại hội chứng ruột kích thích mà trẻ mắc phải có thể giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Ghi sổ theo dõi sức khỏe về các triệu chứng và thói quen đại tiện của trẻ có thể giúp cha mẹ và bác sĩ xác định loại hội chứng ruột kích thích mà trẻ mắc phải.

4 loại hội chứng ruột kích thích bao gồm:

+ IBS táo bón (IBS-C): hơn 25% phân cứng và vón cục.

+ IBS tiêu chảy (IBS-D): hơn 25% phân lỏng và nhiều nước.

+ IBS đại tiện hỗn hợp (IBS-M): hơn 25% phân lỏng và nhiều nước và hơn 25% phân cứng và vón cục.

+ IBS-U: dưới 25% phân cứng hoặc vón cục, và dưới 25% phân lỏng hoặc chảy nước.

Ai có nguy cơ phát triển hội chứng ruột kích thích?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả yếu tố di truyền và môi trường đều đóng vai trò trong sự phát triển hội chứng ruột kích thích ở trẻ em. Một số gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vì vậy nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh này thì con trẻ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này.

Trẻ em bị nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa có nhiều khả năng mắc IBS hơn. Vì đây là một chứng rối loạn chức năng kết nối trực não – ruột nên trẻ gặp khó khăn về cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm và lo lắng sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Những nguyên nhân gây đau hoặc viêm xảy ra trong thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: dị ứng, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật.

Triệu chứng chẩn đoán

Các triệu chứng phổ biến nhất của IBS ở trẻ em là đau bụng, chủ yếu liên quan đến việc đi đại tiện và thay đổi cách đi đại tiện (tiêu chảy, táo bón, hỗn hợp) tùy thuộc vào phân loại hội chứng mà trẻ mắc phải.

Các triệu chứng khác bao gồm đầy hơi, có chất nhầy trong phân và trẻ có thể cảm thấy như chưa đi hết phân.

Chẩn đoán IBS ở trẻ em

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi khoa sẽ tiến hành hỏi bệnh sử kỹ lưỡng, khám thực thể và có thể yêu cầu xét nghiệm để loại trừ các tổn thương hoặc bệnh lý khác đối với hệ tiêu hóa. Bác sĩ sẽ đảm bảo không có nguyên nhân thực thể nào khác gây ra các triệu chứng tiêu hóa của trẻ.

Bác sĩ cũng sẽ xem xét các triệu chứng, kiểu đi đại tiện và thói quen của trẻ, vì vậy, việc ghi sổ theo dõi sức khỏe, ghi lại các triệu chứng của trẻ là hữu ích.

Nếu trẻ bị đau bụng hơn 4 ngày, đau khi đi đại tiện và thay đổi kiểu đi đại tiện, bác sĩ có thể chẩn đoán trẻ mắc hội chứng ruột kích thích.

Bác sĩ của trẻ cũng có thể chẩn đoán IBS nếu các triệu chứng tiêu hóa của trẻ kéo dài hơn 2 tháng và không có lời giải thích thực thể nào khác cho các triệu chứng đó.

Có thể xét nghiệm phân tìm nguyên nhân, nội soi tiêu hóa nếu đi đại tiện có máu, xét nghiệm test hơi thở hydro loại trừ nguyên nhân rối loạn hấp thu, không dung nạp carbohydrate, SIBO.

Phương pháp điều trị cho trẻ mắc hội chứng ruột kích thích

IBS ở trẻ em được điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho mọi trẻ em và bác sĩ sẽ giúp trẻ xác định phương pháp điều trị nào là tốt nhất.

Thay đổi chế độ ăn uống thường được khuyến nghị cho trẻ mắc hội chứng này và bác sĩ có thể khuyên cha mẹ nên bổ sung men vi sinh vào chế độ ăn của trẻ. Một số nghiên cứu đã cho thấy liều lượng nhỏ men vi sinh có thể giảm đau bụng ở trẻ mắc hội chứng này, đặc biệt ở những trẻ bị tiêu chảy thường xuyên.

Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp lên kế hoạch cho một chế độ ăn uống cân bằng phù hợp với nhu cầu và sở thích của trẻ. Chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể giúp theo dõi những loại thực phẩm nào có thể gây ra các triệu chứng bệnh của trẻ.

Đối với trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng, tư vấn hoặc liệu pháp nhận thức-hành vi có thể giúp cải thiện các triệu chứng.

Đôi khi thuốc được khuyên dùng để giúp giảm táo bón và các triệu chứng bệnh khác.

Khuyến nghị dinh dưỡng cho hội chứng ruột kích thích ở trẻ em

Trước đây, chế độ ăn ít FODMAP đã được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích ở cả trẻ em và người lớn. Phương pháp điều trị này đã được sử dụng rộng rãi với rất ít nghiên cứu để chứng minh tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn ít FODMAP có thể giúp giảm các triệu chứng ở trẻ em và thanh thiếu niên.

FODMAP (oligosacarit có thể lên men, disacarit, monosacarit và polyol) là các carbohydrate chuỗi ngắn được đường tiêu hóa tiêu hóa kém. Điều này thường gây ra đầy hơi, chướng bụng và khó chịu do hoạt động thẩm thấu tăng lên và sản sinh khí dư thừa từ quá trình lên men của vi khuẩn.

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 29 trẻ mắc hội chứng ruột kích thích để xác định xem chế độ ăn ít FODMAP có thể hiệu quả như thế nào trong việc điều trị căn bệnh này. Kết quả cho thấy chế độ ăn ít FODMAP nên được coi là chiến lược ăn kiêng hiệu quả trong điều trị căn bệnh này ở trẻ em. Mặc dù có những nghiên cứu khác ủng hộ những kết quả này nhưng các chuyên gia tin rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này.

Có 3 bước trong chế độ ăn kiêng loại bỏ FODMAP:

1. Loại bỏ thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao khỏi chế độ ăn của trẻ trong 2 đến 6 tuần.

2. Sau khi các triệu chứng giảm bớt hoặc được giải quyết, hãy cho trẻ ăn lại từng loại thực phẩm một để xác định loại thực phẩm nào gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích ở trẻ.

3. Khi đã xác định được những thực phẩm gây ra các triệu chứng của trẻ, có thể tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng của trẻ và cho phép chúng thưởng thức mọi thứ khác mà không cần lo lắng.

Các triệu chứng và nguyên nhân của IBS khác nhau ở mỗi trẻ. Thực phẩm gây ra triệu chứng ở trẻ này có thể không phải là vấn đề đối với trẻ khác. Một số loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao phổ biến có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng bao gồm:

+ Sữa, sữa chua và kem

+ Các sản phẩm làm từ lúa mì như ngũ cốc, bánh mì và bánh quy giòn

+ Đậu và đậu lăng

+ Một số loại rau như atisô, măng tây, hành và tỏi

+ Một số loại trái cây như táo, anh đào, lê

Trong giai đoạn loại bỏ chế độ ăn ít FODMAP, hãy tập trung bữa ăn của con bạn vào các loại thực phẩm sau:

+ Trứng và thịt

+ Một số loại phô mai như brie, camembert, cheddar và feta

+ Sữa hạnh nhân

+ Các loại ngũ cốc như gạo, quinoa và yến mạch

+ Các loại rau như cà tím, khoai tây, cà chua, dưa chuột và bí xanh

+ Các loại trái cây như nho, cam, dâu tây, quả việt quất và dứa

Có thể lấy danh sách đầy đủ các loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Làm việc với một chuyên gia dinh dưỡng có thể rất hữu ích trong việc xác định nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong khi điều trị các triệu chứng hội chứng ruột kích thích của chúng. Tuổi thơ và tuổi thiếu niên là khoảng thời gian rất quan trọng trong quá trình phát triển và đảm bảo trẻ nhận được đủ dinh dưỡng là rất quan trọng.

Kết luận

Khoảng 20% trẻ em mắc hội chứng ruột kích thích và nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cả trẻ và gia đình. Việc xác định phân loại hội chứng ruột kích thích mà trẻ mắc phải có thể giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất. Xin ý kiến bác sĩ để tìm hiểu trẻ có bị hội chứng ruột kích thích hay không và cách kiểm soát tốt nhất các triệu chứng.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Hội chứng ruột kích thích: Kinh nghiệm điều trị của chuyên gia tiêu hóa bệnh viện Norwalk

Xét nghiệm hơi thở và hội chứng ruột kích thích (IBS)

Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) nên tránh ăn loại thực phẩm nào

Mèo mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) nên chọn thức ăn như nào

Yhocvn.net (Lược dịch theo modifyhealth)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook